![]() |
Gen Z - thế hệ sinh ra giữa thời đại số, lớn lên trong toàn cầu hóa đang trở thành những "người thắp lửa" mới cho văn hóa Việt bằng lòng tự hào, sự trân quý và khát vọng gìn giữ bản sắc. Không nép mình dưới bóng di sản, họ làm sống lại hồn dân tộc trên không gian số, bắc "nhịp cầu" nối quá khứ với hiện tại, truyền thống với tương lai, đưa văn hóa Việt thăng hoa trong kỷ nguyên mới. |
|
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, văn hóa luôn là cội nguồn sức mạnh tinh thần của dân tộc Việt Nam, là hồn cốt, là mạch ngầm liên kết cộng đồng, khơi dậy bản lĩnh và bồi đắp khát vọng vươn lên. Ngày nay, giữa bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, văn hóa không chỉ là di sản để lưu giữ mà còn trở thành nguồn lực chiến lược, là "sức mạnh mềm" giúp khẳng định bản sắc và vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Thế hệ trẻ với tinh thần sáng tạo, năng động và tư duy hội nhập chính là lực lượng then chốt giữ vai trò tiếp nối và lan tỏa giá trị truyền thống. Họ không chỉ là người tiếp nhận mà còn là chủ thể kiến tạo văn hóa trong thời đại số. Trong bài viết "Tương lai cho thế hệ vươn mình", Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Thế giới đang bước vào một thời kỳ phát triển đột phá chưa từng có về công nghệ và khoa học kỹ thuật. Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, dữ liệu lớn và tự động hóa đang định hình mạnh mẽ, nhanh chóng cách thức làm việc, sinh hoạt và giao tiếp toàn cầu". Bên cạnh bức tranh toàn cầu về đổi mới công nghệ, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ thực trạng đáng lo ngại liên quan đến văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập sâu rộng: "Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ mai một đáng kể. Hiện tượng giao lưu, hội nhập văn hóa trên quy mô toàn cầu mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội nhưng cũng đồng thời tạo ra những thách thức lớn trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống". |
![]() |
Thế hệ trẻ với tinh thần xung kích, năng động và sáng tạo chính là lực lượng nắm giữ chìa khóa cho sự tiếp nối và phát triển của văn hóa dân tộc. |
Trong kỷ nguyên số, vai trò của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và chấn hưng văn hóa không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là một trách nhiệm thiêng liêng, là cầu nối văn hóa giữa quá khứ và tương lai. Với tình yêu và sự sáng tạo không ngừng, thanh niên Việt đang từng bước thực hiện nhiệm vụ biến di sản văn hóa thành nguồn cảm hứng; "đánh thức" sức sống, sự độc đáo của văn hóa dân tộc trong thời đại số hóa. PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam nhấn mạnh: Di sản văn hoá bao gồm di sản vật thể, di sản phi vật thể, di sản ký ức, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học được hình thành, xây dựng và vun đắp từ thế hệ này qua thế hệ khác, là sự kết nối liên tục giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Theo ông, không một quốc gia nào có thể xây dựng nền văn hóa đậm bản sắc nếu thiếu đi gốc rễ lịch sử. Di sản chính là nơi lưu giữ truyền thống, là nguồn lực tinh thần vô giá, là "tinh hoa" giúp kiến tạo nên nền văn hóa mới, xã hội mới thích ứng với thời đại và bối cảnh hiện nay. Trong bối cảnh số hóa và công nghệ trở thành phương tiện giao tiếp chủ đạo của giới trẻ, PGS.TS Đỗ Văn Trụ khẳng định việc khơi dậy tình yêu di sản, đưa di sản đến gần hơn với thế hệ trẻ sẽ không thể thiếu nền tảng số. Các công cụ công nghệ hiện đại đóng vai trò then chốt trong việc kết nối, lan tỏa và truyền cảm hứng, giúp thế hệ hôm nay không chỉ hiểu mà còn chủ động tham gia vào hành trình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. |
