Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn gửi các cơ quan liên quan xin ý kiến về phương án thí điểm thu phí sử dụng 9 tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trước khi trình Chính phủ.
Trả lời phỏng vấn Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng việc thu phí tuyến cao tốc làm bằng tiền ngân sách là vô lý và sẽ khiến phí chồng phí.
“Đường cao tốc xây dựng bằng tiền ngân sách tức là bằng tiền thuế đóng góp của nhân dân. Thu phí tuyến cao tốc Nhà nước đầu tư là bất hợp lý, khiến phí chồng phí và tạo áp lực lớn lên người dân, doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn”, ông Long nói và nhấn mạnh bối cảnh hiện nay nên khoan sức dân để nuôi dưỡng nguồn thu.
Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn nằm trong tuyến đường cao tốc được đề xuất thu phí (Ảnh: VGP) |
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh cũng cho rằng nên xem lại chủ trương thu phí tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Theo chuyên gia, việc áp dụng thu phí đường cao tốc có thể làm tăng chi phí đi lại của người dân, doanh nghiệp. Thứ nữa việc dùng tiền thuế của dân đầu tư xây dựng đường rồi lại thu phí của chính người dân sử dụng đường đó là không hợp lý.
"Tôi cho rằng nên cân nhắc chủ trương thu phí đường cao tốc đầu tư bằng vốn ngân sách vì như thế là không hợp lý", ông Trinh nói.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, cho rằng thu phí ở các dự án đường cao tốc xây dựng bằng nguồn ngân sách sẽ khiến doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực vận tải gặp nhiều khó khăn. Cước vận tải tăng sẽ áp lực lên người dân và cả nền kinh tế. Nhất là trong bối cảnh đại dịch vừa qua và giá xăng dầu diễn biến thất thường. Trường hợp thu phí thì cũng cần làm rõ mức phí và minh bạch sử dụng.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải xin thí điểm thu phí đường bộ và áp dụng công nghệ thu phí không dừng với 9 tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Theo đó, các tuyến đường cao tốc được đề xuất gồm Cao Bồ-Mai Sơn, Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương.
Thời gian thực hiện thí điểm được kiến nghị áp dụng cho đến khi quy định pháp luật về thu phí sử dụng đường cao tốc được Quốc hội thông qua. Thời gian thu thí điểm theo cơ chế phí tối đa là 5 năm kể từ thời điểm đoạn, tuyến đường bộ được triển khai thu phí.
Mức thu phí 9 tuyến đường cao tốc trên sẽ được xác định dựa vào 3 nguyên tắc: Phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc; xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách Nhà nước; tính toán theo từng đoạn/tuyến đường bộ cao tốc cụ thể để đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế xã hội theo từng khu vực.
Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị áp dụng toàn diện thu phí không dừng, đa làn liên thông giữa các đoạn/tuyến cao tốc, giữa các dự án do Nhà nước đầu tư và các dự án PPP.
Tiền thu được sau khi trừ chi phí tổ chức thu, sẽ nộp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước.