Cuộc chiến của 'ông lớn' cà phê tại các thành phố du lịch Việt
Thị trường đồ uống Việt Nam đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh đầy sôi động, đặc biệt tại các thành phố du lịch. Việc mở rộng nhanh chóng của các chuỗi lớn như Starbucks, Highlands Coffee và Katinat, các điểm đến nổi tiếng như Đà Lạt, Huế, Phú Quốc... đang trở thành những chiến trường mới của các thương hiệu này.
Với quy mô lớn và chiến lược mở rộng thông minh, Starbucks hiện đang dẫn đầu cuộc đua mở rộng thị trường cà phê khi liên tục mở rộng mạng lưới cửa hàng tại các thành phố du lịch. Sau thành công tại Đà Lạt, gã khổng lồ cà phê tiếp tục đặt chân đến Phú Quốc, Hạ Long và sắp tới là Huế.
Bên cạnh việc tiếp cận được lượng khách hàng nội địa lớn, các cửa hàng cà phê tại các địa điểm du lịch còn có cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế (Ảnh: F&B Vietnam) |
Nếu như cửa hàng tại Đà Lạt được thiết kế theo phong cách hiện đại, kết hợp với những yếu tố truyền thống của vùng đất cao nguyên, thì cửa hàng tại Huế dự kiến sẽ trở thành một biểu tượng mới khi tọa lạc ngay cạnh sông Hương với phong cách độc đáo, khác biệt so với những cửa hàng cùng chuỗi.
Việc lựa chọn các thành phố du lịch là một bước đi thông minh của Starbucks. Bởi lẽ, tại những địa điểm này, nhu cầu thưởng thức cà phê của du khách rất lớn. Hơn nữa, việc sở hữu một cửa hàng tại một thành phố du lịch nổi tiếng còn giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu và thu hút sự quan tâm của khách hàng quốc tế.
Trong khi Starbucks tạo nên một cơn sốt khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại Đà Lạt thì Highlands Coffee, với sự am hiểu sâu sắc về thị trường Việt Nam, cũng không hề kém cạnh trong cuộc đua này khi chọn vị trí có phần còn đắc địa hơn là ngay búp hoa Atiso, quảng trường Lâm Viên của thành phố ngàn hoa. Với menu đa dạng, giá cả phải chăng và không gian thoải mái, Highlands Coffee đã chiếm được cảm tình của đông đảo khách hàng.
Mặc dù gia nhập thị trường sau các đối thủ lớn, Katinat đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình và tham gia vào cuộc đua mở rộng thị trường. Việc liên tục khai trương các cửa hàng mới tại các thành phố du lịch như Vũng Tàu, Cần Thơ và gần đây nhất là Huế cho thấy tham vọng lớn của thương hiệu này. Katinat đang chứng minh rằng họ hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu quốc tế và trở thành một trong những cái tên hàng đầu trong ngành cà phê Việt Nam.
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Việt Nam, việc các chuỗi F&B lớn đổ bộ vào các thành phố du lịch là một động thái hết sức hợp lý trong bối cảnh thị trường các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh đã dần bão hòa. Với tiềm năng hồi phục du lịch tích cực và nguồn khách nội địa tăng trưởng đáng kể, các địa điểm du lịch đang trở thành những "miền đất hứa" mới cho các doanh nghiệp. Việc mở rộng vào những thị trường này không chỉ giúp các thương hiệu tiếp cận tệp khách hàng mới mà còn giúp họ tận dụng cơ hội kinh doanh trong mùa cao điểm du lịch.
"Nơi nào chưa thiết lập hiện diện và có ít đối thủ cạnh tranh đồng nghĩa với cơ hội kinh doanh càng cao", ông David khẳng định.
Một trong những lợi thế rõ ràng nhất khi đặt tại những địa điểm này là chi phí thuê mặt bằng thường hợp lý hơn so với các khu trung tâm sầm uất tại các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều này giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể và tăng khả năng cạnh tranh. Hơn nữa, việc khai trương cửa hàng mới có thể góp phần kích thích sự phát triển kinh tế của địa phương, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu hút thêm nhiều du khách đến tham quan.
Theo ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director và Horeca Business School, các chuỗi cà phê có lợi thế vượt trội so với các loại hình nhà hàng khác khi mở rộng kinh doanh. Nhờ vào tính linh hoạt trong chuỗi cung ứng, các thương hiệu cà phê có thể dễ dàng mở rộng quy mô mà không gặp quá nhiều khó khăn. Điều này cho phép các chuỗi cà phê chỉ cần một vài cửa hàng ở mỗi tỉnh thành để phục vụ khách hàng, trong khi các chuỗi nhà hàng thường phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc quản lý và vận hành hệ thống.
Bên cạnh việc tiếp cận được lượng khách hàng nội địa lớn, các cửa hàng cà phê tại các địa điểm du lịch còn có cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế. Điều này không chỉ giúp các thương hiệu tăng doanh thu mà còn góp phần nâng cao uy tín và tạo dựng hình ảnh thương hiệu trên thị trường. Nhờ vào đặc thù của ngành cà phê, các thương hiệu có thể dễ dàng tạo ra những điểm đến hấp dẫn, thu hút khách hàng đến trải nghiệm và chia sẻ trên mạng xã hội.
Việc mở rộng vào các địa điểm du lịch không chỉ giúp các thương hiệu ngoại như Starbucks thích nghi tốt hơn với thị trường địa phương mà còn tạo cơ hội để các thương hiệu nội địa vươn ra biển lớn. Theo ông Đỗ Duy Thanh, các cửa hàng tại các điểm du lịch quan trọng có thể trở thành những "sứ giả" giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, từ đó tạo điều kiện để các thương hiệu nội địa mở rộng thị trường ra nước ngoài. Trong khi các thương hiệu nội địa như Katinat hay Highlands Coffee ở những địa điểm du lịch nổi tiếng có cơ hội lan tỏa, giúp thương hiệu được biết đến rộng rãi hơn trên trường quốc tế.
Mặc dù việc mở quán cà phê tại các khu du lịch hứa hẹn nhiều tiềm năng kinh doanh, nhưng ông David nhận định lượng khách và mức độ sôi động của các địa điểm du lịch thường mang tính chu kỳ (theo mùa), các doanh nghiệp cần suy xét kỹ trước khi quyết định đầu tư vào bất kỳ mặt bằng bán lẻ mới nào trước những thách thức mà yếu tố mùa vụ và thời tiết mang lại.
Trong mùa cao điểm, lượng khách đổ về các khu du lịch tăng đột biến, kéo theo đó là sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng tại các quán cà phê. Tuy nhiên, áp lực này cũng đi kèm với những khó khăn như quá tải, chất lượng phục vụ có thể bị ảnh hưởng, và chi phí vận hành tăng cao. Ngược lại, trong mùa thấp điểm, lượng khách giảm sút đáng kể, dẫn đến tình trạng ế ẩm, doanh thu sụt giảm và gây áp lực lên dòng tiền của quán.