Chuyện nhặt được dọc "Phố nhà binh"
Phố Lý Nam Đế (Hà Nội) còn có tên khác là “Phố nhà binh” do cận kề thành cổ - nơi quân đội ta đặt đại bản doanh, có nhiều khu gia binh, chốn cư ngụ của rất nhiều tướng, tá, lại có nhiều cơ quan văn hóa - nghệ thuật, báo chí của lực lượng vũ trang.
Là “phố lính” cho nên một thời, nhất là thời còn chiến tranh, thật nghiêm trang. Hai đầu phố đặt barie, có vệ binh bồng súng đứng gác, không có cảnh báo như trong Sài Gòn cũ “bước lên hè, binh sĩ sẽ nổ súng”, nhưng có biển báo “cấm quay phim, chụp ảnh”… Năm tháng trôi qua, chiến tranh trôi qua, “phố nhà binh” thành phố thương mại, buôn bán sầm uất, chật chội, ồn ào. Nhưng dù đã khoác trên mình bộ thường phục, trên phố ngày đêm đã “ngựa xe như nước”, tinh ý ta vẫn có thể nhận ra dấu ấn không thể mờ phai của một thời… Một chiều thong thả hiếm hoi, độc bộ trên hè phố, vô tình tôi đã nhặt được “lưng một bồ” giai thoại do những người lính đặt ra hôm nào nay nằm sâu dưới lớp lá me, lá sấu, vương quấn trên các cành cây hay một đoạn tường rêu.
Phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội |
Chuyện thứ nhất: Ừ HAY! HAI ĐỨA CHẴN ĐÔI QUAN
Hồi ấy, quân hàm lên được đến cấp thượng tá là “oai” lắm vì cấp ấy phải do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) ký. Thế nên, việc hai nhà văn Vũ Cao và Từ Bích Hoàng được vinh thăng thượng tá, lại thăng vào đúng dịp cả hai nhà văn này đều tròn tuổi 50 (1922 - 1972) làm cả giới văn bút ở “phố nhà binh” vui. Nhiều người gửi hoa, làm thơ và viết câu đối mừng hai bậc đàn anh. Trong số những câu đối mừng, thú nhất câu của nhà văn Xuân Thiều. Câu đối như sau: - Mình năm mươi, cậu năm mươi Ừ nhỉ! Chúng mình tròn trăm tuổi - Đây cấp tá, đấy cấp tá Ờ hay! Hai đứa chẵn đôi quan Đem trăm tuổi, đôi quan vào một câu đối mừng thọ quả là “táo bạo”, ấy thế mà lại rất đắc địa. Nghe nói, sau khi nghe câu này, nhà thơ Vũ Cao đã rất tâm đắc và cười thật lớn!
Chuyện thứ hai: CAO HỔ CỐT, VŨ BA LÊ
Hàng năm, cứ vào dịp áp Tết, những anh em văn hóa - văn nghệ công tác ở các cơ quan dọc đường Lý Nam Đế lại kéo nhau đi dạo chợ hoa Hàng Lược. Sắm sanh thì ít nhưng ngắm nghía thì nhiều. Một năm, nhà thơ Trần Nhương cùng với mấy cây bút trẻ áo lính khác vừa vào cổng chợ đã thoáng thấy nhà văn Vũ Sắc co ro trong bộ đại cán bạc màu đang ngắm nghía một cành đào cùng với anh Cao Hùng (cũng là cán bộ biên tập của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân). Tức cảnh sinh tình, Trần Nhương vừa chỉ tay cho mấy người bạn cùng đi vừa ngâm nga: - Cao Kính, Cao Hùng, Cao... hổ cốt - Vũ Lai, Vũ Sắc, Vũ... Vũ... Đang bí vần, một anh bạn đi cùng đế luôn: Vũ... Vũ ba lê. Trần Nhương lấy làm tâm đắc lắm.
Chuyện thứ ba: MỪNG ÔNG MAI NGỮ, GHẸO BÁC HẢI HỒ
Năm 1998, anh em Văn nghệ quân đội tổ chức mừng thọ hai nhà văn Mai Ngữ và Hải Hồ lên lão 70. Hoa và quà tất nhiên là nhiều rồi, cả rượu nữa, bởi hai ông đều là những nhà văn đàn anh, thuộc diện “khai quốc công thần” của tạp chí. Trong cuộc vui, nhiều kỷ niệm của một thời viết văn, làm báo gian nan, nghèo túng mà vui đã được nhắc tới, công lao đóng góp của hai “cụ” cũng được lớp hậu sinh kể ra. Như mọi lần tổ chức mừng thọ khác, nhà văn Xuân Thiều, tức “cụ” Tú Hói thế nào cũng có câu đối - anh em đoán thế. Quả nhiên, khi cuộc họp mặt đã qua phần trịnh trọng, ông mới chậm rãi đứng dậy xin có mấy lời mừng chúc hai ông bạn già. Rồi ông xin phép được đọc tặng hai người đôi câu đối: - Mai một gì đâu, ý chí kiên Trung nay vẫn Rạng - Lê la là vậy, sức bền củ Ngọc vẫn còn Lưu
Mọi người nghe xong vỗ tay cười nghiêng ngả. Riêng nhà văn Hải Hồ, bấy lâu nay nổi tiếng là người có tài ứng phó, biến báo, mặt cứ đỏ bừng lên. Câu đối của Tú Hói không những đã nói ra được tên thật của hai ông (tên thật của Mai Ngữ là Mai Trung Rạng, tên thật của Hải Hồ là Lê Ngọc Lưu) vẽ ra được cái nết văn chương, nết sinh hoạt của hai ông mà còn “ghẹo” được riêng ông một cách rất tếu táo, rất “đồ Nghệ”.
Chuyện thứ tư: CHẲNG PHẢI ĐÃ NGỜ OAN
Không biết từ đâu truyền tới tai nhà thơ Thanh Tịnh đôi câu đối rất “tệ” thế này: - Thanh, thanh, thanh... Thanh toán, thanh giường, thanh thiếu nữ. - Tịnh, tịnh, tịnh. Tịnh sừng, tịnh gỗ, tịnh nam mô.
Nhà thơ “uất” lắm, điểm mặt “tác giả” của nó thì không ai ngoài mấy “tướng” người nhà dọc Lý Nam Đế. Nhưng cái phố dài có hơn 1.000m này có biết bao nhiêu là bậc “đệ tử” toàn cỡ có hạng cả, biết là ai? Đang bí, bất ngờ có người rỉ tai: “Lê Kim đấy, bác trị cho nó một chưởng!”. Nghe xúi, Thanh Tịnh “săn” Lê Kim một cách rất tích cực. Gặp tác giả Ba thằng một cái chăn bông, Thanh Tịnh dứt khoát sẽ “chơi” cho một đòn. Nhưng chờ mãi không gặp dịp thì một bữa, tác giả Quê mẹ đang diễn thuyết về cái sự về hưu với những câu như thành ngữ tục ngữ kiểu: Tuổi tuy hưu trí, chí không hưu... thì ở dưới bỗng có tiếng đế lên: Đa tình, đa cảm lại đa mưu... Thoắt nhìn xuống, biết đích thị là Lê Kim, ông buông một câu: Đúng rứa, đúng rứa!... chẳng thể ngờ oan!
Chuyện thứ năm: PHẢI CÓ “CỒN CỎ” TRƯỚC TẾT ÔNG TÁO
Nhà văn Vũ Sắc kể, năm 1964, cả nước náo nức với chiến công của chiến sĩ ta ở đảo Cồn Cỏ, người Hà Nội nóng lòng muốn hiểu thêm về “Thái Văn A đứng đó”, về “con cá đua là con cua đá”... nơi hòn đảo lửa xa xôi này. Đứng trước yêu cầu đó, Tổng cục Chính trị giao cho Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nhiệm vụ: Ra sách về Cồn Cỏ. Một nhiệm vụ thật khó khăn mà cũng rất thú vị. Nhưng ai sẽ viết đây, mong Nguyễn Khải, hy vọng ở Nguyễn Khải rất nhiều song người vẫn còn thăm thẳm ở nơi đảo xa chưa thấy về, mà cử người đi tiếp thì không kịp nữa bởi đường đã vời vợi lại bom đạn bời bời!... Thật may, giữa lúc đang bí, được tin có đồng chí Trần Đăng Khoa là đảo phó đảo Cồn Cỏ ra Hà Nội công tác và đang trú tại trạm 66. Thời cơ thật là “ngàn năm có một”, Vũ Sắc bèn rủ Hồ Phương thay nhau “bám đuổi” nhân chứng sống này. Đang khi công việc xuôi xuôi, giữa thời điểm đề cương cuốn sách vừa hoàn thành và tên sách Chúng tôi ở Cồn Cỏ cũng đã được đặt thì hay tin Nguyễn Khải vừa hoàn thành “Họ sống và chiến đấu”, bản thảo đã đặt trên bàn biên tập ở một nhà xuất bản. Nản chí, Hồ Phương đã toan bỏ cuộc không “xông” vào cái đề tài Cồn Cỏ nữa nhưng trước lý lẽ đầy sức thuyết phục của Vũ Sắc - một biên tập viên “cỡ gồng” đầy nhiệt tình, tác giả Cỏ non đã buộc phải lâm vào thế “đâm lao thì phải theo lao”. Một phương án “tác chiến” được gấp rút đề ra: Hồ Phương mỗi ngày phải viết xong một chương, viết đến đâu Nhà xuất bản Quân đội cho đánh máy đến đó. Như vậy là, khoảng 20 ngày sau toàn bộ bản thảo Chúng tôi ở Cồn Cỏ (Trần Đăng Khoa kể, Hồ Phương ghi) phải có mặt ở nhà in Quân đội. Giám đốc nhà xuất bản còn động viên anh chị em công nhân nhà in bằng mọi cách phải có được 15.000 trong tổng số 30.000 cuốn trước Tết Nguyên đán, cụ thể là ngày 23 tháng Chạp Tết ông Táo để kịp thời phục vụ bạn đọc Hà Nội, để các đơn vị bộ đội Hà Nội và vùng phụ cận có sách đọc đón xuân...
Kế hoạch đã được hoàn thành trước thời gian, ngày 20 Tết, Ất Tỵ (1965), quyển mẫu Chúng tôi ở Cồn Cỏ đầu tiên đã được hoàn tất. Đọc Chúng tôi ở Cồn Cỏ, có nhà văn chuyên nghiệp đã phát biểu: “Cồn Cỏ của Nguyễn Khải có cái hay của Khải, Cồn Cỏ của Hồ Phương có cái hay của Phương”. Và một tin vô cùng vinh dự đã đến với tác giả cùng người biên tập là đồng chí thư ký riêng của Bác Hồ cho biết: Bác mệt, phải đọc cho Bác nghe Chúng tôi ở Cồn Cỏ. Nhiều đoạn, Bác bảo đọc lại... Cầm cuốn sách được viết theo kiểu rất con nhà binh trên tay, Hồ Phương xúc động nói cùng Vũ Sắc: “Ước chi mọi biên tập viên đều có “lửa” như ông!”.
Chuyện thứ sáu: ĐẤT TRẮNG, NGƯỜI ĐEN
Một chiều, nhà thơ Vương Trọng đang ngồi tán chuyện cùng mấy bạn thơ thì nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đến, vừa mở túi sách, vừa nhỏ nhẹ: “Tôi có cuốn sách mới, tặng ông”. Vương Trọng trân trọng đỡ bộ tiểu thuyết Đất trắng còn thơm mùi mực từ tay nhà văn cao niên và nói luôn: “Vâng, xin cám ơn anh. Đúng là Đất trắng, người đen, bàn tay trắng”. Mọi người ngồi quanh đều công nhận câu ứng khẩu của anh là rất hợp với cảnh và người của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh. Bởi lẽ, tên sách quả là có chữ trắng, người viết ra nó da dẻ thật là đen và thêm nữa, nhà văn này cũng chẳng mấy giàu có gì, nếu như không nói là chỉ có “hai bàn tay trắng”. Vế ứng khẩu năm ấy của Vương Trọng đến nay hình như vẫn chưa có ai đối được.
Chuyện thứ bảy: BÁNH CHƯNG XẾP LỘN VỚI VĂN CHƯƠNG
Nhà thơ Thanh Tịnh xa quê đúng 30 năm và đón Tết một mình cũng đủ 30 lần. Nhưng với ông, Tết nhất luôn luôn phải vui vẻ. Buồn đến chết, Tết cũng vui, ông hay nhắc đi nhắc lại câu ấy mỗi năm hoa đào nở. Như đã thành tục lệ, dù là “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”, mỗi Tết trong phòng ông đều có bánh chưng, hoa đào và dĩ nhiên là cả báo Tết cùng một vài câu đối do ông sáng tác để mừng xuân, mừng Tết, mừng tuổi bạn bè, người thân... Có một năm, ba mươi Tết rồi mà ông vẫn chưa nghĩ được một vế tiếp theo của đôi câu đối mừng một người bạn rất thân. Nhìn chiếc bánh chưng, cành đào nhỏ và chồng báo Tết của ông, có người bạn tức cảnh làm mấy câu thơ: Tết nhất năm nay bác rất xôm Bánh chưng xếp lộn với văn chương Cành đào hé đúng mười ba nụ Câu đối mừng ai viết nửa chừng Nghe vậy, nhà thơ xứ Huế cười xí xóa: “Mới chiều 30 mà. Thời gian từ đây đến giao thừa còn dài dài. Thế nào rồi cũng xong. Với tui “tuổi tuy hưu trí, chí chưa hưu” mà!
Chuyện thứ tám: KHÔNG ĐƯỢC ĐÙA VỚI LỊCH SỬ
Hồi ấy, Cao Bằng còn xa ngái. Lên được đến đấy đâu có dễ như bây giờ. Trên đường từ Pác Bó về, một đoàn nhà văn Quân đội dừng lại tại một phiên chợ vùng cao để mua ít thứ về làm quà cho gia đình và anh em trong cơ quan. Thôi thì người nào thức ấy: Lê, táo, măng, mộc nhĩ, nấm hương... đủ cả. Duy đoàn chỉ băn khoăn mỗi một điều là không biết mua thứ gì cho bác Thanh Tịnh - một nhà thơ nổi tiếng có tên trong “Thi nhân Việt Nam” (xuất bản từ năm 1942); đồng thời là thủ trưởng mới nghỉ hưu. Một anh trong đoàn có sáng kiến là ra suối lấy một viên đá. Tới nhà, mấy anh em đến chào và tặng bác viên đá kia nói là viên đá lấy từ suối Lênin. Nhà thơ xúc động lắm! Ông đặt viên đá vào nơi trang trọng nhất trong nhà và ai đến chơi cũng giới thiệu đó là viên đá lấy từ suối Lênin... Thời gian trôi qua, trước sự trân trọng thực sự của nhà thơ với kỷ vật đã làm mấy anh em đi Pác Bó năm ấy vô cùng ân hận nên buộc phải thú nhận với ông sự thật về viên đá và ngỏ lời xin lỗi. Nhà thơ rất giận và buồn. Ông bảo: “Mọi chuyện có thể đem ra đùa được, chứ với lịch sử thì không được phép đùa!”.
Chuyện thứ chín: MẮNG ĐỒNG HỒ
Thời trai trẻ, Thanh Tịnh (1911 - 1988) - tác giả của những văn phẩm nổi tiếng như: Tôi đi học, Quê mẹ, Tơ trời và tơ lòng... vốn là một thanh niên nổi tiếng đẹp trai nhưng cũng bị... “mang tiếng” đa tình, hay “đi hoang”. Dẫu vậy, nhà thơ trẻ đó lại là người vô cùng sợ... “bà xã”, mặc dù bà Đào khi ấy hết mực yêu ông, chiều ông. Những đêm từ các cuộc vui trở về, thấy vợ vẫn cứ thắp đèn chờ, ông thương lắm, hối hận lắm, lòng dặn lòng muốn giã từ ngay tức khắc những cuộc chơi. Nhưng rồi, vẫn “chứng nào tật ấy”. Đêm trước hối hận, ăn năn, đêm sau lại thấy đi, mà đi khuya hơn! Một tối, ông về trễ, thấy vợ còn chong đèn chờ và bộ mặt thì tỏ ra bực lắm, giận lắm. Biết thế “nguy”, ông ra sức thanh minh rằng chỗ này có công chuyện, chỗ kia bạn bè nhiệt tình quá, nể... và rằng “cũng còn sớm, chưa khuya”, ông vừa nói đến câu “cũng còn sớm” thì chiếc đồng hồ treo tường cũng vừa “bính boong” đủ hai tiếng báo hiệu đã hai giờ sáng. Không còn lý do gì để bao biện cho mình nữa, Thanh Tịnh bèn đứng dậy, hướng về phía đồng hồ quát: - Một tiếng đủ rồi, răng phải điểm hai? Rõ là đồ... không biết điều! Vợ ông đang giận là thế, nghe ông quát cũng phải... phì cười. Thế là “ngòi nổ” chiến tranh đã được ông tháo gỡ một cách “ngon lành” đến bất ngờ. Ông bảo đêm ấy, dẫu đã quá khuya nhưng đó là một đêm hạnh phúc, thật hạnh phúc.
Chuyện thứ mười: CỔ MẠCH HÀN PHONG CỘNG NHẤT NHÂN
Năm ấy, nghe tin Thanh Tịnh ốm nặng, Đỗ Chu vừa từ Bắc Ninh xuống sang ngay nhà thăm. Lâu ngày, đôi bạn một già, một trẻ mới gặp nhau, chuyện trò vui vẻ đến nỗi Thanh Tịnh như khỏe ra. Ông gượng dậy lấy rượu mời Đỗ Chu và câu chuyện thêm vui, thêm cả buồn lẫn lộn. Nghe Thanh Tịnh nói về cuộc đời phiêu bạt, đơn côi của mình, Đỗ Chu thương lắm. Là người biết ít chữ Hán, chữ lại đẹp, anh bèn cầm cây bút dạ viết luôn câu: Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân (trong bài thơ chữ Hán Dạ hành của thi hào Nguyễn Du) tặng nhà thơ già. Thanh Tịnh trân trọng treo câu thơ đó lên tường sát chỗ giường nằm. Không ngờ mấy ngày sau, bệnh ông càng thêm nặng, ông phải vào Viện Quân y 108... Trước phút tác giả của Quê mẹ về “quê mẹ”, Đỗ Chu cũng có mặt. Nhà thơ còn níu nhìn người bạn văn trẻ và thều thào đọc câu thơ nọ Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân (nghĩa là: Trên con đường nhỏ, gió lạnh dồn thổi vào một người - thơ Nguyễn Du)... Không một ai ở đó khi ấy cầm nổi nước mắt!
Chuyện thứ mười một: BẮT CÁ HAI TAY
Bấy giờ, ở “nhà số 4” - “phố nhà binh”, trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, không nhà văn nào là không mê bóng đá, nhất là những trận có đội Thể công, còn với World Cup, cả tòa soạn “trắng đêm” luôn, mà là trắng đêm tại cơ quan với đại diện đủ các sắc lính, các loại quân hàm: Tướng, tá, úy, sĩ, các ngành nghề chuyên môn: văn, thơ, lý luận phê bình, nhạc, họa; rồi đảng ủy, ban biên tập… Tôi nhớ, sau vòng đấu loại France 98, có phóng viên thể thao tìm đến Văn nghệ quân đội làm cuộc “phỏng vấn chớp nhoáng” các nhà văn, nhà thơ đang công tác tại đây. Những câu hỏi mà phóng viên nọ đặt ra là: 1. Anh thích lối chơi của đội nào? 2. Anh thích nhất cầu thủ nào? 3. Đội nào sẽ vô địch France 98? Và nhận được những câu trả lời không giống nhau: Riêng nhà thơ Trần Đăng Khoa bảo “Lối chơi đẹp nhất là đội Pháp. Tôi yêu tất cả các cầu thủ tham gia ngày hội lớn này. Cúp vàng tất nhiên là đội Pháp… nhưng mà cũng có thể Italia!”... Khi trận chung kết giữa Pháp và Braxin kết thúc với phần thắng thuộc về đội Pháp, các nhà văn, nhà thơ Quân đội xem lại câu trả lời của mình. Người đoán trúng thì vui, đòi người chiêu đãi; kẻ đoán trật thì tảng lờ coi như mình chưa hề dự đoán, chưa hề trả lời cuộc phỏng vấn! Có một bạn đọc ở xa nghe các nhà văn bình luận bóng đá liền viết thư về nói: Trần Đăng Khoa trả lời “thích tất cả các cầu thủ” và đoán “đội Pháp hoặc Italia vô địch” là khôn lỏi, “bắt cá hai tay”. Ông bình luận thêm rằng, với bóng đá thì có thể “bắt cá hai tay” đoán nước đôi được chứ với tình yêu, ông khuyên Khoa không nên bắt cá hai tay, sẽ “xôi hỏng bỏng không!? Và ông làm tặng nhà thơ thần đồng hai câu thơ như sau:
Hai tay ôm trọn hai nồi đất
Chọn một nồi hay để vỡ cả đôi
Trần Đăng Khoa (khi ấy mới chỉ sắp cưới vợ) đọc bức thư xong, chỉ im lặng không nói gì, anh Nguyễn Trí Huân thì mặt cứ đỏ ỏ tía lên và cười trừ, còn nhà thơ xứ Nghệ thì không giấu nổi vẻ hãnh diện!
Thập Tam trại, áp Tết 2024