Nữ phóng viên Dương Thị Xuân Quý và con gái Bùi Dương Hương Ly trước ngày chị vào Nam- Ảnh tư liệu gia đình |
Những ngày ác liệt ấy ở trên mặt trận khu V, nhà văn Dương Thị Xuân Quý và chồng chị, nhà thơ Bùi Minh Quốc cùng có mặt ở những điểm “nóng” nhất. Có lần chị nhỏ nhẹ với chồng: “Sao anh làm thơ tình tặng nhiều người mà chưa có bài nào tặng cho em?”. Lời ngỏ ấy của nhà báo vợ đã khiến cho nhà thơ chồng đâm ra bối rối và anh đã chọn thời điểm ngày 8/3 năm ấy để “ra mắt” vợ những dòng thơ không chỉ còn là tâm sự của riêng họ nữa: “Cuộc đời vẫn đẹp sao/Tình yêu vẫn đẹp sao/Dù đạn bom man rợ thét gào…/Dù xa cách hai ngả đường chiến dịch/Ta vẫn còn chung nhau một ánh trăng ngần…”.
Ngày mai, vâng ngày mai. Bài thơ hẹn ước với người vợ sẽ đến tay chị.
Nhưng… đúng vào đêm 8/3 rạng ngày 9/3/1969, loạt đạn tội ác của đám lính Park Chung-hee khi đi càn tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã cắt ngang cuộc đời nữ phóng viên Dương Thị Xuân Quý. Bài thơ chồng chị đã hoàn thành với hy vọng được người vợ đón đợi đã không còn bao giờ trở thành hiện thực nữa.
Trong hồ sơ của cán bộ chiến sĩ đi B được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III thật may mắn còn đọc được đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu của chị. Lá đơn ấy chị viết: “Tôi là Dương Thị Xuân Quý, đoàn viên thanh niên lao động, phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam tình nguyện gửi đơn này xin các đồng chí xét cho tôi được vào Nam chiến đấu. Tôi năm nay 24 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, đã mười năm nay không ốm đau, không có bệnh tật gì. Nếu được vào Nam chiến đấu, tôi có thể dạy học, làm công tác Đoàn, làm báo, phụ trách thiếu nhi... Nhưng nếu miền Nam cần đến tôi ở bất cứ một việc nào, bất cứ một nơi nào, tôi xin sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ. Nếu phải hy sinh tính mạng, tôi sẵn sàng, không một mảy may tính toán…”.
Phóng viên đài BBC Bùi Dương Hương Ly và chồng |
Để lại sau phía sau đứa con gái vừa thôi nôi, tháng 4/1968 nữ nhà báo Dương Thị Xuân Quý đã vượt Trường Sơn vào với đồng bào khu V, nơi nóng bỏng nhất trên chiến trường miền Nam lúc ấy, nơi chồng chị đã vào trước một năm. Gặp nhau lần nào cũng vội, ao ước trao được cho nhau những dòng tâm sự, những dòng thơ giữa những khoảng lặng của các trận chiến. Chỉ thế thôi. Nhưng chiến tranh khốc liệt vô cùng. Và chị đã ra đi như một anh hùng.
Cô bé Bùi Dương Hương Ly khi mẹ trao tay bà ngoại để từ biệt gia đình vào Nam mới 16 tháng tuổi, cái tuổi còn quá bé để thấu cảm tình yêu của mẹ. Ngồi trong quán cà phê trên phố Ngô Quyền, Hà Nội cách không xa nhà hộ sinh A, nơi mẹ chị sinh chị, nữ phóng viên chiến trường 52 tuổi của đài BBC Bùi Dương Hương Ly giờ đây xúc động nhớ lại những di vật, những kỷ niệm về người mẹ được bà ngoại, những người bác truyền lại. Có lẽ nhớ nhất là kỷ niệm của bữa ăn sau cùng của mẹ với người chị ruột trước khi đi B. Bữa cơm ấy chỉ có mỗi món canh rau.
Rồi những gì chị biết về tình cảm của mẹ với chị là mãi về sau này khi những dòng nhật ký chiến tranh của mẹ Quý được công bố. Ngắn thôi nhưng chứa chan tình cảm nhớ thương khôn xiết, rồi cả những nỗi dằn vặt như có gì không phải của mẹ Quý với chị. Cũng có những phút giây chạnh lòng lắm nhưng rồi chị cũng đã thốt lên: “Mẹ ơi, mẹ vẫn mãi là mẹ của con!”.