Công đoàn Việt Nam: 95 năm đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc
Bước ngoặt lớn của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn
Ngày 28/7/1929, Đại hội đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất khai mạc (tiền thân tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày nay) do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì. Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, thông qua Điều lệ và hệ thống tổ chức của Công hội, ra Báo Lao động" và tạp chí Công hội Đỏ, bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng.
Theo ông Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cách mạng Việt Nam, khẳng định sự lớn mạnh của phong trào công nhân Việt Nam, là kết quả tất yếu của phong trào công vận đúng đắn và sự truyền bá lý luận Công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Người đặt nền móng lý luận, tư tưởng và tổ chức cho Công đoàn Việt Nam.
Trải qua 95 năm hoạt động, Công đoàn Việt Nam là tổ chức cách mạng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Ðảng, lợi ích dân tộc; tổ chức vận động người lao động đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự giàu mạnh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân và người lao động.
Công đoàn Việt Nam thực sự là trung tâm đoàn kết của công nhân, lao động Việt Nam |
Trong bài phát biểu tại Lễ biểu dương Lao động giỏi – lao động sáng tạo, cán bộ công đoàn tiêu biểu xuất sắc nhân kịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, mới đây, ông Phan Văn Bản – Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam - nhấn mạnh: Nhìn lại 95 năm qua, từ khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, do sự đầu tư vào khai thác thuộc địa đã dẫn tới sự ra đời một giai cấp mới: Giai cấp công nhân Việt Nam. Tuy ra đời muộn hơn giai cấp công nhân các nước công nghiệp phát triển, nhưng ra đời vào thời điểm phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển mạnh, sớm có chính đảng lãnh đạo, vạch đường chỉ lối, giáo dục, rèn luyện. Ngay sau khi ra đời, Công hội Đỏ đã tập hợp công nhân, lao động tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta.
“Trong suốt quá trình từ khi thành lập năm 1929, dù có tên gọi khác nhau, hình thức hoạt động lúc bí mật, lúc công khai, dù chưa có điều kiện thống nhất tổ chức trong cả nước, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Công đoàn Việt Nam thực sự là trung tâm đoàn kết của công nhân, lao động Việt Nam’’, ông Phan Văn Bản nhấn mạnh.
Tháng 3/1946 Hội nghị Đại biểu công nhân cứu quốc Bắc, Trung, Nam họp tại Hà Nội. Ngày 20/6/1946, hội nghị Công đoàn cứu quốc quyết định đổi tên Hội công nhân cứu quốc thành Công đoàn và quyết định thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Năm 1949, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được Liên hiệp Công đoàn thế giới công nhận là thành viên chính thức.
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã tiến hành những cuộc vận động cách mạng to lớn, phát động những phong trào thi đua yêu nước rộng khắp, đóng góp sức người, sức của và cả máu xương cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn kiên định, đoàn kết thống nhất, đổi mới sáng tạo, vận động, tổ chức, hướng dẫn công nhân và người lao động cả nước đi tiên phong trong lao động, sản xuất và đấu tranh cách mạng, kế thừa xứng đáng và làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng của dân tộc ta.
Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động
95 năm xây dựng và phát triển, trải qua 13 kỳ đại hội, với các tên gọi khác nhau, tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã lớn mạnh toàn diện. Tính riêng 5 năm trở lại đây (2018 - 2023), Công đoàn Việt Nam đã kết nạp hơn 4,4 triệu đoàn viên, thành lập hơn 24.000 công đoàn cơ sở... Hiện nay, cả nước có hơn 11,3 triệu đoàn viên, hiện diện trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, tham gia đóng góp ngày càng to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết thêm, trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, các cấp công đoàn đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn. Trước hết là đổi mới tư duy về công đoàn và hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới. Hoạt động của các cấp công đoàn dần đi vào chiều sâu, bám sát chức năng, nhiệm vụ và nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, trong đó tập trung thực hiện chức năng cốt lõi là đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Những năm gần đây, tổ chức công đoàn đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Các cấp công đoàn chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Tổ chức công đoàn tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động |
Trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, tổ chức công đoàn đã thể hiện rõ và hiệu quả vai trò đại diện người lao động. Giai đoạn 2018-2023, với sự tham gia của tổ chức công đoàn, mức lương tối thiểu của người lao động đã tăng 25,34%, góp phần cải thiện đời sống cho đoàn viên, người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.
Đáng chú ý, thực hiện Thông báo số 77-TB/TW kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đồng ý tháng 5 hàng năm là Tháng Công nhân, 12 năm qua, hoạt động “Tháng Công nhân” hàng năm được triển khai rộng khắp, hướng về cơ sở với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, trở thành điểm nhấn quan trọng, có sức lan tỏa, tạo động lực và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho công nhân lao động cả nước, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, quần chúng lao động.
Đặc biệt từ năm 2016, các chương trình gặp gỡ, đối thoại, trao đổi giữa Thủ tướng Chính phủ với đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và các cấp công đoàn cả nước đã trở thành hoạt động thường niên trong Tháng Công nhân nhằm thúc đẩy sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân.
Với việc liên tục đổi mới nội dung, cách làm, đến nay, nhiều mô hình thiết thực, mang đậm dấu ấn công đoàn chăm lo cho đoàn viên, người lao động đã ra đời và được duy trì hiệu quả, như: “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Mái ấm Công đoàn”, “Bữa cơm Công đoàn”, chương trình “Phúc lợi đoàn viên”…
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã xác định: Hoạt động công đoàn tiếp tục hướng mạnh về cơ sở; lấy công đoàn cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu; lấy nhu cầu, lợi ích của đoàn viên, người lao động làm căn cứ xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động; khơi dậy, phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo, khát vọng cống hiến của đoàn viên, người lao động trong thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.
Để thực hiện mục tiêu, từ nay đến năm 2028, Công đoàn Việt Nam sẽ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá, đó là: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch Công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. |