Đà Nẵng: Số ca sốt xuất huyết tăng mạnh
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố ghi nhận hơn 1.223 ca mắc sốt xuất huyết, cao gấp 9,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ liên tục ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết. Đây là địa bàn có nhiều nhà trọ, khu tập thể cho công nhân, người lao động, sinh viên thuê trọ.
Số ca mắc sốt xuất huyết tại thành phố Đà Nẵng từ đầu năm 2022 đến nay tăng mạnh, gấp 9,5 lần so với cùng kỳ 2021 |
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt – Phó Trưởng khoa bệnh Nhi (Trung tâm y tế quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) cho biết do thời tiết thay đổi bất thường, có mưa nên tỷ lệ lây nhiễm sốt xuất huyết rất nhanh. Đối tượng bị sốt xuất huyết trên địa bàn quận chủ yếu là trẻ từ 10 – 12 tuổi. Hầu hết bệnh nhi bị nhiễm sốt xuất huyết đều có biểu hiện điển hình như sốt vào ngày thứ 4, xuất hiện mẩn đỏ khắp người. “Năm nay dịch sốt xuất huyết chưa ghi nhận ca bệnh nào diễn biến nặng. Dù số lượng ca mắc sốt xuất huyết ở các quận lẻ tẻ nhưng đang có dấu hiệu tăng”, bác sĩ Việt cho hay.
Tương tự, tại bệnh viện Đa khoa Gia Đình (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) cũng tiếp nhận khám và điều trị nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết, trung bình từ 3 – 4 bệnh nhân mỗi ngày. Bác sĩ Trần Lê Khoa – Khoa nội Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Gia Đình) khuyến nghị: “Các trường hợp sốt xuất huyết cần biết để nhập viện sớm khi có dấu hiệu cảnh báo như mệt mỏi, đi vệ sinh ra máu, chảy máu răng, kỳ kinh nguyệt kéo dài, đau bụng vùng dưới bên phải….”. Theo Bác sĩ Khoa, triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết và Covid – 19 khá giống nhau như sốt, mệt mỏi. Nhưng Covid – 19 thường có biểu hiện viêm đường hô hấp trên, chảy nước mũi, đau họng. Còn sốt xuất huyết thường đi kèm với sốt cao, nổi các nốt đỏ khắp người ngày càng tăng.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoá – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, hệ thống giám sát của trung tâm sẽ thu nhận và phân tích thông tin từ các tuyến bệnh viện, và qua kênh phản ảnh của người dân, từ đó khoanh vùng xử lý các ổ dịch. Bác sĩ Hoá cũng khuyến nghị hiện bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc trị và vaccine phòng bệnh, vì vậy, biện pháp hiệu quả vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình và quanh khu vực sinh sống.
Cũng theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, hiện số ca bệnh chân tay miệng tại thành phố cũng có xu hướng tăng. Từ đầu năm năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 300 ca mắc chân tay miệng. Đặc biệt là từ tháng 3 – 5/2022, số ca mắc tăng. Điển hình từ ngày 25/4 – 1/5, thành phố đã ghi nhận 105 ca mắc chân tay miệng, tăng mạnh so với các tuần trước đó. |