“Cõng điện” lên làng căn cứ cách mạng Pờ Yầu
Nằm bên kia một đỉnh núi, làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) gần như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Theo lời các già làng, Pờ Yầu từng là căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống pháp, nơi đã bao bọc, che chở nhiều cán bộ cách mạng, nhiều thanh niên của làng tham gia làm du kích.
Để đưa điện lưới quốc gia đến với Pờ Yầu, nhân viên ngành điện phải vượt qua quãng đường 7km sình lầy dốc - con đường duy nhất vào làng |
Trước đây, để vào làng chỉ có một con đường độc đạo dài khoảng 7km xuyên rừng từ tỉnh lộ 666 (thuộc địa phận xã Lơ Pang). Vào mùa mưa lũ, đường bùn đất, sạt lở cùng với độ dốc cao, hầu như không có phương tiện giao thông nào có thể đi vào làng. Làng Pờ Yầu hiện là nơi sinh sống của hơn 150 hộ, với hơn 500 nhân khẩu. 100% người dân là đồng bào dân tộc Ba Na. Người dân ở làng Pờ Yầu làm nông nghiệp nhiều đời nay theo hình thức tự cung tự cấp. Chính giao thông cách trở, cùng với tập quán canh tác sản xuất lâu đời, thời tiết khắc nghiệt và còn ảnh hưởng bởi một số hủ tục lạc hậu khiến làng Pờ Yầu vẫn cứ bị cái nghèo đeo bám dai dẳng.
Làng Pờ Yầu là một trong những làng nghèo nhất của tỉnh Gia Lai.
Người dân tại các buôn, làng háo hức theo dõi nhân viên ngành điện hoàn thành những công việc cuối cùng để đóng điện |
Cùng với sự phát triển kinh tế của tỉnh Gia Lai, trong thời gian qua, việc “rút ngắn khoảng cách” giữa Pờ Yầu với bên ngoài đã được quan tâm đầu tư nhiều hơn.
Tiên phong trong việc “xóa bản trắng” về điện, đường, trạm…, năm 2005, Công ty Điện lực Gia Lai đầu tư đường điện kéo vào làng với tổng số vốn thời điểm lúc bấy giờ lên đến hơn 4 tỷ đồng. Theo đó, nguồn điện cấp cho làng từ xuất tuyến 475F21 đi qua xã Hà Ra, đường dây băng qua rất nhiều đồi núi, chiều dài đường dây cung cấp điện cho làng khoảng trên 50km. Với sự đầu tư về đường điện chiếu sáng, đời sống của người dân làng Pờ Yầu đã thực sự đổi thay, tươi mới hơn. “Khi thực hiện kéo điện giao thông rất khó khăn, tuy nhiên, ngành điện đã nỗ lực hết mình kéo điện thành công về làng, đảm bảo cung cấp điện liên tục cho người dân”, ông Hồ Đức Huấn – Giám đốc Điện lực Mang Yang chia sẻ và cho biết thêm, thời gian đầu, mỗi tháng, Điện lực Mang Yang chỉ thu được tại đây khoảng 600-700.000 đồng tiền bán điện, và thu theo quý.
Ông Ksor Nan, một hộ dân tại Pờ Yầu cho biết, trước đây, bà con dùng điện bằng máy phát điện chạy bằng sức gió do một đơn vị hảo tâm tặng. Chiếc máy lúc đầu thiết kế để sáu nhà có thể được dùng điện nhưng cuối cùng chỉ có hai nhà có điện, mà cũng chỉ có khoảng hai giờ mỗi ngày. Tiếng ồn của nó cũng làm nhiều người già trong làng khó ngủ.
“Từ khi được sử dụng điện lưới quốc gia, bà con ai cũng mừng, phấn khởi. Nhiều nhà đã mua sắm tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện; máy xay xát phục vụ cuộc sống sinh hoạt. Ở điểm trường làng, thầy và trò càng thêm yêu những giờ lên lớp khi giờ đây, các em nhỏ có ánh đèn thắp sáng để học vào buổi tối, và các bài giảng cũng thêm sinh động, hấp dẫn khi thầy cô được dùng máy vi tính soạn bài”, ông Ksor Nan phấn khởi.
Điện về không chỉ thắp sáng thôn, làng mà còn mang theo ánh sáng văn hóa, ánh sáng tri thức đến đồng bào nghèo. Bà con trong làng giờ đã có điều kiện được tiếp cận nhiều hơn với thông tin, với khoa học kỹ thuật thông qua tivi, máy tính để học hỏi áp dụng những cách làm hay, qua đó thay đổi cuộc sống của gia đình.
Cùng với hạ tầng giao thông được đầu tư, điện về làng góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế các buôn làng của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Gia Lai |
Theo ông Hồ Đức Huấn, hiện làng Pờ Yầu có 71 hộ đăng ký sử dụng điện lưới quốc gia. Ngành điện đang cấp điện cho các khách hàng trong làng qua TBA 25kVA, sản lượng trung bình là 3.000kWh/tháng, tổng doanh thu khoảng 6 triệu đồng. Từ tháng 5/2019, PC Gia Lai đã thay thế 100% công tơ cơ bằng công tơ điện tử cho các khách hàng tại làng Pờ Yầu, nhờ vậy, việc ghi và thu tiền điện cũng thuận lợi hơn. “Việc kéo điện về làng không nhằm lợi ích kinh tế cho ngành điện, mà chính là nỗ lực nhằm “xóa vùng trắng” về điện cho một trong những làng nghèo nhất tỉnh Gia Lai, góp phần cùng mở ra tương lai tươi sáng hơn cho người dân Pờ Yầu”, ông Huấn nói.
Đến Pờ Yầu bây giờ không còn quá khó khăn, một con đường bê tông trải từ trung tâm xã Lơ Pang lên làng Pờ Yầu đang dần hoàn thiện, mở ra nhiều hi vọng về kết nối giao thương đến với người dân trong làng. Giờ đây, đường giao thông, điện, trường học, trạm phát sóng điện thoại… đã được đầu tư xây dựng, từng bước xua đi bao khó khăn, thiếu thốn, lạc hậu ở ngôi làng trên đỉnh núi. Làng Pờ Yầu đang căng tràn sức sống mới với bao hy vọng tương lai tươi sáng, trong đó có sự góp sức của ngành điện.