Thứ năm 05/12/2024 02:09

Chuyên gia nêu giải pháp tiếp cận vốn cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi FTA

Ông Nguyễn Cảnh Cường, cố vấn Công ty KTPC, nguyên tham tán thương mại tại Vương quốc Anh đề xuất giải pháp hỗ trợ tín dụng giúp doanh nghiệp tận dụng các FTA.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn chiến lược khi tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, và UKVFTA... Những hiệp định này đã và đang mở ra cơ hội lớn trong hợp tác kinh tế và tháo dỡ rào cản thuế quan, nhưng đồng thời đặt ra thách thức lớn trong lĩnh vực tài chính: Từ cạnh tranh với các định chế quốc tế, áp lực nâng cao chất lượng nhân lực, đến việc dịch chuyển lao động tài chính ra nước ngoài. Để vượt qua những thách thức này, các tổ chức tài chính Việt Nam cần xây dựng đội ngũ chuyên gia am hiểu về FTA, thúc đẩy liên kết đào tạo và đưa ra chính sách thu hút nhân tài, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nhằm làm rõ những yêu cầu và giải pháp cấp bách để thúc đẩy hội nhập tài chính, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Cảnh Cường – cố vấn Công ty KTPC chuyên tư vấn tận dụng FTA, nguyên tham tán thương mại tại Vương quốc Anh.

Ông Nguyễn Cảnh Cường – cố vấn Công ty KTPC chuyên tư vấn tận dụng FTA, nguyên tham tán thương mại tại Vương quốc Anh. Ảnh: H.T

Được biết Công ty KTPC là đơn vị tư vấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp trong việc tận dụng các FTA của Việt Nam, với tư cách là cố vấn cấp cao, ông có thể cho biết trong thời gian qua, trong quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam, vấn đề mà các doanh nghiệp gặp phải nhiều nhất là gì?

Công ty KTPC sở hữu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, nhiều người từng trực tiếp tham gia đàm phán và thực thi các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP. Điều này giúp KTPC trở thành một trong những đơn vị tư vấn hàng đầu tại Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA.

Thời gian qua, ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm đến KTPC để được tư vấn về các vấn đề như: Tìm kiếm đối tác, tiếp cận thị trường, nắm bắt quy định về thủ tục hải quan và các yêu cầu liên quan đến xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn mong muốn nhận được hỗ trợ trong việc tiếp cận các nguồn vốn và quỹ đầu tư không chỉ từ Việt Nam mà còn từ phía đối tác nước ngoài, nhằm tăng cường nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất và thị phần.

Các lĩnh vực doanh nghiệp quan tâm rất đa dạng, từ xuất khẩu nông sản, sản xuất hàng công nghiệp đến các doanh nghiệp công nghệ cao. Điều này cho thấy cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại đang ngày càng thu hút sự chú ý. KTPC tự tin đáp ứng nhu cầu này của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhờ những ưu đãi về thuế, nhiều doanh nghiệp cũng nhận thấy cơ hội kinh doanh từ việc nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia có FTA với Việt Nam. KTPC không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước mà còn tư vấn cho các đối tác nước ngoài về các quy định nội luật hóa cam kết của FTA. Dù các hiệp định thương mại tự do đã ghi rõ các cam kết chi tiết, việc áp dụng vào thực tế vẫn đòi hỏi sự tư vấn chuyên sâu từ đội ngũ giàu kinh nghiệm.

Hơn thế nữa, các doanh nghiệp cũng tìm đến KTPC để tìm hiểu về những chương trình hỗ trợ và công cụ mà Chính phủ Việt Nam cùng các đối tác quốc tế đưa ra nhằm giúp họ tận dụng tốt nhất các cơ hội từ các FTA. Với năng lực và kinh nghiệm của mình, KTPC luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong mọi khía cạnh này.

Vậy từ góc độ là công ty tư vấn cho doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về vấn đề tiếp cận vốn và tín dụng của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong số các khách hàng của KTPC, tỷ lệ các doanh nghiệp cần tư vấn về tiếp cận vốn và tín dụng có nhiều không, chiếm khoảng bao nhiêu %, thưa ông?

