Xây dựng trạm sạc để khuyến khích người dân sử dụng xe điện
Chiều ngày 18/3, Sở Công Thương Đà Nẵng tổ chức Hội nghị công bố “Đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển ô tô điện, trạm sạc điện trên địa bàn TP. Đà Nẵng”.
Đề án khuyến khích phát triển ô tô điện, trạm sạc xe điện của TP. Đà Nẵng là đề án tiên phong trong cả nước thúc đẩy phát triển, sử dụng xe điện |
Theo đề án, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 165 trạm sạc xe điện; trong đó, 150 trạm sạc cấp 1, 2 và 15 trạm sạc cấp 3. Đến năm 2030, toàn thành phố sẽ có 300 trạm sạc; trong đó có 250 trạm sạc cấp 1, 2 và 50 trạm sạc cấp 3. Các trạm sạc xe điện sẽ được đặt tại các bãi đỗ xe, trung tâm thương mại, khu đô thị, trường học, cửa hàng xăng dầu, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng…. phủ khắp thành phố.
TP. Đà Nẵng khuyến khích mua sắm công, sử dụng ô tô điện phục vụ tại các sở ban ngành thành phố phù hợp với các quy định của pháp luật; có lộ trình chuyển đổi xe buýt công cộng chạy bằng xăng dầu sang sử dụng xe buýt điện.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – ông Hồ Kỳ Minh, xe điện nói chung, ô tô điện nói riêng là tương lai của ngành công nghiệp chế tạo xe cơ giới, có những ưu điểm vượt trội như tiết kiệm nguyên liệu, tài nguyên, bảo vệ môi trường, an toàn cho người sử dụng. Đi cùng với sự phát triển của xe điện là việc xây dựng, phát triển các trạm sạc xe điện.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện nay số lượng người dân sử dụng xe điện còn khá hạn chế, các trạm sạc xe điện cũng chưa hình thành mạng lưới rõ ràng. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới chỉ có một vài trạm sạc xe ô tô thí điểm trong các chương trình hợp tác thử nghiệm tại Bộ Công Thương.
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện đang có 4 trạm sạc ô tô điện được nghiên cứu đầu tư, lắp đặt bởi Tổng công ty Điện lực miền Trung phối hợp với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) (3 trạm sạc), và Công ty Mitsubishi Motors hợp tác với TP. Đà Nẵng (1 trạm sạc).
“Để đẩy mạnh việc sử dụng xe điện trên địa bàn TP. Đà Nẵng rất cần thiết phải nghiên cứu các địa điểm khả thi và phù hợp nhằm hình thành được mạng lưới các trạm sạc cho các loại xe điện”, ông Minh nói.
Ông Hồ Kỳ Minh cho rằng, với số lượng xe điện hiện còn ít hiện nay, các doanh nghiệp sẽ không mặn mà đề xuất phát triển hạ tầng trạm sạc nếu cơ chế chính sách không hấp dẫn. “Vì vậy, một cơ chế chính sách khuyến khích phát triển trạm sạc xe điện và người dân sử dụng xe điện, nguồn năng lượng sạch là một phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của TP. Đà Nẵng về sử dụng năng lượng sạch, nâng cao hình ảnh và thương hiệu thành phố đáng sống, xanh sạch đẹp”, ông Minh cho hay và nói thêm, đề án cũng là một trong những hoạt động cụ thể triển khai có hiệu quả Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Cần có những cơ chế, chính sách cụ thể để đề án phát triển xe điện, sử dụng xe điện tại Đà Nẵng thu hút các nhà đầu tư xây dựng trạm sạc và người dân mua, sử dụng xe điện |
Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ
Theo đại diện nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, đề án khuyến khích phát triển trạm sạc xe điện, sử dụng xe ô tô điện của TP. Đà Nẵng là rất thiết thực, tuy nhiên, vì là địa phương trong cả nước tiên phong xây dựng đề án nên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Theo ông Nguyễn Anh Toàn - Phó Tổng giám đốc PV Oil, thực tế hiện nay các trạm sạc xe điện tại Đà Nẵng chưa phát huy được hiệu quả do số lượng xe điện vẫn còn hạn chế. “Các trạm sạc xe điện đặt tại cửa hàng xăng dầu của PV Oil chưa ghi nhận được doanh thu. Chúng tôi thực hiện bởi trách nhiệm xã hội là chính”, ông Toàn nói và cho rằng, đề án của TP. Đà Nẵng là chủ trương đúng, có tính tiên phong, nhưng để thực hiện đề án có hiệu quả thành phố phải kêu gọi các bên tham gia để đảm bảo hài hòa lợi ích của mỗi bên, phải có cơ chế khuyến khích cụ thể để nhà đầu tư “mặn mà” đầu tư trạm sạc cũng như người dân sử dụng xe điện.
Là một trong 2 đơn vị được hưởng lợi từ hợp tác của Mitsubishi Motors với Sở Công Thương TP. Đà Nẵng trong khuôn khổ Dự án Nghiên cứu chung về tiềm năng của ô tô điện ở Việt Nam, Công ty TNHH MTV Du lịch công đoàn Đà Nẵng đã sử dụng 2 xe ô tô điện được hỗ trợ. Bà Huỳnh Thị Kim Lương - Chủ tịch HĐTV - công ty cho biết, trong 3 năm sử dụng, xe ô tô điện đã phát huy hiệu quả rất tích cực cho hoạt động của công ty, góp phần vào bảo vệ môi trường. Đặc biệt, xe điện có lợi ích thiết thực nhất về kinh tế. Tuy nhiên giá các loại xe ô tô điện hiện vẫn còn khá cao so với mặt bằng xe ô tô chung và so với thu nhập của người tiêu dùng. “Vì vậy, nên chăng có chính sách khuyến khích người mua ô tô điện để nhiều người tiêu dùng có thể mua và sử dụng”, bà Lương nói.
Để đẩy mạnh việc sử dụng xe điện và xây dựng các trạm sạc xe điện, ông Lê Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm phát triển trạm pin, Công ty TNHH Kinh doanh thương mại & dịch vụ Vinfast - đề xuất TP. Đà Nẵng cần có những cơ chế cụ thể khuyến khích các đơn vị hợp tác phát triển trạm sạc điện tại các bãi đỗ xe cũng như hỗ trợ thủ tục pháp lý, ưu đãi phí sử dụng đất làm trạm sạc; hỗ trợ thẩm định dự án và cấp phép xây dựng. Cùng với đó, xây dựng cơ chế đặc thù về sử dụng điện theo tính chất hoạt động của trạm sạc và lộ trình phát triển dần của xe điện; tạo điều kiện cho nhà đầu tư khảo sát, đấu nối điện và có phương án đảm bảo cung cấp điện cho trạm sạc. Ngoài ra, ban hành các quy định sử dụng trạm sạc điện tại các nơi công cộng….
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng - bà Nguyễn Thị Thúy Mai - cho hay, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước có đề án xây dựng và phát triển trạm sạc xe điện nên trong quá trình thực hiện sẽ có những khó khăn. “Thành phố đã xây dựng những cơ chế, chính sách nhưng vì là lĩnh vực mới nên sẽ từng bước giải quyết các vướng mắc. Trong đó, sẽ có phối hợp với các đơn vị liên quan để nghiên cứu xây dựng chính sách cho vay vốn, hỗ trợ lãi suất khi xây dựng trạm sạc điện. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư để cùng thành phố thực hiện thành công đề án”, bà Mai khẳng định.