Chủ nhật 29/12/2024 06:42

Đà Nẵng: Thúc đẩy công nghiệp công nghệ thông tin

Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp ICT (công nghệ thông tin & truyền thông – CNTT) sẽ đóng góp 15% vào GRDP thành phố và là một ngành kinh tế mũi nhọn. Thành phố đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng cũng như xúc tiến đầu tư để hiện thực hóa mục tiêu trên.

Tăng trưởng ấn tượng

Năm 2020, do tác động tiêu cực của dịch Covid – 19, mọi hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại – dịch vụ, xuất nhập khẩu của TP. Đà Nẵng đều gặp khó khăn, rơi vào tăng trưởng âm. Trong sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu, sản xuất và xuất khẩu phần mềm vụt lên trở thành một điểm sáng khi xuất khẩu không giảm mà còn tăng nhẹ so với năm 2019, đạt 60,3 triệu USD.

Xuất khẩu phần mềm tại TP. Đà Nẵng tăng trưởng ấn tượng liên tục 25%/năm

Theo ông Lê Sơn Phong – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng, trong giai đoạn 2010 – 2019, công nghiệp ICT đã có bước tăng trưởng nhanh, bền vững về cả doanh thu và sản lượng với mức tăng trung bình 20%/năm. Riêng xuất khẩu phần mềm tăng bình quân 25%/năm, trong đó, Nhật Bản và Mỹ là những thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm 36% thị phần xuất khẩu). Đến cuối 2019 ngành công nghiệp ICT đã chiếm tỷ trọng 7,7% GRDP của thành phố. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp ICT trong giai đoạn 2015-2019 là 9%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố (7,3%/năm).

Đến thời điểm hiện tại, TP. Đà Nẵng có 7.000 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề có liên quan đến lĩnh vực CNTT, chiếm 20% tổng số doanh nghiệp toàn thành phố. Trong đó, 1.900 doanh nghiệp ngành nghề chính trong lĩnh vực CNTT. Toàn thành phố có 36.000 nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT, 20.000 người trong số đó làm việc trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số.

Thúc đẩy công nghiệp ICT thành ngành công nghiệp mũi nhọn

TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp ICT sẽ đóng góp 15% trong tổng GRDP của thành phố. Trên thực tế, Đà Nẵng đang có nhiều lợi thế cạnh tranh để hiện thực hóa mực tiêu này.

Xét ở góc độ cạnh tranh quốc tế, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Phạm Anh Tuấn, Việt Nam đã sẵn sàng để đón nhận các làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ; Chính phủ đã và đang hoàn thiện mô hình và cơ chế, chính sách để tạo sự phát triển đột phá cho các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao tại các trung tâm kinh tế trọng điểm trong cả nước, đặc biệt là Tp. Đà Nẵng. “Nổi lên và được ví như là một Thung lũng Silicon của Đông Nam Á, Chính quyền Đà Nẵng đang cùng với các cơ quan Trung ương xây dựng hệ sinh thái số, ưu tiến thu hút các dự án FDI công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” và là điểm đến đắt giá thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu”, ông Phạm Anh Tuấn đánh giá.

Ở góc độ trong nước, ông Takahisa Onose - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng (JCCID) cho rằng Việt Nam là đất nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trong đó, Đà Nẵng là “thành phố đáng chú ý” tại Việt Nam. Hiện nay, có 143 doanh nghiệp Nhật Bản đang có dự án kinh doanh tại Đà Nẵng, hơn 90% trong số đó là doanh nghiệp sản xuất, gần đây, có thêm nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin & dịch vụ.

JCCID đánh giá Đà Nẵng đã có bước tiến đáng kể trong việc hoàn thiện hạ tầng trong 10 năm qua; lực lượng lao động nghiêm túc, dồi dào và giá rẻ; môi trường sống hấp dẫn, đặc biệt là an ninh rất tốt. Trong lĩnh vực CNTT, TP. Đà Nẵng có nguồn nhân lực chất lượng cao, làm việc nghiêm túc; hoạt động hợp tác giữa cơ sở đào tạo các cấp bao gồm hệ đại học với doanh nghiệp CNTT diễn ra mạnh mẽ.

