Công tác bảo vệ chính trị nội bộ: kết quả và phương hướng thực hiện những tháng cuối năm 2021
Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ góp phần xây dựng Đảng bộ Bộ Công Thương trong sạch vững mạnh
Để thực hiện được nhiệm vụ này Ban cán sự đảng đã phối hợp với Đảng ủy Bộ Công Thương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
Một là, tăng cường quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, cụ thể:
Tiếp tục quán triệt Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28/02/2018 Quy định về một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, Hướng dẫn số 19-HD/BTCTW, ngày 12/9/2019 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định 126-QĐ/TW ngày 28/02/2018; đồng thời yêu cầu các cấp ủy phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện; đặc biệt lưu ý các cấp ủy đảng phải tuân thủ quy trình bảo mật thông tin theo quy định của Đảng.
Để làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, Đảng ủy Bộ Công Thương cũng đã ban hành Hướng dẫn số 320-ĐUB ngày 01/4/2021 thực hiện Kế hoạch số 08- KH/ĐUK ngày 18/01/2021 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về triển khai “năm tăng cường công tác quản lý đảng viên”.
Hai là, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện và kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các dấu hiệu, biểu hiện vi phạm về chính trị nội bộ; hiệu quả công tác đấu tranh, bảo vệ đường lối của Đảng, bảo vệ tổ chức đảng và đảng viên
Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xác định công tác phòng ngừa, ngăn chặn các dấu hiệu, biểu hiện vi phạm về chính trị nội bộ là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chính vì vậy, Ban cán sự đảng phối hợp Đảng ủy Bộ Công Thương thường xuyên quan tâm triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương.
Căn cứ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Ban cán sự đảng Bộ phối hợp với Đảng ủy Bộ Công Thương triển khai thực hiện đến tất cả các cấp ủy đảng và các đơn vị thuộc Bộ một cách nghiêm túc các nội dung và giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; về tổ chức cán bộ và sinh hoạt đảng; về cơ chế chính sách; về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.
Qua đợt kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), Ban cán sự đảng và Ban thường vụ Đảng uỷ Bộ đã nghiêm túc chủ động triển khai các biện pháp khắc phục khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI); công tác chính trị tư tưởng được tăng cường hơn; các giải pháp về công tác tổ chức, cán bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo có chuyển biến tích cực; việc lãnh đạo và tham gia lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị thiết thực, có hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Ban cán sự đảng Bộ nhận thức đây là việc hết sức quan trọng, tạo sự chuyển biến về nhận thức tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; góp phần thống nhất ý chí và hành động trong tất cả các đơn vị thuộc Bộ.
Ban cán sự đảng Bộ, Ban thường vụ Đảng uỷ Bộ, các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã xây dựng và triển khai kế hoạch hành động gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị bám sát nội dung, yêu cầu của Trung ương, của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Căn cứ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ mà Trung ương đã chỉ ra, từng đảng viên đã viết thu hoạch trong đó có phần liên hệ đến đơn vị và cá nhân mình trong việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, quy định của cơ quan.
Cấp ủy các cấp đã và đang tập trung lãnh đạo công tác rà soát điều chỉnh các quy định, quy chế liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ trong nội bộ theo phương án sắp xếp lại tổ chức tinh giản gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là việc làm thiết thực đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Ba là, thực hiện công tác rà soát, phát hiện những trường hợp có vấn đề về chính trị tại các cấp ủy, đơn vị
Công tác nắm tình hình chính trị nội bộ được Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ Công Thương chú trọng, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương, cơ quan tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ về công tác bảo vệ chính trị nội bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ chủ động nắm bắt tình hình chính trị nội bộ tại đơn vị, kiện toàn bộ máy làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhằm bảo đảm cho công tác này được thường xuyên, liên tục, có hệ thống, xác định phòng ngừa là biện pháp cơ bản.
Việc nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng về chính trị, phẩm chất đạo đức và lối sống của cán bộ, đảng viên, người lao động được thực hiện thông qua nhiều kênh, trong đó chú trọng phản ánh của các cấp ủy đảng về tình hình hoạt động của đảng viên và các tổ chức đảng trực thuộc, để kịp thời đề ra các biện pháp xử lý cũng như ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cơ quan, đơn vị.
Hàng năm, Ban Cán sự đảng Bộ phối hợp với Đảng ủy Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện việc bổ sung lý lịch để hoàn thiện hồ sơ lý lịch cán bộ, công chức và đảng viên, làm cơ sở cho việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ cũng như hoàn thiện bổ sung cấp ủy và lãnh đạo chính quyền các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Việc cập nhật cơ sở dữ liệu đảng viên theo chương trình của Ban Tổ chức Trung ương và Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương được Đảng ủy Bộ chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở đó từng bước đưa công tác quản lý hồ sơ vào nề nếp, khoa học, đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Bốn là, thực hiện nghiêm công tác thẩm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị và bố trí sử dụng cán bộ
Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Công Thương đã phối hợp với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương thẩm tra, xác minh, kết luận tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Đảng ủy Bộ Công Thương quản lý phục vụ công tác cán bộ (bổ nhiệm, điều động…).
Đối với cán bộ tại các đơn vị trực thuộc Bộ trước khi thực hiện quy trình về công tác cán bộ (quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển…) Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đều xin ý kiến Hiệp y với cấp ủy đảng cấp trên của đơn vị theo đúng quy định.
Phương hướng công tác bảo vệ chính trị nội bộ những tháng cuối năm 2021
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vai trò lãnh đạo của cấp ủy, của tổ chức đảng, các đơn vị càng cần thể hiện rõ nét để bảo đảm các hoạt động được liên tục, thông suốt và đạt hiệu quả cao. Vừa phải bảo đảm các nguyên tắc nhưng đồng thời phải có sự vận dụng linh hoạt cho phù hợp với điều kiện thực tế vừa chống dịch vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế xã hội. Trước tình hình đó, để thực hiện tốt phương châm của Chính phủ năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” đòi hỏi Bộ Công Thương phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ mà Quốc hội và Chính phủ giao, đối với công tác Bảo vệ chính trị nội bộ, những tháng cuối năm 2021 cần tập trung làm tốt những việc sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay” Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Bộ Chính trị (khoá XII) “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Thứ hai, luôn giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các vi phạm về chính trị nội bộ và các phát sinh về chính trị hiện nay.
Thứ ba, tăng cường nắm bắt tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan đến chính trị nội bộ, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thứ tư, tổ chức quán triệt, tập huấn triển khai những Quy định mới của Trung ương về công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng đến cấp cơ sở thuộc Bộ để tạo sự chuyển biến về nhận thức đối với nhiệm vụ và công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới.
Thứ năm, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về tuyển chọn, đào tạo, quy hoạch, đánh giá, luân chuyển đề bạt, bổ nhiệm bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ; quy định về chế độ bảo mật; Thực hiện rà soát hồ sơ cán bộ ở tất cả các đơn vị, thông qua đó bổ sung, hoàn chỉnh, hồ sơ cán bộ đúng theo quy định. Từng bước, đưa công tác quản lý hồ sơ vào nề nếp, khoa học, phục vụ kịp thời các yêu cầu công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Làm tốt nhiệm vụ thẩm định hồ sơ, tiêu chuẩn chính trị phục vụ công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển và bố trí cán bộ.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương để tăng cường nắm bắt tình hình, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ và triển khai kịp thời các nhiệm vụ được giao; Phối hợp với Cục Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương và các đơn vị liên quan triển khai và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, nội dung của công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới.