Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 25/4: Cơ hội và thách thức trong hoạt động xuất khẩu
Trong lĩnh vực xuất khẩu, báo Hải quan có bài “Xuất khẩu thuận lợi, doanh nghiệp thủy sản đặt mục tiêu lợi nhuận cao”. Theo bài báo, nhiều doanh nghiệp thủy sản lớn đạt doanh thu xuất khẩu cao trong những tháng đầu năm 2022, nên đã đưa ra kế hoạch kinh doanh với nhiều chỉ tiêu cao hơn nhiều so với năm trước.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 4/2022 vẫn có động lực tăng trưởng ở các thị trường lớn, khi hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại đã trở lại trạng thái bình thường. Trong đó, 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn giữ vị trí hàng đầu là cá tra và tôm, cụ thể, cá tra vẫn giữ vững vị thế quán quân tăng trưởng với dự kiến tăng 80%, đứng thứ hai là tôm tăng 20%...
Xuất khẩu thủy sản có triển vọng tích cực |
Bên cạnh những mặt hàng có triển vọng xuất khẩu thuận lợi, Thời báo Tài chính Việt Nam có bài: “Xuất khẩu khẩu trang y tế giảm hơn 68%”.
Bài báo dẫn số liệu thống kê sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho biết, trong quý I/2022, cả nước đã xuất khẩu 54,7 triệu chiếc khẩu trang y tế, giảm 68,6% so với cùng thời kỳ năm 2021.
Cụ thể, trong tháng 3/2022, cả nước có 9 doanh nghiệp chính tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế các loại với số lượng là 20,9 triệu chiếc. Với kết quả nêu trên so với tháng 2 trước đó, lượng khẩu trang y tế xuất khẩu tăng mạnh 80,2%, dù số doanh nghiệp giảm 2 (tháng 2 có 11 doanh nghiệp). Tuy nhiên tính chung 3 tháng đầu năm, cả nước mới xuất khẩu 54,7 triệu chiếc khẩu trang y tế, giảm 68,6% so với cùng thời kỳ năm 2021.
Bên cạnh khẩu trang, báo Giao thông có bài, “Indonesia cấm xuất khẩu dầu ăn do giá tăng sốc, Bộ Công Thương chỉ đạo khẩn". Theo bài báo, từ ngày 28/4, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng giá dầu tăng mạnh ở nước này.
Trước thực tế này, Bộ Công Thương khuyến cáo, doanh nghiệp nhập khẩu những nhóm hàng này của Việt Nam cần nhanh chóng liên hệ với các các doanh nghiệp (đối tác) xuất khẩu Indonesia để tìm giải pháp cho các đơn hàng giao sau ngày 28/4/2022.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận định, nhiều khả năng, Chính phủ Indonesia sẽ sớm phải xem xét, điều chỉnh quyết định này do lệnh cấm sẽ dẫn tới tác động tiêu cực ngành công nghiệp dầu cọ của nước này khi có khả năng dư thừa nguồn cung tới 60%.
Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, tờ Đầu tư có bài “Chuẩn bị trình Đề án Quy hoạch điện VIII chính thức”. Bài báo cho biết, Đề án Quy hoạch điện VIII được xây dựng với nhiều nguyên tắc trong đó có đảm bảo cho mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia phát triển ngành điện theo cơ chế thị trường; đảm bảo phát triển hạ tầng điện lực cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải.
Quy hoạch cũng có tính mở, chỉ xác định danh mục những nguồn điện lớn, quan trọng cấp quốc gia, danh mục lưới điện truyền tải quan trọng ở cấp điện áp trên 220 kV giai đoạn 2021 - 2030, định hướng phát triển nguồn điện theo miền, theo vùng và theo cơ cấu công suất giai đoạn 2031 - 2045, định hướng phát triển lưới điện truyền tải ở cấp điện áp trên 220 kV giai đoạn 2031-2045.
Tờ TheSaigontimes có bài viết: “Đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng động cơ từ 20% xuống dưới 12%”. Theo bài báo, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN) mặt hàng xăng dầu, trước đề nghị mức giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng để đa dạng hóa nguồn cung của một số cơ quan.
Cơ quan này đề xuất, Chính phủ điều chỉnh thuế suất MFN với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống 12%- chênh lệch 4% so với thuế suất FTA từ Hàn Quốc và ASEAN.
Bộ Tài chính cho biết, phương án trên có thể không tác động nhiều đến việc làm giảm giá xăng trong nước do hiện nay nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc, nhưng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu từ các quốc gia khác như: Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia Trung Đông, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.
Ngoài ra, mức chênh lệch 4% giữa thuế suất MFN và thuế suất FTA đối với xăng cũng là hợp lý để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu mới trong trường hợp nguồn cung xăng dầu từ các thị trường truyền thống bị thiếu hụt, đồng thời vẫn đảm bảo được dư địa đám phán các Hiệp định FTA mới trong tương lai trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.