Công ty Than Uông Bí kịp thời khắc phục '3 không' sau bão để sản xuất
Sẵn sàng quay trở lại sản xuất
Chiều tối ngày 12/9, nhóm phóng viên Báo Công Thương đã đến với Trung tâm Điều hành sản xuất Mỏ Tràng Bạch của Công ty Than Uông Bí – Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Từ chiều ngày 12/9, công tác sản xuất đã quay trở lại tại mỏ Tràng Bạch - Công ty Than Uông Bí Ảnh: Thu Hường |
Gặp ông Dương Văn Huy – Quản đốc phân xưởng sàng tuyển khi đang phổ biến quy trình an toàn lao động cho công nhân trước khi bước vào ca 2 - ca sản xuất chính thức và đầu tiên sau bão số 3, ông Huy chia sẻ, từ chiều 12/9, ca 2 của Phân xưởng bắt đầu quay trở lại sản xuất, với tâm thế vừa làm vừa khắc phục và theo dõi các diễn biến tiếp theo của thời tiết.
“Trước bão, chúng tôi tổ chức các phương án che chắn và thực hiện các giải pháp rà soát và củng cố tất cả các hệ thống, dây chuyền thiết bị điện cũng như các tuyến băng tải phục vụ sản xuất. Ca 2 hôm nay là ca đầu tiên cho sản xuất chính sau bão đã cơ bản hoàn thành công tác kiểm tra theo sự chỉ đạo của Giám đốc, Phân xưởng Sàng Tuyển tổ chức sản xuất lại bình thường, tiếp nhận gia công chế biến sàng tuyển.”- ông Huy cho biết.
Được biết, sau khi bão số 3 quét qua Quảng Ninh, là đơn vị sản xuất ngoài mặt bằng, toàn bộ hệ thống nhà xưởng, các mái che, các dây chuyền được che chắn bằng tôn của công ty đều bị ảnh hưởng và bị gió bão thổi bay, tốc mái. Đến thời điểm này, Công ty Than Uông Bí đã khắc phục được một số vị trí xung yếu để phục vụ cho công tác sản xuất không bị gián đoạn. Tất cả các dây chuyền của Phân xưởng Sàng Tuyển gồm các tuyến băng tải từ giếng chính lên và các dây chuyền sàng tuyển đã đảm bảo cho sản xuất.
Trước khi bước vào ca 2, công tác kiểm tra thông gió và khí mỏ được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động (Ảnh: Thu Hường) |
Ông Nguyễn Văn Hưng – Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Công ty Than Uông Bí - chia sẻ: Trong thời gian qua, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng như UBND thành phố, thị xã: Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều nơi công ty đóng chân, chúng tôi đã triển khai đồng bộ các giải pháp và ban hành các văn bản chỉ đạo đảm bảo công tác phòng chống thiên tai (PCTT và TKCN) và tìm kiếm cứu nạn trước, trong và sau bão. Từ đó công ty đã kiểm soát được 3 vùng miền chia cắt và đảm bảo an toàn cho con người.
Kiểm soát tốt "3 không" trong điều kiện bão
“Với địa bàn hoạt động trải rộng hàng trăm km, chia cắt bởi 3 KHÔNG: không điện, không nước, không thông tin ở các khu vực, bằng tinh thần đồng tâm của người thợ mỏ, chúng tôi đã chia thành các tổ do các đồng chí Phó Giám đốc, các đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Công ty lãnh đạo từng khu vực, từ đó từng bước khắc phục đặc biệt là điện để đảm bảo kiểm soát công tác thoát nước, thông gió - được ví là "trái tim" của mỏ”- ông Hưng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hưng chia sẻ về công tác ứng phó và khắc phục ảnh hưởng của bão số 3 (Ảnh: Thu Hường) |
Bằng các giải pháp tăng cường nắm bắt thông tin của từng khu vực và tác nghiệp của từng người lao động, để đáp ứng cho công tác sản xuất, khắc phục các điều kiện ảnh hưởng sau bão gây ra, Công ty Than Uông Bí đã dần quay trở lại sản xuất và đến ngày 12/9 cơ bản ổn định.
Theo đó, với khu vực sản xuất của công ty tại địa bàn thành phố Hạ Long, đơn vị đã cơ bản khắc phục được, không còn bị chia cắt.
Còn tại khu vực thành phố Uông Bí, công ty đã quay trở lại sản xuất, ra than và sản xuất hàng ngày. Trong 2 ngày 11 và 12/9, công ty đã sản xuất được trên 1.000 tấn than/ngày, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động cũng như kiểm soát đưa đón người lao động trong các ca sản xuất.
Đối với khu vực sản xuất của mỏ Tràng Bạch, do các hệ thống đường dây 35kV, đường dây 110kV mất điện, công ty đã đã chủ động báo cáo tập đoàn, Ban chỉ huy PCTT và TKCN của tập đoàn, thành phố và thị xã và từ đó triển khai phối hợp với chính quyền địa phương dựng lại các cột điện, củng cố lại hệ thống lưới điện để quay trở lại cấp điện.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hưng, ngay sau khi cấp điện trở lại, hôm nay (12/9), chúng tôi đã đưa vào kiểm soát toàn bộ hệ thống thông gió, khí mỏ, hệ thống vận tải để đảm bảo an toàn cao nhất cho ca đầu tiên sản xuất chính thức sau bão - ca 2 ngày 12/9 quay trở lại sản xuất được.
Công nhân tan ca (Ảnh: Thu Hường) |
Nói về tinh thần kỷ luật, đồng tâm của người thợ mỏ, ông Hưng cho biết, tại các công trình mặt bằng, sau khi hết gió, chúng tôi đã mặc áo mưa ra khu vực sản xuất để khắc phục những tồn tại, che những điểm có thể mưa ảnh hưởng đến khu vực ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc của người lao động.
“Nhờ đó, chúng tôi đã khắc phục cơ bản xong tình hình cây đổ, nhà xưởng bị tốc mái, công trình bị hư hại. Công tác vệ sinh môi trường từ khu vực cơ quan đến mặt bằng sản xuất cùng các tuyến đường vận chuyển cũng đã được dọn dẹp xong. Nhờ đó đã đảm bảo công tác vận tải mỏ, đưa đón thợ mỏ, đảm bảo cho sản xuất ổn định, đáp ứng ra than sớm nhất, đảm bảo nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế” - ông Hưng khẳng định.
Để kịp thời cấp điện cho sản xuất than, trong sáng ngày 11/9, Chủ tịch HĐTV TKV, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng lãnh đạo Trung tâm điều hành sản xuất của TKV tại Quảng Ninh đã đến thăm, làm việc, động viên cán bộ và tiến hành khảo sát một số công trình liên quan đến lưới điện. Theo đó, ngành than đã hỗ trợ nhân lực, vật lực để EVN khắc phục sự cố.
“Chính vì vậy, đường dây 110kV đầu Đông Triều dự kiến 3 ngày mới có thể khắc phục được, nhưng sau khi lãnh đạo hai bên làm việc và chỉ đạo các đơn vị trong TKV phối hợp với EVN thì đến 23h ngày 11/9, công tác cấp điện trở lại cho lộ 373 thuộc địa bàn Đông Triều được hoàn thành. Điều này sẽ giúp cho Công ty Than Uông Bí kiểm soát tốt khí mỏ và hệ thống thông gió, qua đó đảm bảo các điều kiện an toàn để tiến hành sản xuất” - ông Hưng cho hay.
Theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, đến ngày 12/9, cơ bản các đơn vị vùng than Cẩm Phả đã được cấp điện lưới trở lại để tổ chức sản xuất 3 ca. Công tác khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa lớn cũng được triển khai khẩn trương để sản xuất, kinh doanh trở lại hoạt động bình thường, ổn định việc làm và đời sống cho người lao động. |