Thứ hai 12/05/2025 14:09

Công nghiệp văn hóa: Có nhiều cơ sở để phục hồi

Ðặt mục tiêu đóng góp khoảng 7% GDP cho kinh tế đất nước vào năm 2030, nhưng đại dịch Covid-19 khiến ngành công nghiệp văn hóa gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều kỳ vọng cho sự phục hồi của ngành kinh tế non trẻ này, bởi nhu cầu giải trí, tiếp cận các loại hình văn hóa đã trở thành “bữa ăn” tinh thần không thể thiếu với mọi người.

Vẫn là “con gà đẻ trứng vàng”

Giống như các ngành kinh tế khác, công nghiệp văn hóa phải đương đầu với những khó khăn, thách thức lớn do dịch bệch Covid-19, khiến doanh thu của ngành không đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, đây vẫn là ngành công nghiệp được nhận định như “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới.

Hòa tấu cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình

Dữ liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2019 cho thấy, tỷ lệ đóng góp doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa (bao gồm cả lĩnh vực du lịch) đối với tổng doanh thu toàn cầu xấp xỉ 4,04%, đem lại việc làm chiếm tỷ trọng 2,21% tổng số lao động trên thế giới, và lao động ngành có thu nhập cao gấp 2,44 lần so với mặt bằng chung.

Những năm gần đây, công nghiệp văn hóa và sáng tạo được xem như chìa khóa phát triển của nhiều quốc gia, nhất là các nước ở khu vực châu Á. Tại Nhật Bản, các sản phẩm của công nghiệp văn hóa như truyện tranh, phim hoạt hình, trò chơi công nghệ cao, thời trang, âm nhạc, ẩm thực… đã dần trở nên quen thuộc ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hàng năm, nhiều sự kiện lớn như Liên hoan phim quốc tế, Liên hoan quốc tế Nhật Bản về truyện tranh, phim hoạt hình, Tuần lễ thời trang Nhật Bản, Tuần lễ ẩm thực Nhật Bản… được tổ chức rầm rộ, không chỉ giúp đẩy mạnh công nghiệp văn hóa trong nước mà còn quảng bá nhanh chóng, sâu rộng nền văn hóa Nhật Bản tới bạn bè quốc tế.

Công nghiệp văn hóa phát triển rõ nét nhất tại Hàn Quốc. Các sản phẩm văn hóa giải trí không chỉ giúp người dân xứ kim chi hiểu biết thêm về truyền thống, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, mà còn tạo hiệu quả lan tỏa trong các lĩnh vực kinh tế khác. Trong một nghiên cứu cho thấy, nếu kim ngạch xuất khẩu sản phẩm văn hóa Hàn Quốc tăng 100 USD thì kéo theo kim ngạch xuất khẩu hàng tiêu dùng của Hàn Quốc tăng 412 USD. Kim ngạch xuất khẩu chương trình truyền hình tăng 100 USD kéo theo kim ngạch xuất khẩu thực phẩm gia công tăng 64 USD. Kim ngạch xuất khẩu phim tăng 100 USD kéo theo kim ngạch xuất khẩu trang phục tăng 87 USD.

Tại Việt Nam, công nghiệp văn hóa chỉ thực sự biết đến nhiều trong vài năm trở lại đây, tuy nhiên đã khẳng định được giá trị lớn. Năm 2019, thống kê riêng từ các rạp phim lớn trên cả nước, tổng doanh thu màn ảnh Việt đã đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 178 triệu USD. Các lĩnh vực khác của công nghiệp văn hóa cũng tăng trưởng mạnh, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn thúc đẩy, quảng bá các giá trị văn hóa của đất nước Việt Nam ra thế giới. Cũng trong năm 2019, lần đầu tiên, Việt Nam lọt vào top 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới, do công ty dịch vụ thông tin danh tiếng Bloomberg xếp hạng dựa trên 7 tiêu chí phổ quát.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến mọi thứ thay đổi và mục tiêu của nhiều ngành kinh tế không đạt được như kỳ vọng, song các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa vẫn đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu.

Cần tạo được sự khác biệt

Việt Nam bước chân vào thị trường công nghiệp văn hóa muộn hơn nhiều nước trên thế giới. Thuật ngữ công nghiệp văn hóa bắt đầu xuất hiện rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đầu thế kỷ 21, nhưng chỉ thật sự trở thành vấn đề được quan tâm từ năm 2016 sau Quyết định 1755/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tuy nhiên, ngay sau đó, công nghiệp văn hóa của Việt Nam đã được một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên kết, đầu tư hoặc trở thành nhà phát hành các sản phẩm điện ảnh từ những đạo diễn, nhà sản xuất tên tuổi của Việt Nam. Thành công của Tập đoàn giải trí CJ CGV là một ví dụ điển hình, và cũng chính từ thành công của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam buộc ngành công nghiệp văn hóa trong nước phải thay đổi để tồn tại, nếu không muốn lần lượt bị thâu tóm bởi các tập đoàn giải trí nước ngoài.

Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam: Trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, nhu cầu của du khách đã thay đổi, chi tiêu của họ cũng căn cơ. Điều này buộc những người kinh doanh dịch vụ du lịch phải sẵn sàng tâm thế chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ chất lượng, gia tăng hàm lượng về văn hóa cũng như đầu tư sức sáng tạo nhiều hơn, tinh tế hơn, sao cho đúng, trúng nhu cầu. Như vậy, việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa chính là góp phần tạo ra cơ hội mới, nguyên liệu mới, sản phẩm và dịch vụ mới để thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa nói riêng, ngành kinh tế xanh nói chung. Ở chiều ngược lại, phát triển du lịch sẽ “đánh thức” yêu cầu cần phải đẩy mạnh đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Song để công nghiệp văn hóa phát triển bền vững, chuyên gia cho rằng, ngoài cơ sở hạ tầng thì cần có chiến lược đào tạo đội ngũ kế cận có trình độ chuyên môn, am hiểu về công nghiệp văn hóa và biết áp dụng khoa học - công nghệ. Công nghiệp văn hóa Việt Nam chỉ có thể thành công nếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này tạo nên được sự khác biệt dựa trên những đặc trưng riêng về truyền thống, bản sắc văn hóa.

Tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đổi mới tư duy mạnh mẽ, coi truyền thống văn hóa - lịch sử là một nguồn lực, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển. Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí phải dựa trên nền tảng văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với những diễn biến phức tạp của đại dịch trên toàn cầu, mọi nền kinh tế sẽ thay đổi, song nhu cầu giải trí, tiếp cận các loại hình văn hóa thì không thể thiếu với mỗi người, thậm chí ngày càng tăng với mật độ thường xuyên hơn, vì vậy, công nghiệp văn hóa tại Việt Nam vẫn có thể tự tin về sự phục hồi và phát triển khi dịch bệnh được khống chế.

Điểm mạnh của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam: Nền văn hóa giàu bản sắc, độc đáo và đa dạng được hình thành qua nhiều thế kỷ; tài năng sáng tạo của con người; giá trị gia tăng đối với du lịch, sản xuất, đầu tư hướng đến trong nước và cạnh tranh khu vực…
Thanh Tâm
Bài viết cùng chủ đề: Văn hoá