|
Với thế mạnh hiểu biết công nghệ, nhiều người trẻ đang tích cực đóng góp vào cuộc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống với cách làm sáng tạo. Những dự án của người trẻ hôm nay không chỉ làm sống lại những nghề thủ công hay nghệ thuật truyền thống mà còn mang lại một làn sóng mới, nơi công nghệ số và di sản văn hóa hòa quyện vào nhau một cách độc đáo. Một trong những dự án đáng chú ý trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống là dự án "Về làng" do anh Ngô Quý Đức sáng lập từ năm 2020. Dự án này nhằm mục đích lưu giữ và quảng bá các nghề thủ công truyền thống của Việt Nam qua nền tảng trực tuyến. Anh Ngô Quý Đức chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ thông qua dự án đã góp phần giúp các làng nghề truyền thống từng bước tiếp cận quá trình chuyển đổi số, từ đó hỗ trợ người thợ thủ công và các đơn vị sản xuất tiết kiệm công sức, cải thiện quy trình, nâng cao chất lượng sản phẩm so với việc sử dụng công nghệ lỗi thời. Đặc biệt, việc đẩy mạnh quảng bá, kết nối khách hàng và đối tác qua nền tảng số đã mở ra hướng đi mới, giúp không ít cơ sở sản xuất mở rộng đầu ra, tiếp cận thị trường hiện đại. |
|
Với hệ thống thông tin phong phú về làng nghề ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Thừa Thiên Huế..., website "velang.vn" đã dần trở thành một địa chỉ tin cậy cho những ai quan tâm đến văn hóa nghề truyền thống hoặc đơn giản là muốn tìm lại ký ức tuổi thơ qua các sản phẩm thủ công như: Con quay gỗ, tàu thủy sắt Tây, phỗng đất làng Hồ, chuồn chuồn tre… Bên cạnh đó, loạt video sinh động được thực hiện công phu về các làng nghề như mộc Kim Bồng (Quảng Nam), đệm bàng Phò Trạch (Thừa Thiên Huế) hay nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian của người Jrai (Gia Lai)… không chỉ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trên nền tảng số mà còn truyền cảm hứng để người xem tìm đến tận nơi, trải nghiệm không gian làng nghề một cách chân thực và sống động. "Đây chính là cách "Về làng" tạo ra một hành trình văn hóa sống động bằng công nghệ, kết nối quá khứ với hiện tại, di sản với cuộc sống", anh Quý nói. |
|
Khởi xướng vào năm 2020 bởi một nhóm bạn trẻ Gen Z, dự án "Trường ca kịch viện" đã mang lại một làn sóng mới trong công cuộc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống. Dự án này ứng dụng công nghệ số vào việc bảo tồn văn hóa thông qua các nền tảng trực tuyến như facebook, youtube,... nhằm mang đến những thông tin cơ bản về các loại hình sân khấu quen thuộc như: Rối nước, chèo, tuồng, cải lương... cùng những diễn xướng có tính địa phương như bả trạo, ổi lỗi, trò xuân phả. Qua đó, đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng, nhất là các bạn trẻ; góp phần lan tỏa sự quan tâm, niềm yêu mến của cộng đồng đối với cái đẹp, cái hay của nghệ thuật dân tộc. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, anh Nguyễn Hữu Dương - một trong hai người sáng lập dự án từ khi còn là học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam không chỉ hấp dẫn về mặt nghệ thuật mà còn mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập văn hóa toàn cầu và sự phát triển mạnh mẽ của các hình thức giải trí hiện đại nó lại không còn thu hút được nhiều sự chú ý từ giới trẻ. Với niềm đam mê công nghệ từ nhỏ, anh đã tìm hiểu và cảm thấy hứng thú với nhân văn số (lĩnh vực kết hợp giữa công nghệ kỹ thuật số và các ngành nhân văn). Nhận thấy đây là một công cụ mạnh mẽ để bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống, anh cùng với nhóm bạn trẻ đã sáng lập "Trường ca kịch viện" với mục tiêu đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống lên các nền tảng số hiện đại. "Hy vọng qua các phương tiện truyền thông số, các bạn trẻ sẽ nhận ra cái đẹp, cái hay của nghệ thuật truyền thống Việt Nam và từ đó yêu thích nó hơn, hiểu được mối liên hệ giữa nghệ thuật dân tộc với đời sống hiện đại để rồi góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản này", anh Dương bày tỏ. |
|
Gần đây nhất, dự án "Nét Việt Nam" ra đời với khát vọng khơi dậy niềm tự hào dân tộc, kết nối thế hệ trẻ với tinh hoa văn hoá, đồng thời thổi hồn vào di sản qua lăng kính sáng tạo và trẻ trung của Gen Z. Thông qua hàng trăm video được thực hiện trong vòng 5 năm, dự án "Nét Việt Nam" được tích hợp vào những chuỗi video trên nền tảng số như một "bảo tàng sống" ghi lại tinh hoa của những làng nghề truyền thống, hương vị ẩm thực và nghệ thuật dân gian từ khắp các vùng miền trên dải đất hình chữ S. Đây không chỉ là hành trình để khơi gợi sự quan tâm của Gen Z - những người trẻ sống trong thời đại số mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ rằng thế hệ trẻ chính là người trực tiếp kế thừa và phát huy di sản quý giá này. |
![]() |
Series đầu tiên của Nét Việt Nam với chủ đề "Gen Z về làng" khám phá các làng nghề truyền thống đang mai một |
Chị Nguyễn Thị Hạnh Chi - nhà sáng lập, chỉ đạo sản xuất dự án chia sẻ: "Nét Việt Nam là sự cụ thể hóa tình yêu và những trăn trở của tôi cùng đội ngũ đối với văn hóa dân tộc. Chúng tôi không chỉ muốn bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn mong muốn giới trẻ ngày nay có thể hiểu và yêu quý những giá trị này thông qua những trải nghiệm thực tế, chân thật nhất về làng nghề, ẩm thực và di sản văn hóa Việt. Chúng tôi hy vọng dự án này sẽ trở thành cầu nối giúp thế hệ trẻ tìm lại niềm tự hào dân tộc, hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển của các giá trị văn hóa, đồng thời truyền cảm hứng để họ không chỉ gìn giữ mà còn phát huy những giá trị này trong cuộc sống hiện đại. Bằng cách đó, chúng tôi mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội tại các vùng nông thôn, kết nối di sản văn hóa với thực tiễn cuộc sống". |
Trong dòng chảy hiện đại hóa và toàn cầu hóa mạnh mẽ, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không thể là trách nhiệm đơn lẻ của ngành văn hóa, cũng không nên chỉ nằm lại trong hồi ức của những thế hệ đi trước. Văn hóa tồn tại và phát triển nhờ vào sự kế thừa, tái tạo và sự sống động của nó trong từng nhịp thở của xã hội hiện đại. Với thế hệ trẻ, những người sẽ sống trong một Việt Nam hiện đại, hòa nhập sâu rộng vào thế giới số và toàn cầu thì vai trò của họ càng trở nên quan trọng. Họ không chỉ là “người học lại” quá khứ mà còn là “người kiến tạo” văn hóa mới - một bản sắc mang đậm tinh thần Việt nhưng được thể hiện qua ngôn ngữ, công nghệ và sáng tạo của thời đại 4.0. Trong thế giới phẳng, ai kiểm soát được nội dung – người đó nắm giữ được tâm trí công chúng. Vì vậy, cần khuyến khích thanh niên trở thành nhà sáng tạo nội dung văn hóa, đồng thời hỗ trợ họ về kỹ thuật, nền tảng và dữ liệu. Để làm được