Đà Nẵng- Quy hoạch “treo” khiến người dân khốn đốn Không nên để các quy hoạch treo kéo dài Đại biểu Quốc hội: "Cơ sở xác định giá đất tiệm cận giá thị trường vẫn mơ hồ" |
Quy hoạch treo gây lãng phí tài nguyên đất đai
Ngày 21/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám - đoàn Kon Tum cho biết, về vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đây là vấn đề luôn được người dân quan tâm, trong đó có một thực trạng là quy hoạch đã được lập, phê duyệt nhưng tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung của quy hoạch.
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn Kon Tum phát biểu thảo luận tại hội trường |
Việc thực hiện chậm này không chỉ là 5 năm, 10 năm, có khi là 20 năm và thậm chí còn lâu hơn nữa. Người dân vẫn thường gọi trường hợp này là quy hoạch treo. Quy hoạch treo không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội mà còn gây khó khăn, làm đảo lộn cuộc sống của người dân.
“Những cư dân trong khu vực quy hoạch treo sống trong cảnh thấp thỏm, khổ sở, đi không được mà ở thì cũng không xong. Quyền lợi của họ không được coi trọng đúng mức” - đại biểu nói.
Vì vậy, sửa đổi Luật Đất đai cần có những quy định xác thực, rõ ràng, khả thi để xóa bỏ tình trạng này. Theo đại biểu, các quy định trong dự thảo tại Chương V đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng, nhưng để hoàn chỉnh thêm, đề nghị nên bỏ tầm nhìn trong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất tại Điều 62, bởi tầm nhìn chỉ mang tính ước lượng, dự báo mà dự báo thì có thể chính xác, có thể không chính xác, như thế cũng có thể đó là một tác nhân của quy hoạch treo.
Người dân chỉ mong muốn Nhà nước xác định rõ quy hoạch đất đai cụ thể là bao lâu và quyền lợi của họ như thế nào trong khu vực quy hoạch, việc bỏ tầm nhìn quy hoạch trong dự thảo luật là đáp ứng yêu cầu này.
Về vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, cần hết sức minh bạch và sòng phẳng với dân, đại biểu Tô Văn Tám cho hay, Nghị quyết 18 của Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất có quan điểm rất quan trọng là tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Song các quy định về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất tại Chương VI, Chương VII chưa có quy định nào thể hiện rõ tinh thần này và Điều 127 cũng có nhiều nội dung chưa thuận lợi cho người dân.
Đại biểu dẫn chứng, trên thực tế đã có rất nhiều người dân tự nguyện ủng hộ đất đai để làm đường, làm cầu, làm trường học... mà không đòi hỏi bồi thường, hỗ trợ, do đó, Nhà nước cần có thêm chính sách này để khuyến khích họ.
Trường hợp thu hồi đất cho mục đích thương mại, dịch vụ thương mại đơn thuần lợi nhuận thì theo cơ chế thỏa thuận như quan điểm của Nghị quyết 18, theo hướng người dân góp vốn bằng đất hoặc khi định giá đất, người có đất thu hồi là một bên trong quá trình định giá, trường hợp không thỏa thuận được thì người bị thu hồi đất hoặc các bên có thể yêu cầu cơ quan tổ chức định giá độc lập, nếu không thỏa thuận được nữa thì nên yêu cầu tòa án giải quyết để tránh tình trạng giá nào cũng không chịu cuối cùng tòa án là người quyết định, như thế sẽ đầy đủ hơn.
Ít trường hợp giá đất chuyển nhượng ghi đúng thực tế giao dịch
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, với sự chuẩn bị công phu và nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của nhân dân và đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này tuy đã điều chỉnh và hoàn thiện hơn so với các dự thảo trước, song vẫn còn một số nội dung mà Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần quan tâm chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện với các quy định chặt chẽ hơn nữa, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả khi áp dụng.
Đại biểu đề nghị, tại khoản 2, Điều 83 về thẩm quyền thu hồi đất có liên quan đến quốc phòng, an ninh, đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi theo hướng quy định trách nhiệm phối hợp của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và đất an ninh thay cho dự thảo chỉ quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tại khoản 2 Điều 76 Luật Đất đai (sửa đổi) mà không đề cập đến trách nhiệm phối hợp với địa phương cũng như thống nhất với các quy định về thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có liên quan đến quốc phòng, an ninh tại các địa phương.
Bà Huỳnh Thị Phúc cũng băn khoăn về nguyên tắc căn cứ, phương pháp xác định giá đất tại Điều 158. Mặc dù Ban soạn thảo đã chỉnh lý, tiếp thu theo hướng xác định giá theo nguyên tắc thị trường, với phương pháp xác định đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch và cũng phải đảm bảo tính độc lập giữa tổ chức tư vấn, Hội đồng thẩm định giá đất với các cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất.
Theo đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc làm rõ hơn các nội dung về thông tin đầu vào để xác định giá đất tại điểm a, b khoản 3 Điều 158 quy định về giá đất ghi trong hợp đồng chuyển nhượng và trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu quốc gia thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát.
Bởi trong thực tế, có rất ít trường hợp giá đất chuyển nhượng được ghi đúng thực tế giao dịch trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực vì người mua hoặc người bán thường có xu hướng ghi thấp hơn giá trị thực tế nhiều lần nhằm giảm các khoản thuế, phí như các đại biểu trước đã phát biểu.
Vì vậy, khi điều tra, khảo sát thực tế lại có mức giá đất thực tế cao hơn hợp đồng chuyển nhượng. Đồng thời, đa số hợp đồng chuyển nhượng thửa đất, khu đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vừa có đất ở, vừa có đất nông nghiệp, trong khi hợp đồng cũng không phân định rõ loại đất nào và giá trị của từng loại đất.
Qua thực tế các đợt kiểm toán nhà nước, các dự án tại một số đơn vị, địa phương, các đơn vị tư vấn căn cứ giá đất điều tra khảo sát cao hơn giá ghi trong hợp đồng chuyển nhượng thì không được các cơ quan kiểm toán nhà nước chấp nhận do không đúng giá trong hợp đồng chuyển nhượng. “Vì vậy, cần bổ sung cơ sở pháp lý để đảm bảo trường hợp giá đất qua điều tra, khảo sát cao hơn hoặc thấp hơn giá trên hợp đồng chuyển nhượng” - đại biểu nhấn mạnh.