Thứ ba 24/12/2024 00:05

Chuyên gia thống nhất đề xuất bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng SJC

Các ý kiến bày tỏ đồng tình đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng.

Dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều

Chiều 28/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì cuộc họp toàn thể của Hội đồng. Dự phiên họp có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội đồng cùng các thành viên hội đồng.

Tại phiên họp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình bày báo cáo về diễn biến kinh tế vĩ mô, hoạt động ngân hàng quý I/2024; đề xuất tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tình hình thị trường vàng và các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, điều tiết thanh khoản, cân bằng lãi suất - tỷ giá, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại phiên họp

Lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Tỷ giá diễn biến phù hợp với xu hướng các đồng tiền quốc tế so với USD.

Tín dụng đầu năm tăng thấp chủ yếu do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn chưa cao, tuy nhiên đã phục hồi trong tháng 3/2024. Thanh khoản dồi dào và dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều để các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 và đang rà soát để sửa đổi, bổ sung, gia hạn Thông tư; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình cho vay lâm sản, thủy sản...

Đối với thị trường vàng miếng được sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương; mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần; hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt.

Trong nhiều thời điểm giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ chính thức như trước đây; thói quen, nhận thức của người dân đối với vàng miếng có sự thay đổi; một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế.

Vướng mắc, khó khăn được Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nêu ra là triển vọng kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều bất trắc, khó lường, giá hàng hóa thế giới tăng trở lại, rủi ro lạm phát tiềm ẩn, lãi suất USD và tỷ giá USD quốc tế ở mức cao nên tạo thách thức lớn cho việc điều hành cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Nợ xấu có xu hướng tăng trong bối cảnh tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2023 là 133%, tiềm ẩn rủi ro tài chính. Khả năng huy động vốn trung, dài hạn của tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu vốn đầu tư dài hạn của nền kinh tế.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà chia sẻ tại phiên họp. Ảnh VGP

Phân tích tình hình thế giới và trong nước, các chuyên gia đề xuất các giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; chính sách đầu tư, xây dựng trong đó có nhà ở xã hội; chính sách kích cầu nội địa, thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư tư nhân; "bơm máu" cho doanh nghiệp,…

Các chuyên gia cũng đề nghị sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý để bắt kịp với sự dịch chuyển của kinh tế thế giới nhất là trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất lao động; khẳng định mục tiêu "chống vàng hóa" đã thành công, đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC,…

Thống nhất đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC

Sau khi nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao các chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng đã thảo luận, phát biểu nhiều ý kiến với tinh thần trách nhiệm, nhiều đóng góp rất quan trọng.

Theo các chuyên gia cũng nhận định, nền kinh tế đất nước vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, cần phải có đột phá chính sách nhất là về khơi thông các nguồn lực, đẩy mạnh tiêu dùng, đầu tư tư nhân, quản lý thị trường vàng… để phát triển vững chắc.

TS. Võ Trí Thành: Cần phải có đột phá chính sách nhất là về khơi thông các nguồn lực, đẩy mạnh tiêu dùng, đầu tư tư nhân, quản lý thị trường vàng…. Ảnh VGP
Các ý kiến bày tỏ đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Trước hết, việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ trong thời gian tới cần tiếp tục kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao; bảo đảm cung ứng hàng hóa, thúc đẩy tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước; triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu.

Về quản lý thị trường vàng, ý kiến của các chuyên gia cho rằng, qua 12 năm thực hiện, Nghị định 24 đã đạt những thành công và hoàn thành sứ mệnh. Các ý kiến bày tỏ đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Về chính sách tài khóa, các chuyên gia đề nghị cần tiếp tục có các giải pháp "mạnh dạn hơn"; quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán "không vì một số sự cố mà làm chậm tiến trình này", đồng thời cũng cần thúc đẩy nhanh hơn nữa các giải pháp liên quan đến "tài chính xanh",…

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp thu, nghiên cứu đề xuất các giải pháp để sử dụng hiệu quả dư địa chính sách tài khóa, nhất là các giải pháp liên quan đến thuế, phí,…

Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, nhất là lạm phát, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác để chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cập nhật, hoàn thiện các phương án, kịch bản chỉ đạo, điều hành phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân….

Ngọc Linh
Bài viết cùng chủ đề: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

PGS.TS Trần Đình Thiên: Bộ Công Thương tiên phong cải cách hành chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Ngành Công Thương đóng góp rất lớn tạo bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu nông sản

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Chống lãng phí, tiết kiệm góp phần tăng sức mạnh quốc gia

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025

PGS.TS Trần Đình Thiên: Chống lãng phí phải đi đôi với cải cách thể chế, thông suốt các nguồn lực

Bộ Công Thương: Quyết tâm tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo trong chống lãng phí để phát triển bền vững

Bộ Công Thương hoà cùng ‘dòng chảy’ chống lãng phí, tạo đột phá phát triển trong kỷ nguyên mới

Đường dây 500kV mạch 3: 'Chiến dịch' thần tốc, tiết kiệm và hiệu quả

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long làm việc với đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)

10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024

Đại tá Nguyễn Hữu Sơn chỉ ra 4 giải pháp để phòng, chống lãng phí nguồn lực

PGS.TS. Lê Hải Bình: Chống lãng phí - Điều kiện tiên quyết để đột phá phát triển

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Làm tốt công tác chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Đang diễn ra Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

Nhân sự Trung ương: Thông tin về tổ chức nhân sự tại Quân chủng Hải quân

Thủ tướng: Phải thay đổi quan niệm về chất lượng nhà ở xã hội

Thủ tướng: Cần đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Thủ tướng chúc mừng Giáng sinh 2024 tại Giáo xứ Lào Cai

Chống lãng phí cũng phải quyết liệt, đồng bộ như chống tham nhũng

Thủ tướng: Mong 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng sớm trở thành “thôn kiểu mẫu”, “làng hạnh phúc”