Thứ sáu 08/11/2024 12:31

Có nên thu thuế tiêu thụ đặc biệt với game online?

Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ trò chơi trực tuyến có thể gây ra hiệu ứng ngược, kìm hãm sự phát triển của ngành dịch vụ này.

Liên tục đạt mức tăng trưởng 20-30%/mỗi năm trong nhiều năm

Sáng 30/3, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến (game online): Đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Ông Lê Xuân Hoà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phát biểu tại hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng: Ngành game hiện nay chia thành 2 dòng chính, game PC chơi trên máy tính và game mobile chơi trên điện thoại thông minh.

Trên thị trường toàn cầu thì game PC vẫn do các doanh nghiệp nước ngoài thống lĩnh, do việc phát triển các game này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn kéo dài, và đi kèm với rất nhiều các khâu marketing, phân phối, cần có cả một hệ sinh thái đi kèm. Tuy nhiên, dòng game mobile lại là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam. Cứ 10 game phổ biến nhất trên các kho ứng dụng thì có 5 game đến từ Việt Nam.

“Doanh thu ngành game Việt Nam năm 2021 ước tính đạt 665 triệu đôla, liên tục đạt mức tăng trưởng 20-30% mỗi năm trong nhiều năm. Số lượng lao động ngành game năm 2021 ước đạt 20 nghìn người. Game có thể được coi là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu văn hoá. Nếu như người Nhật có Manga và Anime, người Hàn có Kpop và Kdrama, người Anh có giải bóng đá, người Mỹ có Holywoods, thì Việt Nam đang có cơ hội trở thành quốc gia xuất khẩu game mạnh nhất thế giới” - ông Đậu Anh Tuấn thông tin.

Cũng nói về triển vọng của ngành game online tại Việt Nam, ông Lê Xuân Hoà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) nhận định: Game online là sự hội tụ của nhiều ngành công nghệ cao như công nghệ phần mềm; công nghệ số; công nghệ sản xuất thiết bị phần cứng điện tử, bán dẫn; công nghệ hạ tầng Internet, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… sự phát triển của các ngành công nghiệp này đã hình thành nên dịch vụ game online, song song với đó, sự phát triển của game online cũng góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp số này phát triển.

“Từ góc độ kinh tế - xã hội, game online là ngành kinh tế số có tiềm năng phát triển lớn, có cơ hội vươn lên trở thành ngành công nghệ cao. Game online là ngành công nghiệp giải trí và vượt qua cả ngành công nghiệp điện ảnh và là ngành có giá trị lớn. Nhiều quốc gia coi đó là ngành công nghiệp mũi nhọn về văn hoá và nhà sáng tạo game online cũng được coi là nghệ sĩ” - ông Lê Xuân Hoà thông tin.

Triển vọng thì như vậy, song theo ông Đậu Anh Tuấn, game online hiện vẫn là một lĩnh vực gây nhiều tranh cãi. Có nhiều nghi ngại về tác động tiêu cực của trò chơi điện tử như chơi điện tử tới đời sống, sức khoẻ của trẻ em như: Hại mắt, dẫn đến cận thị, trẻ ham game sẽ ít vận động không tốt cho sức khoẻ… Tuy nhiên, cũng không ít game hiện nay được xây dựng theo hướng vừa chơi vừa học, có tính giáo dục cao. Game còn giúp người chơi có môi trường giao lưu, giao tiếp xã hội, các hội nhóm sở thích tương tự như các thú vui tiêu khiển khác như xem bóng đá.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đại diện nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ trò chơi trực tuyến

Đề xuất đưa dịch vụ game online vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Thông tin tại hội thảo cho thấy, dự thảo Tờ trình về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) của Bộ Tài chính có nêu: “Trò chơi điện tử trên mạng (game online) là một loại hình giải trí gắn liền với sự phát triển của Internet, có sự tương tác giữa những người chơi với nhau và giữa người chơi với máy chủ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến thông qua các thiết bị điện tử như: Máy tính cá nhân, máy chơi game, các thiết bị di động.

Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để định hướng tiêu dùng”.

