Việt Nam dẫn đầu sự phục hồi kinh tế của nhóm nước CLMV năm 2021 CLMV đẩy mạnh dự án hợp tác tạo thuận lợi thương mại và đầu tư |
Đây là một sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53 (AEM 53) và các Hội nghị liên quan được tổ chức từ ngày 06-15 tháng 9 năm 2021 tại Hà Nội.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh làm trưởng đoàn. |
Thương mại, đầu tư trong khu vực vẫn giữ tăng trưởng
Hội nghị lần này đã thảo luận về Báo cáo của Hội nghị Quan chức kinh tế cấp cao CLMV (SEOM CLMV); tiến độ của Dự án “Xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Khung khổ Phát triển CLMV”; Kế hoạch khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 và các bước tiếp theo để thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối giữa các nước CLMV.
Cho rằng năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn với nhiều thách thức đối với các nước trên thế giới và khu vực, tuy nhiên, các nước CLMV đều cho rằng, thương mại và đầu tư trong khu vực CLMV vẫn giữ được tăng trưởng trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, đóng góp vào tăng trưởng chung của khu vực ASEAN. Đây là kết quả tích cực, phản ánh nỗ lực của các nước trong việc vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục kinh tế.
Về tiến độ thực hiện Kế hoạch hành động (KHHĐ) hợp tác kinh tế CLMV giai đoạn 2019-2020 và giai đoạn 2021-2022, Việt Nam đánh giá cao nỗ lực và sự thích ứng, chuyển đổi nhanh chóng của các nước CLMV trong việc thực hiện các hoạt động, dự án. Việt Nam cảm ơn sự phối hợp, tham gia tích cực của các nước CLM (Campuchia, Lào, Myanmar), vào các hoạt động do Việt Nam chủ trì như các hội chợ, triển lãm tổ chức tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và các chương trình học bổng do Việt Nam cấp.
Trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các hội chợ, triển lãm và mời các nước CLM tham dự; duy trì chương trình học bổng dành cho công dân mỗi nước CLM. Việt Nam đề xuất có thêm các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ thông qua kết nối “B2B matching” trong các lĩnh vực mà các nước CLMV có thế mạnh hoặc có nhu cầu như nông nghiệp, chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản, dệt may, du lịch, các sản phẩm công nghiệp phụ trợ trong KHHĐ 2021-2022.
Tham dự Hội nghị có Trưởng đoàn các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Tổng Thư ký ASEAN. |
Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy hợp tác, phục hồi kinh tế
Đối với dự án “Xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Khung khổ Phát triển CLMV”, Hội nghị đã thảo luận các biện pháp cần thiết để đẩy nhanh tiến độ. Trưởng đoàn Việt Nam cho rằng đây là một nhiệm vụ trọng tâm mà Lãnh đạo cấp cao CLMV đã giao cho Trưởng đoàn các nước. Vì vậy, Việt Nam kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ của các nước CLMV, Ban Thư ký ASEAN và đơn vị tài trợ để đẩy nhanh tiến độ dự án, kịp thời xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động vào cuối năm 2021. Hội nghị cũng đã nghe đại diện Tổ chức GIZ báo cáo tình hình triển khai dự án “COMPETE” và bày tỏ, đánh giá cao trước việc Chính phủ Đức cam kết tiếp tục hỗ trợ các nước CLMV nâng cao năng lực, hoàn thiện thể chế thông qua việc gia hạn dự án thêm một giai đoạn tiếp theo đến năm 2024.
Đối với kế hoạch khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 và các bước tiếp theo để thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối giữa các nước CLMV, các Trưởng đoàn đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về các chính sách, biện pháp ứng phó với dịch bệnh và khôi phục kinh tế sau dịch của nước mình. Trưởng đoàn Việt Nam đã đề xuất các giải pháp để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và tăng cường kết nối giữa các nước CLMV.
Cụ thể, Việt Nam đề nghị các nước quan tâm, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hợp tác trong KHHĐ CLMV 2021-2022, gắn với các mục tiêu của Sáng kiến Hội nhập ASEAN và Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025.
Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy hợp tác, phục hồi kinh tế |
Ngoài ra, Việt Nam cũng đề nghị các nước cần tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa các nước, đặc biệt là hoạt động thông quan tại các cửa khẩu khu vực biên giới, khuyến khích việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp các nước CLMV trong các lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản, thực phẩm nhằm hình thành các chuỗi cung ứng khu vực do CLMV làm nòng cốt chính. Các nước CLMV cũng cần tăng cường kết nối gắn với các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN đến năm 2025.
Sau khi trao đổi và chia sẻ các biện pháp khôi phục kinh tế sau dịch, Hội nghị nhất trí giao nhiệm vụ cho các Trưởng SEOM tích cực phối hợp với Ban Thư ký ASEAN trong việc điều phối các hoạt động hợp tác nhằm hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi nền kinh tế của các nước.
Thay mặt Ban Thư ký ASEAN, ông Dato Lim Jock Hoi - Tổng Thư ký ASEAN - đánh giá cao những biện pháp mà các nước đã và đang thực hiện trong việc phòng chống dịch và khôi phục kinh tế. Ông Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh các nước CLMV cần xây dựng các hành động thiết thực để hiện thực hóa Khung Phục hồi tổng thể ASEAN, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, áp dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, đảm bảo chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong khu vực không bị đứt quãng.
Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ và bày tỏ mong muốn các nước CLM, Ban Thư ký ASEAN sẽ tiếp tục hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam với vai trò chủ trì cơ chế hợp tác kinh tế CLMV trong năm 2022.