(Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN) |
Phát biểu khai mạc, ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định, 10 nước ASEAN tạo ra một khu vực sản xuất và thị trường với trên 600 triệu người tiêu dùng và tổng GDP trên 1.300 tỷ đôla Mỹ. ASEAN được xem là khu vực phát triển năng động nhất thế giới và là một trong bốn đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Cùng với quá trình hội nhập, việc giảm thuế sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các nước ASEAN.
Tự do hóa thương mại trong Hiệp định thương mại tự do hàng hóa ASEAN đã đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú với giá cả rẻ hơn, nguồn thiết bị máy móc chất lượng tốt hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước. Các sản phẩm nông sản đặc trưng của Việt Nam là gạo, cao su, càphê... sẽ có nhiều cơ hội được xuất khẩu ra các nước trong khu vực. Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội là nhiều thách thức được đặt ra và các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị về tâm thế, năng lực để đón đầu.
Theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến cuối năm 2014, Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng Biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống 0%.
Nối tiếp nỗ lực trên, từ ngày 1/1/2015, Việt Nam điều chỉnh thêm 1.720 dòng thuế (khoảng 18% tổng số dòng thuế) xuống 0%. Số còn lại (bao gồm 687 dòng thuế, chiếm 7% biểu thuế) sẽ điều chỉnh xuống 0% vào năm 2018, chủ yếu là các mặt hàng nhạy cảm như ôtô, xe máy...
Như vậy, ngoại trừ xăng dầu và 7% dòng thuế thuộc danh mục hàng hóa nhạy cảm có thời gian bảo hộ dài, thì những mặt hàng đang còn chịu thuế được đưa về mức thuế suất 0% kể từ 1/1/2015, cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN.
Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế đánh giá, các nước thành viên ASEAN hiện là đối tác đứng thứ hai về cung cấp hàng hóa cho Việt Nam (chỉ đứng sau thị trường Trung Quốc) và là khu vực thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Hoa Kỳ và EU. Việt Nam hiện được đánh giá là nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Điều này thể hiện sự nghiêm túc và nỗ lực của Việt Nam trong việc chung sức xây dựng AEC, đặc biệt là những cam kết và thực thi các cam kết trong nội khối.
Phân tích những thách thức khi Việt Nam bước vào giai đoạn cắt giảm thuế nhập khẩu sâu trong một số hiệp định thương mại tự do (FTA), ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) nhận định, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Khu vực tư nhân dù đã phát triển song quy mô còn nhỏ và có nhiều hạn chế về năng lực tài chính và trình độ công nghệ. Các ngành sản xuất trong nước đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh về chất lượng, giá cả của hàng nhập khẩu. Cùng với đó là vấn đề quản lý, quản trị ở các doanh nghiệp còn đang là thách thức lớn khi lộ trình giảm thuế đang diễn ra ngày càng gần.
Ở góc độ chuyên gia, Tiến sỹ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, hội nhập vừa là cơ hội, vừa là thách thức và có không ít rủi ro. Hội nhập mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải đủ cho phát triển. Hội nhập cần phải là một bộ phận trong cải cách và chiến lược phát triển, gắn bó hữu cơ với tiến trình cải cách bên trong của đất nước.
Theo ông Thành, việc cam kết và thực thi các cam kết hội nhập, nhất là các FTA có thể sẽ tiếp tục được ký kết trong năm 2015 cần sự tương thích với yêu cầu cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, các ngành chức năng, doanh nghiệp và toàn xã hội cần sự vào cuộc bằng cách trao đổi, đối thoại cởi mở, thẳng thắn để có những chính sách, chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp./.