Trước đề xuất của Bộ Tài chính, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, dịch vụ game online tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển, tuy nhiên, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với loại hình dịch vụ này có thể gây ra tác dụng ngược, có thể kìm hãm sự phát triển của dịch vụ này.

Đặc biệt theo ông Đậu Anh Tuấn: “Chúng tôi có tìm kiếm nhanh trên thế giới thì cũng chưa thấy có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online. Các nước chỉ đánh thuế đối với thu nhập mà người chơi có được từ game. Ví dụ như mua bán tài sản ảo trên mạng, hoặc chơi game được thưởng, phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế”.

Cùng quan điểm với ông Đậu Anh Tuấn, bà Nguyễn Thuỳ Dung - Giám đốc SohaGame cũng cho rằng: Qua rà soát sơ bộ từ doanh nghiệp, chưa ghi nhận quốc gia nào áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Thậm chí tại một số quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Chính phủ nước này còn có những chính sách khuyến khích, đưa ra ưu đãi về thuế, hỗ trợ kinh phí tổ chức các hội thảo, tạo điều kiện để phát triển ngành trò chơi điện tử.

Còn theo ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc Phát hành trò chơi trực tuyến của Công ty VNG: Cũng giống như phim ảnh, nghệ thuật, trò chơi trực tuyến cũng là một phần của ngành công nghiệp giải trí, sáng tạo nội dung. Ở các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,… trò chơi trực tuyến không chỉ được thừa nhận như một ngành kinh tế quan trọng, mà còn được xác định là mũi nhọn để xuất khẩu văn hoá ra thế giới. Vì vậy, những quốc gia này có rất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến.

“Trong khi đó, tại Việt Nam, game là một ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả các game muốn phát hành chính thống đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cụ thể ở đây là: Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông). Bên cạnh việc phải đảm bảo các yêu cầu về yếu tố nội dung, trò chơi trực tuyến khi đưa ra thị trường luôn có sự phân loại độ tuổi rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng. Hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam” – ông Lã Xuân Thắng khẳng định.

Từ nhận định đó, các chuyên gia cho rằng, nếu áp dụng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ trò chơi trực tuyến có thể sẽ gây ra sự “kìm hãm” đối với sự phát triển của ngành công nghiệp game online, không những thế, sẽ tạo điều kiện để các game lậu, game lệch chuẩn xâm nhập vào Việt Nam mà không thu được thuế, bởi theo các chuyên gia trong lĩnh vực thuế, thuế chỉ đánh được trên những hoạt động hợp pháp, còn những hoạt động không hợp pháp thì không đánh được thuế.

Nguyễn Hoà
Bài viết cùng chủ đề: Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Giảm lãi suất tối thiểu 1%/năm cho doanh nghiệp lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Từ 5/1/2025, Cục Phòng, chống rửa tiền sẽ thuộc Ngân hàng Nhà nước

VietinBank lần thứ 8 liên tiếp được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam

Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu

Giá vàng và chứng khoán sẽ ra sao sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ?

Thu ngân sách nhà nước 10 tháng tăng 17,3%

10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 1,8%

Kỳ vọng của quỹ tín dụng nhân dân đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

10 tháng, Việt Nam thu hút 27,26 tỷ USD vốn FDI

Tháng 10, HNX đã huy động thành công 30.575 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Manulife mở rộng quy mô chương trình 'Sống Sạch - Sành - Xanh', khuyến khích người dân ‘khoe’ lối sống khỏe

Tỷ giá tăng, thị trường chưa có dấu hiệu thiếu hụt thanh khoản

Tác động của bầu cử Tổng thống Mỹ đến thị trường chứng khoán Việt Nam ra sao?

Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Ngân hàng Nhà nước tái triển khai biện pháp kép để 'ghìm cương' tỷ giá

Kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng TMCP Quân đội

Krungsri muốn mua trước hạn 50% vốn điều lệ còn lại của SHBFinance

Ngân hàng BIDV được vinh danh 'Thương hiệu quốc gia'

Lào Cai: Khoanh nợ cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do cơn bão số 3

Nhà băng đua nhau tăng lãi suất, có nơi chạm 9,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng