Dù vậy, những diện tích cà phê già cỗi ngày càng nhiều, điều này đòi hỏi cà phê của Việt Nam cần phải cải tạo, tái canh và quy hoạch phù hợp theo hướng nâng dần sản lượng đi đôi với chất lượng.
Câu chuyện của Quảng Trị
Già cỗi, sinh trưởng kém, tỉnh Quảng Trị có gần 4.700 ha cà phê, chủ yếu là cà phê chè Catimo, nhưng trong số đó có đến 2.400 ha già cỗi, sinh trưởng kém cần cải tạo, tái canh. Vì vậy, tỉnh này có kế hoạch từ nay đến năm 2025, mỗi năm tái canh 200 ha cà phê chè Catimo. Sau 15 - 20 năm trồng, các vườn cà phê đến nay đã già cỗi, sử dụng giống năng suất thấp, nên việc cưa đốn, cải tạo hoặc trồng tái canh cà phê bằng giống mới với nhiều đặc tính ưu việt là vấn đề cấp thiết.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị - cho biết, huyện Hướng Hóa là địa bàn trọng điểm để phát triển cà phê của Quảng Trị và vùng Bắc Trung bộ. Hướng Hóa có độ cao địa hình từ 450 - 550 m với khí hậu ôn hòa nên rất phù hợp phát triển cây cà phê chè.
Theo bà Phương, đến năm 2015, tổng diện tích cây cà phê của Quảng Trị, chủ yếu trồng tại huyện Hướng Hóa đạt gần 4.700 ha, chiếm 1/7 tổng diện tích cà phê cả nước, chiếm 22% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày, chủ lực của tỉnh. Giá trị sản lượng cà phê Hướng Hóa hàng năm mang lại khoảng 300 tỉ đồng. Tổng số hộ nông dân tham gia trồng cà phê có hơn 8.000 hộ, phần lớn là người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Cây cà phê Quảng Trị có chất lượng cao với thương hiệu nổi tiếng là cà phê Khe Sanh được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành trồng và xuất khẩu cà phê.
Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, hầu hết cà phê trồng ở huyện Hướng Hóa bị sâu bệnh và còi cọc, kém phát triển. Cụ thể, diện tích cà phê từ 1 - 3 tuổi là 319 ha, trong đó có hơn 30% phát triển kém, bị sâu bệnh phá hoại. Cà phê từ 3 - 10 tuổi hơn 1.000 ha, trong đó có hơn 40% diện tích bị sâu bệnh, phát triển kém. Số cà phê từ 10 - 15 tuổi gần 1.100 ha, trong đó có 80% sinh trưởng kém và bị sâu bệnh. Hơn 1.000 ha cà phê trên 15 tuổi cũng chung số phận, có đến 80% diện tích bị sâu bệnh phá hoại và phát triển kém. Điều đó đặt ra vấn đề, muốn nâng cao chất lượng cà phê Hướng Hóa thì phải thực hiện tái canh một cách bền vững.
Nhiệm vụ quan trọng
Ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Quảng Trị - cho biết, tái canh cà phê giai đoạn 2017 - 2025 là cơ hội thay thế các giống cà phê mới, có đặc tính vượt trội, năng suất cao, khả năng kháng bệnh lớn. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê hiệu quả hơn, mang lại thu nhập cao cho người trồng. Cụ thể, bình quân từ nay đến năm 2025, mỗi năm thực hiện tái canh 200 ha. Ngoài ra, bình quân mỗi năm cưa đốn, cải tạo thêm 50 ha cà phê để vườn cho năng suất cao hơn. Dự kiến đến năm 2020, năng suất cà phê chè đạt từ 14 - 16 tấn/ha quả tươi. Sản lượng bình quân sau khi tái canh đạt 10 ngàn tấn/năm.
Điều đặc biệt quan trọng là tái canh sẽ tăng thu nhập cho người trồng cà phê lên 1,5 lần so với hiện tại. Nguồn vốn phục vụ tái canh được xác định cần gần 300 tỉ đồng, tính theo định mức khuyến cáo cho mỗi hecta tái canh hơn 152 triệu đồng. Nguồn vốn này gồm vay ngân hàng, vốn tự có và vốn của nhà nước. Cơ chế chính sách hỗ trợ tái canh là nhà nước hỗ trợ tối đa 80% giá giống cà phê và giống cây ngắn ngày trồng xen kẽ phục vụ tái canh. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%, ngân sách huyện hỗ trợ 50%. Một yếu tố quan trọng được hội thảo nhất trí đó là giống cà phê tái canh phải là giống cà phê chè thuần chủng, có nguồn gốc xuất xứ và được các cơ quan có thẩm quyền công nhận chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.
Về nguồn hạt giống cà phê, có thể lựa chọn mua hạt giống thuần chủng của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên hoặc tuyển chọn cây cà phê đầu dòng trên địa bàn để lấy hạt giống. Trong đó, việc chọn nhân giống cà phê thuần chủng được xem là khâu quyết định để đảm bảo tái canh cà phê bền vững.
Một số ý kiến chỉ ra việc hỗ trợ xây dựng mô hình thử nghiệm giống cà phê chè mới kết hợp ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm là giải pháp rất quan trọng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê nhân phục vụ xuất khẩu.
Ông Võ Văn Hưng nhấn mạnh, tái canh cà phê Hướng Hóa được xác định là nhiệm vụ quan trọng đối với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng chất lượng, thị trường bền vững và cạnh tranh cao. Do vậy, phải nắm chắc khoa học kỹ thuật và khả năng tổ chức thực hiện.