Công đoàn Văn phòng Bộ Công Thương để xuất 4 giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính
Tại Đại hội IV Công đoàn Bộ Công Thương, tổ chức ngày 21/7, bà Trần Thị Thanh Mỹ, Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Bộ đã chia sẻ về vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính tại Bộ Công Thương.
Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng công tác cải cách hành chính
Bà Trần Thị Thanh Mỹ nêu rõ, cải cách hành chính là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Tại Bộ Công Thương, Văn phòng Bộ là đơn vị thực hiện nhiệm vụ thường trực, tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ thực hiện công tác cải cách hành chính. Đồng thời, Văn phòng Bộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ phân giao cho từng đơn vị thuộc Bộ chủ trì thực hiện cải cách hành chính.
“Xác định nhiệm vụ công đoàn gắn với nhiệm vụ chuyên môn, và công đoàn có tầm quan trọng trong công tác cải cách hành chính của Bộ nên ngay từ những ngày đầu, Công đoàn Văn phòng Bộ đã chủ động phối hợp chặt chẽ, bám sát chương trình và kế hoạch cải cách hành chính hàng năm của Bộ để tham gia phối hợp cùng các cấp chính quyền thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, trong đó có việc hiện đại hóa nền hành chính, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng ISO của Cơ quan Bộ phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính cũng đã được Văn phòng triển khai tích cực” - bà Trần Thị Thanh Mỹ khẳng định.
Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Bộ cũng cho biết, sự phối hợp, vào cuộc của Công đoàn Văn phòng Bộ đã đóng góp vào các kết quả nổi bật trong công tác cải cách hành chính mà Bộ đạt được trong thời gian qua.
Bà Trần Thị Thanh Mỹ, Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Bộ Công Thương phát biểu tại Đại hội IV Công đoàn Bộ Công Thương |
Theo bà Trần Thị Thanh Mỹ, hiểu rõ tác động của công tác cải cách thể chế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, Bộ Công Thương đã luôn tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo môi trường kinh doanh hợp pháp, bình đẳng và thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Chất lượng, tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng lên.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cũng được hết sức chú trọng. Bộ Công Thương luôn tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp bằng các phương thức phù hợp.
Những năm qua, Bộ Công Thương là Bộ tiên phong thực hiện việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng công tác cải cách hành chính. Theo đó, Bộ đã có nhiều đề xuất tham mưu cho Chính phủ cũng như có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên rà soát cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý, góp phần rút ngắn thời gian, tiết giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã xây dựng Kế hoạch và triển khai rà soát, đề xuất phương án phân cấp thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”.
Song song với xây dựng nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, Bộ Công Thương thường xuyên duy trì tổ chức nhiều Diễn đàn, Hội nghị, Tọa đàm lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành Công Thương nhằm tăng cường đối thoại, khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Vận động mỗi cán bộ, đoàn viên tích cực, chủ động tham gia cải cách hành chính
Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Bộ Công Thương khẳng định, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, cùng với việc khoa học kỹ thuật phát triển nhanh, mạnh là xu thế hội nhập quốc tế thì tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở kỹ thuật hạ tầng phục vụ nền hành chính cần được coi như một trong các giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý.
Các đơn vị ngành Công Thương tích cực triển khai công tác cải cách hành chính |
Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình chuyển đổi số tại Bộ Công Thương giai đoạn 2022 - 2025 với mục tiêu đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử tại các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số một cách tổng thể và toàn diện đối với mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ Công Thương trong cách thức làm việc dựa trên các công nghệ số, hướng tới Chính phủ số, và bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Hiện tại, tất cả thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên. Tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến thời điểm hiện tại tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ. Đồng thời, Bộ đang đẩy mạnh cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã kết nối 16 nhóm dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), kết nối thành công với Cơ chế một cửa ASEAN và đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với các nước ASEAN.
“Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, cơ sở để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên” - bà Trần Thị Thanh Mỹ nêu rõ.
Lãnh đạo Công đoàn Văn phòng bộ cho hay, để tiếp tục phát huy vai trò của Công đoàn tham gia thực hiện công tác cải cách hành chính, trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, Công đoàn Văn phòng Bộ triển khai đến toàn thể công đoàn viên 4 giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính:
Một là, tăng cường đẩy mạnh công tác hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cải cách hành chính.
Hai là, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nhận thức cho đoàn viên để đáp ứng yêu cầu cải cách; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn cao; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ và năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Ba là, tham gia xây dựng và vận động đoàn viên thực hiện kế hoạch công tác cải cách hành chính của đơn vị; tham gia thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác Cải cách hành chính nhà nước.
“Từ những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, qua đó vận động mỗi cán bộ, đoàn viên tích cực, chủ động tham gia cải cách hành chính Nhà nước ngay tại cơ quan, đơn vị mình để góp phần xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh” - bà Trần Thị Thanh Mỹ nói.