Đà Nẵng: Tổng mức bán lẻ hàng hóa quý I/2020 tăng 6% so với cùng kỳ 2019
Duy trì đà tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa
Do tâm lý chung của người dân trong dịch Covid – 19 là hạn chế chi tiêu, ảnh hưởng đến sức mua, khiến tiêu dùng cá nhân trong tháng 3/2020 tại TP. Đà Nẵng có xu hướng giảm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TP. Đà Nẵng quý I/2020 tăng 6% so với cùng kỳ 2019 |
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, trong quý I/2020, tổng lượng hàng hóa tại các trung tâm thương mại, siêu thị bán ra trong ngày có lúc giảm đến 50% so với bình quân các ngày trong năm 2019. Tại các chợ, lượng khách đến các chợ giảm 70-80%, khách địa phương giảm 30% so với cùng kỳ.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 3/2020 ước đạt 4.504 tỷ đồng, giảm 1% so với tháng 2/2020, và giảm 2% so với cùng kỳ 2019. Cũng bởi tâm lý phòng dịch nên sức mua các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu lương thực thực phẩm có chiều hướng tăng, còn lại hầu hết các ngành hàng sức mua đều giảm như may mặc, ô tô con, nhiên liệu....
Tính chung quý I/2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 14.531 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù thương mại điện tử tăng trưởng tương đối tốt, tuy nhiên, chưa thu thập được số liệu cụ thể để tính vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế do việc kiểm soát hình thức kinh doanh trực tuyến chưa được chặt chẽ.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI trên địa bàn Đà Nẵng tháng 3 giảm 0,91% so với tháng 2/2020, tăng 5,55% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số CPI với các nhóm hàng thuốc – dịch vụ y tế, bưu chính viễn thông, giáo dục khá bình ổn so với tháng 2/2020. CPI nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,18%. Có tới 6 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có CPI tăng trưởng âm. Đặc biệt là nhóm văn hóa - giải trí - du lịch CPI giảm tới 2,62%, mức giảm CPI cao nhất trong các nhóm ngành hàng và giảm sâu so với tháng 2/2020.
Dù vậy, CPI bình quân quý I/2020 tăng 5,87% so với cùng kỳ 2019. Đây là mức tăng cao nhất của quý I trong vòng 5 năm qua.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đã nhanh chóng thích ứng và chuyển hình thức kinh doanh từ bán hàng tại chỗ sang nhận đơn hàng qua điện thoại, zalo, facebook... và giao hàng tận nơi |
Siêu thị, doanh nghiệp chủ động thích ứng
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch và kích cầu tiêu dùng các siêu thị, trung tâm thương mại đã triển khai nhiều hình thức giao dịch như công bố số hotline đặt hàng qua điện thoại, zalo, trực tuyến và giao hàng tận nơi để phục vụ yêu cầu hạn chế đi lại của người dân. Bên cạnh đó, tại các chợ truyền thống và siêu thị triển khai đồng loạt các giải pháp đảm bảo an toàn cho người bán và người mua khi thực hiện giao dịch, mua bán trực tiếp tại chợ/siêu thị.
Để hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của Covid – 19, nhiều doanh nghiệp thương mại dịch vụ trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng đang chủ động thích ứng, đẩy mạnh hình thức kinh doanh trực tuyến. Ông Phan Hải - Giám đốc Công ty TNHH SX & KD Giày BQ - cho biết, hoạt động kinh doanh của công ty không nằm ngoài thực tế chung bị tụt giảm, thậm chí doanh thu bán lẻ trực tiếp tại các cửa hàng của công ty giảm đến 50% doanh thu. Để bù đắp cho phần doanh thu tụt giảm này, công ty đẩy mạnh tương tác, bán hàng trực tuyến, kích cầu tiêu dùng thông qua chương trình giảm giá sản phẩm khi mua online, giao hàng tận nơi – mua 1 thử 4….. “Doanh thu bán lẻ offline giảm mạnh, nhưng bù lại doanh thu bán hàng online tăng khoảng 30%, vì vậy, cũng phần nào giúp doanh thu chung của khối bán lẻ không trượt dài và giảm quá sâu”, ông Hải nói.
Không chỉ đẩy mạnh bán hàng online, Công ty BQ còn tận dụng được cơ hội trở thành nhà cung ứng thay thế cho những doanh nghiệp bị phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc. Ông Phan Hải chia sẻ: “Qua nhiều biến cố trong sản xuất kinh doanh, công ty đã nhận thấy việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu vào 1 đối tác, 1 thị trường là rất mạo hiểm. Ngay từ cách đây 2 năm, công ty đã tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung đầu vào để sản xuất giày dép từ các thị trường khác ngoài Trung Quốc như Paskistan…., vì vậy, dù xảy ra dịch bệnh nhưng hoạt động sản xuất của công ty hầu như rất ít chịu tác động”.
Công ty BQ thực hiện giảm tới 20% giá trị đơn hàng khi mua online, giao hàng tận nơi và mua 1 thử 4 |
Còn bà Nguyễn Thị Kim Liên - Giám đốc Công ty TNHH KDTH Ân Điển - cho biết, trong giai đoạn khó khăn chung, bản thân doanh nghiệp phải tự cứu mình trước khi trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ. “Để kích cầu tiêu dùng, Ân Điển thực hiện chính sách bán hàng không lợi nhuận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thương mại – dịch vụ trong chuỗi liên kết kinh doanh của chúng tôi tiêu dùng sản phẩm của nhau, cùng tương hỗ để cùng vượt khó thành công”, bà Liên nói và khẳng định “Rút lại thì Covid – 19 thực ra cũng chỉ là phép thử “sức đề kháng” của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thương mại dịch vụ. Chúng tôi tin sẽ đủ sức đề kháng để mạnh mẽ vượt qua thử thách này”.