Da giày cần thích ứng với các quy tắc của thị trường xuất khẩu |
Khác với nhiều ngành công nghiệp khác, ngành da giày hiện được xem là có nhiều thuận lợi để tiếp tục duy trì vững chắc vị thế nhóm dẫn dầu trong các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tính chung 11 tháng của năm 2019, sản lượng giày dép da ước đạt 270,6 triệu đôi, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong khi chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 9,8%. Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 11 tháng ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam cũng đang tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu tốt trong các tháng cuối năm 2019 và những năm tiếp theo với việc duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống. như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cơ hội mở rộng thị trường và tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục có nhiều thuận lợi. Đa số doanh nghiệp da giày có lượng đơn hàng xuất khẩu tăng trung bình 5 - 10% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những thuận lợi cho các doanh nghiệp là giá nguyên vật liệu ổn định, không tăng so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt việc ký kết một số hiệp định thương mại (EVFTA, CPTPP) đã và đang mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là sự thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy xuất khẩu đối với các thị trường EU và các nước tham gia Hiệp định CPTPP. Hiện khu vực phía Nam đã có hơn 70 bộ hồ sơ khai xuất xứ đi vào các thị trường mới trong khối như Canada, Mexico. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy doanh nghiệp trong nước đã bắt nhịp và sẵn sàng tham gia sân chơi lớn.
Tại thị trường Hoa Kỳ, việc dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao nên các đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo các chuyên gia việc cần làm thường xuyên của doanh nghiệp ngành da giày là phải nắm bắt rất rõ ràng thông tin. Ngoài quy định từ CPTPP, các quốc gia trong khối cũng có quy định riêng về tiêu chuẩn kỹ thuật và buộc phải đáp ứng mới có thể xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường này.
Ngay cả việc cập nhật, nắm bắt đầy đủ và tuân thủ một cách chặt chẽ những quy định này sẽ rất mới lạ và là trở ngại không nhỏ với doanh nghiệp quen sản xuất, tiêu thụ nội địa. Do đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực nắm bắt thông tin, đào tạo từ những khâu rất nhỏ như khai form cho đúng đến thu thập giấy chứng nhận xuất xứ.
Với những thuận lợi về thị trường, dự báo sản xuất ngành da giày năm 2019 sẽ tăng trên 10% so với năm 2018.