điều đó, cần kiến tạo một hệ sinh thái hỗ trợ bền vững: Mở thư viện số về di sản cho người trẻ dễ dàng truy cập, cấp quyền sử dụng hình ảnh, tư liệu để sáng tạo nội dung, làm phim, thiết kế, quảng bá sản phẩm văn hóa. Đồng thời, cần tôn vinh và lan tỏa cảm hứng từ những bạn trẻ đang âm thầm "giữ lửa" cho văn hóa dân tộc bằng việc xây dựng các giải thưởng uy tín như "Gương mặt trẻ bảo tồn di sản", "Đại sứ văn hóa sáng tạo", "Thanh niên văn hóa số"... Những gương mặt này cần được xuất hiện trên truyền hình, báo chí, trong các sự kiện lớn để truyền cảm hứng cho cộng đồng thanh niên cả nước. Tổ chức Đoàn, Hội Sinh viên, các trường đại học và doanh nghiệp có thể cùng đồng hành để xây dựng chương trình tìm kiếm và hỗ trợ những "hạt giống văn hóa" - những bạn trẻ dấn thân, sáng tạo, lan tỏa bản sắc dân tộc bằng nhiều hình thức mới mẻ. |
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, công nghệ đang trở thành công cụ đắc lực để bảo tồn, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản văn hóa. Từ việc số hóa hiện vật, phục dựng không gian lịch sử bằng công nghệ thực tế ảo, cho đến việc kể chuyện di sản qua các nền tảng số như podcast, vlog, game, mạng xã hội… chưa bao giờ văn hóa truyền thống có cơ hội "tái sinh" mạnh mẽ như hôm nay. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn văn hóa như "chất liệu công nghệ" mà thiếu sự hiểu biết sâu sắc về giá trị cốt lõi, thiếu tính kế thừa văn hóa gốc, thì các sản phẩm số dễ rơi vào tình trạng… "vỏ 4.0, ruột rỗng". Khi ấy, công nghệ không nâng tầm di sản, mà vô tình làm nhòe đi bản sắc. Giới trẻ hôm nay rất sáng tạo, đầy đam mê và sẵn sàng cống hiến. Nhưng sự sáng tạo ấy cần được nuôi dưỡng bằng tri thức văn hóa, bằng sự đồng hành của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, chuyên gia di sản. Đó không chỉ là "truyền lửa" mà còn là cách "tiếp sức" để tuổi trẻ viết tiếp câu chuyện di sản bằng chính ngôn ngữ của thời đại họ đang sống. |
Chỉ trong vòng một tuần, có những video ngắn về văn hóa Việt đạt tới 300 triệu lượt xem, đây là con số đủ sức làm chấn động bất kỳ chiến dịch truyền thông quốc gia nào. Điều đó cho thấy công nghệ không chỉ là công cụ, mà đang trở thành "cánh cửa thần kỳ" giúp văn hóa Việt bước ra thế giới. Giới trẻ ngày nay đặc biệt quan tâm đến các nội dung di sản văn hóa, từ âm nhạc truyền thống kết hợp yếu tố hiện đại, đến các chuyến tham quan di tích, bảo tàng và khám phá cổ vật… Đây là mảnh đất màu mỡ cho các nghệ sĩ và nhà sáng tạo nội dung khai thác. Với góc nhìn sáng tạo và phong cách tiếp cận gần gũi, các nhà sáng tạo nội dung TikTok không chỉ giúp lan tỏa giá trị văn hóa đến với giới trẻ mà còn mang di sản Việt Nam đến gần hơn với đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Đồng thời, biến những giá trị truyền thống trở thành nguồn cảm hứng hiện đại và sống động. Di sản văn hoá là cội nguồn của dân tộc, TikTok tự hào khi được đồng hành trong hành trình bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam, đưa di sản dân tộc đến gần hơn với thế hệ trẻ trong kỷ nguyên số. Thông qua nền tảng TikTok, chúng tôi tin rằng thế hệ trẻ sẽ là những người tiên phong trong việc lan tỏa giá trị di sản, kết nối quá khứ với hiện tại và truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng trong nước cũng như quốc tế. |
Thực hiện: Nhóm phóng viên |
Bài 1: Văn hóa Việt "viral" trong thời đại 4.0 Bài 2: 'Bản giao hưởng' văn hóa Việt trên bản đồ thời trang quốc tế |