Công nghiệp công nghệ số: Phải có chính sách bứt phá, nổi trội
Hình thành hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 8 Chương, 73 Điều. Dự thảo Luật đã quy định một số nội dung về ưu tiên phát triển lực lượng nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia, nghiên cứu viên chất lượng cao; hình thành các cơ sở, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại; xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ số trọng điểm, tập trung vào các công nghệ số cốt lõi; có chính sách khuyến khích các tập đoàn công nghệ đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ số tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng |
Về phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số, dự thảo Luật khuyến khích huy động nguồn lực đầu tư của xã hội kết hợp với nguồn lực đầu tư nhà nước để xây dựng, phát triển các hạ tầng công nghiệp công nghệ số như: Hệ thống thông tin về công nghiệp công nghệ số quốc gia; trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu; trung tâm/viện nghiên cứu phát triển; khu công nghệ số đảm bảo hiện đại, đồng bộ phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương.
Về hình thành hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, dự thảo Luật đưa ra các chính sách thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ các thành phần của hệ sinh thái, từ nghiên cứu, đào tạo, khởi nghiệp, sản xuất đến khi cung ứng ra thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam để từng bước hình thành một hệ sinh thái trong nước hoàn chỉnh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đưa ra các chính sách phát triển thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số thông qua ưu tiên đầu tư, thuê mua sắm sản phẩm, dịch vụ trong nước; phát triển thị trường trong và ngoài nước cho doanh nghiệp công nghệ số; ưu đãi cho hoạt động sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số của doanh nghiệp; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp công nghệ số.
Dự thảo Luật cũng quy định, làm rõ các loại hình dịch vụ, sản phẩm công nghệ số. Trong đó có chính sách ưu tiên sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng điểm, và quản lý chặt chẽ đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu có vai trò quan trọng và mang tính chiến lược quốc gia.
Đồng thời, quy định về việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực, nước ngoài giúp bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ công nghệ số, thúc đẩy cạnh tranh; giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số ứng dụng trong ngành, lĩnh vực của mình phụ trách.
Về nhân lực cho công nghiệp công nghệ số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, dự thảo có các chính sách phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng của ngành công nghiệp công nghệ số, trong đó chú trọng cơ chế thu hút nhân lực công nghệ số chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số chuyên nghiệp; khuyến khích, mở rộng các mô hình đào tạo mới.
Cần chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh
Thẩm tra dự án Luật trên, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số thì cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh |
Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, cụ thể hóa trong Luật một số chính sách như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư; sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp công nghệ số nội địa; chủ động triển khai kinh doanh ngành nghề mới, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp khởi nghiệp startup, liên kết tạo hệ sinh thái trong ngành công nghiệp công nghệ số.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, cần nghiên cứu rà soát tách bạch các chính sách của công nghệ số với chính sách công nghệ thông tin để tránh trùng lặp về ưu đãi, khiến phân tán nguồn lực của quốc gia.
Bên cạnh đó, cần quan tâm các trường đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp công nghệ số để hưởng chính sách ưu đãi. Nguồn lực con người là rất quan trọng trong phát triển. Vì các trường, viện nghiên cứu là nơi nghiên cứu sáng tạo, phát triển các công nghệ mới. Đồng thời, cần đánh giá thêm về việc thành lập các khu, cụm công nghệ số, công nghệ cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm rằng, Luật phải có chính sách bứt phá, nổi trội. Nếu không chỉ là vươn lên một chút chứ không phải đột phá, nổi trội. Theo đó, Chính phủ cần làm rõ những chính sách vượt trội có quy định trong Luật chuyên ngành hay trong pháp luật về đầu tư?. Như luật này đang viện dẫn Luật Đầu tư nên chính sách bứt phá nổi trội chưa được rõ nét.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là Luật mới, phải làm theo cách mới. Đó là cái gì theo thẩm quyền Quốc hội thì Quốc hội quy định. Còn cái gì thuộc Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ thì các bộ sẽ ban hành. Một năm Quốc hội họp có 2 lần nhưng rất nhiều Luật đã ban hành trước đây giờ phải chỉnh sửa, bổ sung do không theo kịp với tình hình kinh tế - xã hội biến động cho nên cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp.
Theo Chủ tịch Quốc hội vì là Luật khó, phức tạp nên phải bám vào chủ trương đường lối của Đảng để thể chế hoá, bám sát Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị. Cùng với đó, cần chỉnh lý theo hướng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Rà soát sự phù hợp của Luật này với các Luật khác có liên quan. Theo thống kê sơ bộ Luật này có liên quan đến hơn 10 Luật.
Đồng thời, đảm bảo tương quan với các quy định, luật chuyên ngành đang được trình Quốc hội xem xét bổ sung như: 1 luật sửa 4 luật liên quan đến đầu tư; 1 luật sửa 7 luật liên quan đến tài chính ngân sách. Tiếp tục điều chỉnh trên nguyên tắc ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.