Cần công bố mạnh mẽ cơ chế kiểm soát dịch
Tại buổi làm việc của Thành ủy Đà Nẵng với Sở Du lịch về kế hoạch phục hồi du lịch thành phố ngày 16/2, bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng - cho biết, dịch Covid-19 kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch. Đến nay, khoảng 80% doanh nghiệp du lịch chưa hoạt động trở lại, hơn 42.000 lao động trực tiếp của ngành và hàng trăm nghìn lao động gián tiếp mất việc tạm thời.
![]() |
80% doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng chưa hoạt động trở lại, hàng trăm nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực du lịch bị mất việc do dịch Covid - 19 |
Cùng với cả nước, hiện TP. Đà Nẵng đang gấp rút có kế hoạch để mở lại các hoạt động du lịch và thu hút khách. Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng - cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đang rất quan tâm đến các động thái mở cửa du lịch từ phía Chính phủ và địa phương. Với việc thích ứng linh hoạt an toàn với dịch Covid-19, đây sẽ là cơ hội lớn nhất, lâu dài và căn cơ để doanh nghiệp du lịch khôi phục sau một thời gian dài “đóng băng”. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lượng khách du lịch nội địa trong cả nước có đà tăng trở lại rõ nét, điều này cho thấy nhu cầu du lịch của người dân là có, và nếu TP. Đà Nẵng nắm bắt được cơ hội thì đây sẽ là điều kiện tích cực để du lịch phục hồi.
“Có tín hiệu khách quốc tế vào TP. Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung. Hiện nay, TP. Đà Nẵng là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong số các điểm đến tại Việt Nam. Vấn đề là làm sao để bắt kịp được tín hiệu này”, ông Dũng nói và thông tin thêm, hiện ngành du lịch Đà Nẵng đã chuẩn bị và dự kiến sẽ công bố 4 nhóm sản phẩm tăng trải nghiệm, tăng giá trị cho khách hàng.
Theo ông Dũng, việc doanh nghiệp du lịch và ngành du lịch có phục hồi được hay không có vai trò rất quan trọng của cơ quan nhà nước, địa phương. “Doanh nghiệp mong muốn thành phố sẽ có những công bố mạnh mẽ, quyết liệt cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm trong tiến độ mở cửa, chào bán các sản phẩm du lịch, tránh việc mở cửa giữa chừng lại phải tạm dừng hoạt động”, ông Dũng nhấn mạnh và nói thêm, hiện nhiều du khách và khách hàng (đặc biệt là các đơn vị lữ hành quốc tế) vẫn còn tâm lý e ngại, chần chừ khi dịch Covid-19 tại thành phố còn phức tạp.
![]() |
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng - ông Cao Trí Dũng - cho biết, cộng đồng doanh nghiệp du lịch mong muốn thành phố sẽ có những công bố mạnh mẽ, quyết liệt để doanh nghiệp yên tâm mở cửa trở lại |
Đại diện Hiệp hội Du lịch cũng đề nghị TP. Đà Nẵng hỗ trợ để các doanh nghiệp có thể thuận lợi tiếp cận các gói hỗ trợ 35.000 tỷ đã được Quốc hội thông qua để giúp doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Đặc biệt là gói chính sách tài khóa (giảm 2% thuế VAT) và chính sách tài chính tín dụng (cơ cấu lại nợ, không nhảy nhóm nợ, cho phép vay mới). Đồng thời, tạo điều kiện để các dự án trọng điểm du lịch nhanh chóng được triển khai như Dự án khu nghỉ dưỡng Làng Vân, phố đi bộ; hỗ trợ kinh phí để đẩy mạnh các sự kiện và xúc tiến quảng bá du lịch….
Đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm thương mại đặc trưng phục vụ du lịch
Góp ý về các biện pháp phục hồi du lịch, bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng - cho rằng, du lịch và thương mại có mối quan hệ hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Bà Phương đề nghị trong thời gian tới, ngành Du lịch sẽ phối hợp với ngành Công Thương xây dựng kế hoạch hình thành một số chợ điểm phục vụ du lịch. “Trong năm 2021 ngành Công Thương đã xây dựng xong đề án. Năm 2022 sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện đề án. Đề nghị ngành du lịch phối hợp để tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù tại các chợ điểm này để tạo sức hấp dẫn”, bà Phương nói.
![]() |
Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành Công Thương và Du lịch trong việc xây dựng các sản phẩm thương mại phục vụ du lịch phù hợp với thị hiếu và khẩu vị của khách du lịch |
Đặc biệt, Giám đốc Sở Công Thương đề nghị ngành du lịch phối hợp với ngành Công Thương tổ chức các sự kiện bên lề trong các sự kiện của ngành du lịch dịp cao điểm lễ hội để quảng bá các sản phẩm thương mại đặc trưng của thành phố, vừa giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm đến với du khách, vừa quảng bá được sản phẩm đặc trưng của thành phố.
“Ngành Công Thương đang xây dựng chương trình quảng bá sản phẩm thương mại đặc trưng Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2025. Đề nghị Sở Du lịch cùng phối hợp, tìm kiếm những sản phẩm phù hợp với thị hiếu, khẩu vị của khách du lịch đến Đà Nẵng. Từ đó, quảng bá và đưa ra chương trình hiệu quả, ấn tượng với du khách”, bà Phương nói.
Đồng tình với đề xuất về hình thành chợ điểm phục vụ du lịch, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị ngành Công Thương và Du lịch lưu ý xem xét tìm phương án khai thác lợi thế của chợ cá Thọ Quang và chợ đầu mối Hòa Cường để đưa trở thành điểm đến mua sắm du lịch. Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của thành phố.
![]() |
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng gợi mở việc nghiên cứu để đưa chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang và chợ đầu mối Hòa Cường có thể trở thành điểm đến du lịch kết hợp mua sắm |
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Và muốn du lịch phục hồi cần có sự chung tay góp sức và nỗ lực rất lớn của Sở Du lịch và nhiều Sở ngành liên quan.
Trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh việc mở cửa du lịch phải đi kèm với kiểm soát dịch bệnh là điều kiện hàng đầu. Quan trọng hơn hết, các đơn vị du lịch cần làm mới những sản phẩm cũ, dễ dàng thực hiện như các hoạt động vui chơi, check-in trên bãi biển, bán đảo Sơn Trà, hai bên bờ sông Hàn, trên sông Hàn,...