Tuy nhiên, đại diện JCCID cũng cho rằng TP. Đà Nẵng vẫn còn những hạn chế, mà về lâu dài đó là yếu tố cốt lõi để quyết định tăng trưởng và tạo lên lợi thế cạnh tranh của công nghiệp ICT thành phố đó là thành phố còn đang thiếu hụt nguồn cung kỹ sư công nghệ thông tin chất lượng cao. “Bản thân các kỹ sư CNTT khả năng và ý thức tự nâng cao kỹ năng chuyên môn còn hạn chế”, ông Takahisa Onose nói và lưu ý thêm thành phố cũng cần nhanh chóng bù đắp sự thiếu hụt văn phòng làm việc phù hợp cho các doanh nghiệp CNTT.

Đà Nẵng xác định phát triển công nghiệp ICT là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Đại diện chính quyền TP. Đà Nẵng, ông Lê Sơn Phong cho hay, Đà Nẵng xác định phát triển thành phố là một đô thị thông minh dựa trên công nghệ ICT. Để triển khai thành công mục tiêu, TP. Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư vào 3 nội dung gồm đầu tư hạ tầng, đầu tư vào dữ liệu và đầu tư vào ứng dụng thông minh.

Hạ tầng ngành phục vụ ngành công nghiệp CNTT đang được thành phố tích cực xây dựng. “Đà Nẵng đang đẩy nhanh việc xây dựng khu công viên phần mềm số 2, khu công nghệ thông tin tập trung để đáp ứng đủ nhu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đến hoạt động”, ông Phong thông tin.

Về nguồn nhân lực, hiện thành phố có hệ thống các trường đại học cung ứng nguồn nhân lực có trình độ. Tại trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đang có các chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu nguồn cung kỹ sư CNTT đang thiếu hụt.

Doanh nghiệp IT đầu tư vào trong khu CNTT tập trung Đà Nẵng sẽ được miễn tiền thuê đất từ 5 – 10 năm, hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi đối với sản phẩm và dịch vụ CNTT theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp sản xuất các dự án sản phẩm điện tử, sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghệ thông tin sẽ được giảm 50% chi phí sử dụng hạ tầng trong 2 năm đầu tiên. Riêng các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D), ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, vườn ươm doanh nghiệp CNTT sẽ được miễn chi phí sử dụng hạ tầng trong 2 năm đầu tiên và giảm 50% chi phí trong 3 năm tiếp theo.

Đối với các doanh nghiệp IT không nằm trong khu CNTT tập trung, trong 4 năm đầu hoạt động được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, 9 năm tiếp theo chịu thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 5%; được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: Công nghệ thông tin

Tin cùng chuyên mục

Doanh nghiệp dệt may chủ động đáp ứng kế hoạch kinh tế tuần hoàn

Chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trấn Yên

Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin về lễ kỷ niệm 25 năm thành lập và hội nghị tổng kết 2024

Doanh nghiệp dệt may tăng tốc về đích

Doanh nghiệp dệt may chủ động chuyển đổi xanh

Doanh nghiệp da giày chịu nhiều sức ép trong 'xanh hóa' sản xuất

Hàn Quốc đầu tư 6 tỷ USD vào ngành dệt may Việt Nam

Hội thảo ngành dệt may Việt Nam năm 2045: Nơi tăng trưởng xanh gặp năng suất

Doanh nghiệp dệt may bắt nhịp chuyển đổi số

Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho Chiến lược phát triển ngành sữa

Tình hình quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay ra sao?

Dồi dào đơn hàng, doanh nghiệp dệt may lại lo thiếu lao động

Cách nào phát triển thời trang Việt?

Sản xuất công nghiệp của Nam Định “chạy nước rút”

Bộ Công Thương dự kiến cắt giảm, đơn giản hoá nhiều thủ tục hành chính lĩnh vực công nghiệp nhẹ

Chính phủ giao Bộ Công Thương tăng cường đối thoại để triển khai Cơ chế CBAM

Giải pháp căn cơ cho ngành Công Thương 'chắc chân' trước biến động thị trường

Ngày 27/9, sẽ diễn ra Ngày hội Cotton Day Việt Nam 2024

Xung đột tại Bangladesh có làm chuyển hướng chuỗi cung ứng dệt may?

Phát triển thị trường ngách cho ngành dệt may: Cuộc chơi của các “ông lớn”