Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 10/8: Giá xăng ngày mai liệu có hạ?
Báo Dân trí có bài “Giá xăng ngày mai sẽ hạ lần thứ 5 liên tiếp, mức giảm mạnh?”; Vietnamnet có bài “Ngày mai giá xăng sẽ giảm mạnh lần thứ 5 liên tiếp”. Bài báo phản ánh, theo lịch, ngày mai (11/8), Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ.
Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 10/8: Giá xăng ngày mai liệu có hạ? |
Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở kỳ điều hành này đã giảm mạnh so với kỳ tính giá trước đó (ngày 1/8). Trên thị trường thế giới, giá dầu thô lao dốc mạnh. Đầu tuần này, giá dầu WTI đã về dưới ngưỡng 90 USD/thùng, mức thấp nhất trong 6 tháng qua.
Do giá xăng, dầu thế giới giảm mạnh nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (11/8) được dự báo sẽ hạ nhiệt theo giá xăng, dầu thế giới - bài báo nhận định; đồng thời đưa ý kiến của lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết, trong kỳ điều hành ngày 11/8, nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng có thể giảm 1.100-1.500 đồng/lít, còn giá dầu có khả năng hạ từ 1.600-2.000 đồng/lít.
Nếu cơ quan quản lý chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá các mặt hàng xăng dầu có thể giảm ít hơn, và nếu đúng như dự báo thì giá xăng trong nước sẽ có lần giảm thứ 5 liên tiếp, đưa giá xăng E5 RON 92 về mốc hơn 23.000 đồng/lít.
Cùng với giá xăng, báo chí tiếp tục đặt câu hỏi “Vì sao ngành gỗ liên tiếp đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại?” - đây cũng là tiêu đề bài viết trên Tạp chí Vneconomy. Cùng vấn đề này, báo Sài gòn giải phóng có bài “Gỗ dán Việt Nam bị Hoa Kỳ nghi ngờ nhập nguyên liệu Trung Quốc”; Bnews của Thông tấn xã có bài “Hoa Kỳ gia hạn điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại với gỗ dán từ Việt Nam”; Doanh nghiệp Việt Nam có bài “Mỹ kết luận sơ bộ vụ điều tra chống bán phá giá với gỗ dán Việt Nam”; VOV đưa tin “Mỹ sẽ đánh thuế cao nếu gỗ dán Việt Nam nhập nguyên liệu từ Trung Quốc”…
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã có kết luận sơ bộ vụ việc điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, kết luận sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng, gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác không bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Căn cứ kết luận sơ bộ này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ đề nghị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) tiếp tục dừng thanh khoản và yêu cầu nhà nhập khẩu nộp tiền đặt cọc bằng mức thuế chống lẩn tránh tạm tính đối với các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ kể từ ngày 17/6/2020 (ngày thông báo khởi xướng điều tra) đối với các trường hợp là đối tượng bị áp dụng biện pháp.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng như nhà nhập khẩu Hoa Kỳ tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp lẩn tránh. Cơ chế tự xác nhận này sẽ không áp dụng đối với các doanh nghiệp mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đánh giá là không cung cấp thông tin hoặc hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong quá trình điều tra.
Theo tính toán, số lượng doanh nghiệp được tham gia tự chứng nhận chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn điều tra.