Cục Hàng không chỉ đạo khẩn do liên tiếp những ngày qua xuất hiện sương mù dày đặc
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thời tiết những ngày qua tại các sân bay khu vực phía Bắc đang xảy ra hiện tượng sương mù, mây thấp, tầm nhìn giảm dưới tiêu chuẩn khai thác bay gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bay. Rất nhiều chuyến bay đã phải chuyển hướng hạ cánh hoặc bị hoãn, chậm giờ.
Hàng ngàn hành khách tại Sân bay Tân Sơn Nhất bị chậm chuyến một phần do ảnh hưởng của hiện tượng sương mù dày đặc tại các sân bay phía bắc không thể cất hạ cánh. Ảnh: Tuấn Kiệt |
Để chủ động phòng tránh, hạn chế và giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực do diễn biến thời tiết, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng chủ động theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, phối hợp với các cảng hàng không, Trung tâm Quản lý luồng không lưu, công ty quản lý bay… để có kế hoạch, phương án hoạt động khai thác phù hợp.
Đề nghị, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khí tượng liên quan triển khai mô hình phối hợp ra quyết định kịp thời, theo dõi, điều hành hoạt động bay phù hợp với diễn biến tình hình thời tiết. Đồng thời phối hợp, hỗ trợ các hãng hàng không và cảng hàng không trong công tác khai thác, bảo đảm an toàn và giảm thiểu những tác động tiêu cực do tác động của thời tiết.
Loạt chuyến bay của các hãng bay khởi hành từ Tân Sơn Nhất đi Hà Nội và sân bay miền Trung như Vinh, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế... không thể khởi hành đúng giờ. Thống kê của Vietnam Airlines sáng 2/2 có 30 chuyến bay của hãng bị ảnh hưởng. Trong khi các hãng khác chưa đưa con số cụ thể.
Do đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các Cảng vụ theo dõi, giám sát, quản lý hoạt động khai thác của các hãng hàng không bảo đảm an ninh, an toàn; xử lý theo đúng quy định và thẩm quyền những vấn đề phát sinh trong hoạt động khai thác hàng không tại cảng.
Nguyên nhân có sương mù dày đặc thời gian qua do đâu? Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm: “Không khí ẩm từ Vịnh Bắc Bộ theo đới gió Đông Nam ở rìa phía Tây Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa suy yếu lệch Đông. Bên cạnh đó, không khí lạnh liên tục bổ sung nhưng chỉ ở lớp mỏng sát bề mặt, khiến cho nhiệt độ bề mặt thấp hơn so với nhiệt độ ở khoảng độ cao 900m, tạo ra lớp nghịch nhiệt, khiến không khí, bụi bẩn, hơi ẩm bị dồn nén ở lớp sát mặt đất gây ra hiện tượng mưa phùn, sương mù và ô nhiễm không khí. Lặng gió khiến cho không khí ít bị xáo trộn, tập trung ở bề mặt”. |