Chiều 3/3, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về đề án "Phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn TP. Đà Nẵng".
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - ông Trần Phước Sơn, TP. Đà Nẵng hướng tới phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ du thuyền để thúc đẩy nền kinh tế thành phố phát triển |
Báo cáo tóm tắt đề án, trên cơ sở đánh giá SWOT (điểm mạnh – yếu, cơ hội – thách thức, kinh nghiệm trong nước – thế giới) đại diện Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải – đơn vị lập đề án đã đưa ra các định hướng phát triển du thuyền cũng như đề xuất dự án phát triển liên quan đến du thuyền.
Trong đó, định hướng phát triển du thuyền TP. Đà Nẵng bám sát định hướng phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị).
Trên định hướng cụ thể từng giai đoạn từ 2022 – 2045, đơn vị lập đề án đề xuất phát triển 3 ngành công nghiệp du thuyền(công nghiệp đóng mới du thuyền; bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế phụ tùng nội thất du thuyền; cung cấp trang thiết bị nội thất linh kiện du thuyền) và 6 nhóm ngành dịch vụ (dịch vụ thương mại; dịch vụ vận tải; dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng du thuyền; dịch vụ an ninh, đảm bảo an toàn; dịch vụ cảng bến; và dịch vụ khác (liên quan đến du lịch)).
Tổng vốn thực hiện đề án dự kiến khoảng 6.850 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cho ngành công nghiệp du thuyền là 4.500 tỷ đồng; vốn đầu tư cho dịch vụ du thuyền là 2.350 tỷ đồng.
Tổng nhu cầu sử dụng đất phát triển công nghiệp du thuyền là 73,67 ha (công nghiệp du thuyền 61,87 ha, phát triển dịch vụ 11,8 ha) gồm nhà máy đóng mới du thuyền, công suất tối đa 100 du thuyền/năm, diện tích đất dự kiến 20 ha; cảng du thuyền quốc tế (cảng Tiên Sa) 21,87 ha; 3 bến du thuyền quốc tế tổng diện tích 9 ha; biển, khu neo đậu du thuyền cá nhân 0,2 – 0,5ha.
Dự kiến, doanh thu từ đề án giai đoạn 2022 – 2025 ước đạt 400 tỷ đồng/năm (chiếm 0,3 – 0,35 GRDP); giai đoạn 2026 – 2030 ước đạt 1.000 tỷ đồng/năm (tương đương 0,6 – 0,65%). Giai đoạn sau năm 2030, tầm nhìn 2045, ước tính doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng/năm.
Doanh thu từ các dịch vụ bến du thuyền ước đạt 1.000 tỷ đồng/năm giai đoạn 2022 – 2025; 8.000 tỷ đồng/năm giai đoạn 2026 – 2030 (tương đương 4,5 – 5%GRDP); giai đoạn sau năm 2030 ước tính 15.000 tỷ đồng/năm.
Đề án đưa ra 8 nhóm giải pháp đề thực hiện đề án hiệu quả. Giai đoạn trước mắt ưu tiên xây dựng một bến du thuyền quốc tế trong (giai đoạn 2021 – 2025); ban hành cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này; xây dựng chiến lược phát triển du lịch và du thuyền Đà Nẵng theo hướng đô thị xanh; kiểm soát chất lượng môi trường tại sông Hàn, âu thuyền Thọ Quang…; tổ chức các sự kiện để quảng bá hình ảnh thành phố và tiềm năng phát triển du thuyền cũng như công nghiệp du thuyền của thành phố.
Các chuyên gia cho rằng việc phát triển công nghiệp, dịch vụ du thuyền tại TP. Đà Nẵng là phù hợp với lợi thế của thành phố, nhất là lợi thế về mặt nước; và phù hợp với định hướng phát triển của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 |
Tham gia góp ý, phản biện đề án, các chuyên gia, nhà khoa học học đều cho rằng việc xây dựng đề án và định hướng phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ du thuyền là cần thiết, phù hợp với bối cảnh thực tế của TP. Đà Nẵng. Đặc biệt là khai thác được lợi thế mặt nước còn đang bỏ ngỏ của thành phố; phù hợp với định hướng phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Ông Đặng Huy Đông – Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch & Phát triển, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng việc phát triển du thuyền là một nhu cầu tự nhiên và bắt buộc, trong bối cảnh TP. Đà Nẵng không có quá nhiều dư địa đất đai và tận dụng được lợi thế mặt nước – một lợi thế tự nhiên nếu không khai thác sẽ rất lãng phí.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp du thuyền có giá trị gia tăng cao và cũng phù hợp để đưa vào quy hoạch tổng của thành phố.
Góp ý bổ sung hoàn thiện đề án, ông Tô Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng đề xuất đơn vị tư vấn cần phân tích kĩ hơn những thách thức khi Đà Nẵng phát triển công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền. Trong đó chú ý đến việc TP. Đà Nẵng chưa có đầy đủ hệ thống thương mại dịch vụ cao cấp (phục vụ cho du khách có thu nhập cao); hay thu nhập bình quân đầu người tại TP. Đà Nẵng cũng như Việt Nam cũng chưa cao.
Ông Nguyễn Đức Thuận – Tổng Giám đốc Công ty Vietyacht (đơn vị phân phối độc quyền du thuyền tại Việt Nam), cho rằng trong đề án cần đưa ra được đề xuất ưu tiên về thủ tục thu hút đầu tư cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.
Các chuyên gia cũng đề nghị đơn vị lập đề án cần làm rõ hơn phân tích hiệu quả kinh tế, việc làm liên quan đến lĩnh vực du thuyền; đặc biệt là đảm bảo môi trường xanh khi phát triển công nghiệp, dịch vụ du thuyền.
Cảng Tiên Sa (Sơn Trà, Đà Nẵng) được định hướng trở thành cảng du thuyền quốc tế |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – ông Trần Phước Sơn, công nghiệp du thuyền là một ngành công nghiệp mới, không chỉ với TP. Đà Nẵng mà cả Việt Nam. Tuy nhiên, nếu thực hiện được, ngành công nghiệp này sẽ tạo ra giá trị gia tăng rất lớn, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố. “Công nghiệp du thuyền tạo ra giá trị thặng dư rất lớn, tạo ra hiệu quả kinh tế rất cao, đóng góp nhiều vào tăng trưởng. Đây là một ngành mới Đà Nẵng hướng tới”, ông Sơn nói và cho biết thêm, sau hội thảo, TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức một hội nghị tham vấn với quy mô rộng rãi hơn; mời các chuyên gia lớn, có tính đến mời chuyên gia quốc tế để góp ý hoàn thiện đề án hơn. Đề án sau khi hoàn thiện cũng sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh (quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050).
Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đặt ra mục tiêu cho TP. Đà Nẵng đến năm 2045 trở thành thành phố sống đẳng cấp châu Á. Để thực hiện mục tiêu này TP. Đà Nẵng sẽ phát triển kinh tế dựa trên 5 trụ cột chính, trong đó có du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biến, hàng không gắn với dịch vụ logistics. |