Trước khi trả lời câu hỏi, tôi xin phép chia sẻ một vài ý kiến về thực trạng tỷ lệ dư nợ tín dụng của ngân hàng dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Vương quốc Anh. Đúng là tỷ lệ này còn khá thấp. Theo quan sát của chúng tôi tại KTPC, vấn đề này xuất phát từ hai nguyên nhân chính phía doanh nghiệp và phía ngân hàng.

Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị hồ sơ vay vốn đạt chuẩn. Trong bối cảnh các cán bộ tín dụng phải đáp ứng chỉ tiêu về dư nợ và đồng thời đảm bảo an toàn vốn, hồ sơ không đầy đủ hoặc thiếu thông tin thuyết phục thường dẫn đến việc ngân hàng từ chối cho vay. Đối với các cán bộ tín dụng, ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo khả năng thu hồi vốn. Chính vì vậy, họ thường chọn giải pháp an toàn thay vì chấp nhận rủi ro với các hồ sơ không rõ ràng, đặc biệt là từ các doanh nghiệp nhỏ hoặc khách hàng mới.

Về phía ngân hàng, tôi nhận thấy sự khác biệt đáng kể trong năng lực của cán bộ tín dụng giữa Việt Nam và các ngân hàng tại châu Âu. Ở châu Âu, cán bộ tín dụng thường có kinh nghiệm làm việc tại các công ty kiểm toán, quỹ đầu tư hoặc bộ phận quy hoạch đầu tư trước khi chuyển sang lĩnh vực ngân hàng. Nhờ vậy, họ sở hữu kỹ năng phân tích sâu sắc, hiểu rõ hoạt động của doanh nghiệp và đánh giá chính xác khả năng trả nợ. Điều này giúp họ đưa ra quyết định tín dụng hiệu quả và minh bạch hơn.

Ngược lại, cán bộ tín dụng tại Việt Nam thường thiếu kinh nghiệm đa ngành, nhiều người dành cả sự nghiệp làm việc duy nhất trong ngành ngân hàng mà không trải qua các vai trò khác trong lĩnh vực tài chính. Do đó, khả năng phân tích và đánh giá hồ sơ vay vốn của một số cán bộ còn hạn chế.

Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngân hàng và các tổ chức đào tạo để tổ chức các chương trình cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ cho cán bộ tín dụng. Việc này không chỉ giúp ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tận dụng tối đa các cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.

Ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân của những tồn tại liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn và tín dụng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng các FTA?

Tôi cho rằng việc đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ngân hàng là yếu tố rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA). Để làm được điều này, KTPC có thể phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội như Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu. Những chương trình này sẽ giúp cán bộ ngân hàng hiểu rõ hơn về tiềm năng và cơ hội của các doanh nghiệp đang tận dụng FTA, từ đó không chỉ mở rộng cơ sở khách hàng mà còn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả hơn.

Một điểm đáng lưu ý là các ngân hàng châu Âu hiện nay áp dụng rất phổ biến các công cụ hiện đại để đánh giá hồ sơ vay vốn và phân tích rủi ro. Những công cụ này dựa trên dữ liệu và tiêu chí khách quan, giảm thiểu sự phụ thuộc vào cảm tính trong quá trình ra quyết định của cán bộ tín dụng. Nếu các ngân hàng Việt Nam ứng dụng các công nghệ tương tự, sẽ góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiệu quả tín dụng và hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang các thị trường FTA.

KTPC sẵn sàng phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, cùng mạng lưới các chuyên gia, kể cả chuyên gia người Việt tại châu Âu, để triển khai các chương trình đào tạo và nâng cấp kỹ năng. Những chương trình này không chỉ giới thiệu các công cụ hiện đại mà còn chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, giúp ngành ngân hàng Việt Nam đồng hành hiệu quả hơn với doanh nghiệp trong việc khai thác tối đa các cơ hội mà FTA mang lại.

Liên quan đến vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành ngân hàng, Công ty KTPC có định hướng triển khai hoạt động nào không và nếu có thì dự định sẽ phối hợp, triển khai các cơ quan, tổ chức như thế nào, thưa ông?

Sau hơn 15 năm làm việc tại châu Âu và trở lại Việt Nam, tôi rất ấn tượng với sự phát triển công nghệ của ngành ngân hàng tại đây. Các dịch vụ thanh toán qua điện thoại thông minh và ví điện tử không chỉ tiện lợi mà còn vượt trội so với nhiều nước châu Âu. Nhiều đồng nghiệp châu Âu của tôi cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước sự tiến bộ này. Tuy nhiên, một chuyên gia ngân hàng người Pháp với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam từng chia sẻ rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn tồn tại những lỗ hổng trong quản trị rủi ro.

Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua một số sự cố lớn trong ngành ngân hàng, thậm chí có những vụ án phát sinh từ việc quản trị rủi ro không hiệu quả. Chính vì vậy, công tác đào tạo và nâng cao năng lực quản trị rủi ro cho cán bộ ngân hàng là một yêu cầu cấp thiết. Đối với các cán bộ tín dụng, áp lực trong việc đảm bảo an toàn vốn cho vay rất lớn, đặc biệt khi các khoản vay không được thu hồi do rủi ro ngoài tầm kiểm soát hoặc thiếu thông tin quan trọng trong hồ sơ vay vốn. Điều này dẫn đến hai lựa chọn khó khăn: Chấp nhận rủi ro hoặc từ chối cho vay để đảm bảo an toàn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn, đặc biệt là trong việc tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), chúng ta cần đồng thời hỗ trợ ngân hàng và cán bộ tín dụng nâng cao năng lực đánh giá rủi ro và khả năng thu hồi vốn. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn tạo điều kiện cho các quyết định tín dụng linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Với kế hoạch của KTPC, chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong việc tổ chức các chương trình tập huấn, phổ biến và phân tích chuyên sâu về FTA. KTPC mong muốn phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng và các tổ chức liên quan để triển khai những chương trình hướng đến các doanh nghiệp trong các ngành nghề cụ thể, nhằm giúp họ tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Mục tiêu chung của chúng tôi là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và khai thác hiệu quả các lợi thế mà các hiệp định FTA mang lại.

Xin cảm ơn ông!

Huyền Trang
Bài viết cùng chủ đề: Hiệp định EVFTA

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định thương mại tự do (FTA): ‘Đòn bẩy' cho doanh nghiệp tài chính hội nhập

Lãnh đạo Lefaso 'hiến kế' để Cổng FTAP mang lại nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp, địa phương

Cổng FTAP: Địa chỉ tin cậy giúp doanh nghiệp, địa phương tối ưu hóa lợi ích từ FTA

Cổng FTAP: Cung cấp thông tin FTA hữu ích tới cộng đồng doanh nghiệp

'Xanh hóa' để làm chủ 'cuộc chơi' trong Hiệp định RCEP

FTA Index - động lực để Hải Phòng tăng thu hút đầu tư chất lượng cao

Kỳ vọng bộ chỉ số FTA Index sẽ gỡ khó kịp thời cho doanh nghiệp

RCEP - cầu nối giao thương, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand

Đà Nẵng: Trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp dệt may về hệ sinh thái tận dụng FTA thế hệ mới

Các FTA - ‘đòn bẩy’ thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và đối tác châu Mỹ

Tăng tốc xuất khẩu sang Indonesia nhờ khai thác cơ hội từ RCEP

RCEP tạo 'con đường tơ lụa' cho hàng Việt khai thác thị trường ASEAN

Củng cố quan hệ chính trị, tạo đột phá thương mại giữa Việt Nam - Brazil và các đối tác

RCEP thúc đẩy mạnh mẽ giao thương ASEAN - Trung Quốc

Nhiều chuyên gia quốc tế lạc quan về Hiệp định RCEP trong thời gian tới

4 năm ký kết Hiệp định RCEP: Cánh cửa mới mở ra cho doanh nghiệp Việt

Mỹ: Ngành công nghiệp ô tô thay đổi ra sao sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống

Hãng thông tấn Nhà nước UAE có bài nêu bật ý nghĩa chiến lược của Hiệp định CEPA

Báo chí trong nước đưa tin đậm nét mốc lịch sử Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định CEPA

Chính phủ ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định VIFTA