Chuyên gia kinh tế bắt bệnh “xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm”
Tại toạ đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm – Thực trạng và giải pháp”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 4/8/2022, nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ nhiều giải pháp nhằm thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ trong quản lý, điều hành giá từ nay đến cuối năm.
Theo đó bên cạnh việc đưa ra các giải pháp, cái cần nhất là tính đồng bộ, đặc biệt tránh những phản ứng thái quá quanh câu câu chuyện về giá cả.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, phải có giải pháp đồng bộ, đặc biệt không nên phản ứng thái quá câu chuyện về giá cả. Cần làm rõ nguyên nhân cụ thể, tăng cấu phần giá, giáo dục, công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông giảm… Có 3 nhóm mặt hàng khiến chỉ số CPI tăng nhanh mạnh vừa qua, chiếm đến 80%. Trong đó, thứ nhất là nhóm hàng giao thông vận tải, chiếm tới 55%, về cơ bản do giá xăng dầu tăng. Thứ hai là lương thực thực phẩm tăng 13% tổng mức tăng CPI. Thứ ba là nhà ở vật liệu xây dựng…
Cần tăng cường thêm ý thức cả DN và người dân, ngoài truyền thông, phải tạo văn hoá kinh doanh, đạo đức kinh doanh của Việt Nam cả trước mắt và lâu dài.
Người dân hoàn toàn có quyền phản ánh về việc giá cả gia tăng. Tuy nhiên, bối cảnh này, Nhà nước, doanh nghiệp, người dân thực hành tiết kiệm, tiết kiệm tốt cũng là một biện pháp phòng chống lạm phát tốt.
“Công điện 679 (ngày 31/7/2022) của Thủ tướng về cơ bản đã xử lý trúng các nhóm này (chiếm 80% tác động vào việc tăng chỉ số CPI) chứ không xử lý dàn trải”- ông Lực phân tích.
Liên quan đến câu chuyện thanh tra kiểm tra giám sát, sẽ phải làm mạnh hơn nhưng “không thể làm hết, không thể làm triệt để nếu ý thức của người dân và doanh nghiệp chưa vào cuộc”, ông Lực nói thêm.
Một khâu lâu nay làm tăng các chi phí giá cả hàng hoá dịch vụ xong dường như còn “giấu mặt” đã được các chuyên gia chỉ ra tại Toạ đàm. Đó là các khâu trung gian.
Các chuyên gia tham gia toạ đàm- Ảnh VGP |
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, khâu trung gian rõ ràng là không thể đánh quả, không thể ăn chênh lệch quá nhiều. Nhất là câu chuyện ép giá người nông dân, bởi người nông dân của chúng ta luôn là người yếu thế. Chỗ này theo chuyên gia, đạo đức kinh doanh là vô cùng quan trọng.
“Rõ ràng cũng phải có biện pháp chế tài chứ không thể để các đối tượng trung gian “ăn” mãi được”- ông Lực bức xúc.
Chia sẻ ý kiến này, ông Vũ Vinh Phú, cựu Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhìn nhận, hiện nay, một viên thuốc, một con lợn, một con cá đi từ bán buôn, bán lẻ rồi lò mổ, rồi vào siêu thị thì một số siêu thị chiết khấu cao, thậm chí chiết khấu còn cao hơn cả lợi nhuận người sản xuất.
“Cần có một chương trình nghị sự về vấn đề này. Ở các nước họ còn luật hóa về phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và như thế sẽ công khai, minh bạch, không thể ai hưởng hơn”
Ông Phú lấy ví dụ, một cân đường ở Thái Lan là 70% lợi nhuận cho người nông dân, người làm ra của cải vật chất cho xã hội, còn 30% là các khâu khác. Nhưng mà ở Việt Nam thì hình như ngược lại. Hay là ở các nước, siêu thị bán giá phải rẻ hơn ở chợ. Ở ta siêu thị lại đắt hơn chợ 30%, trong đó có những yếu tố loại trừ như VAT. Nhưng yếu tố chủ quan của siêu thị đẩy giá lên là có.
“Tôi nghĩ phải chăm chút đến người nông dân, người công nhân, những người làm ra của cải vật chất trong chuỗi cung ứng đó, bởi vì nếu họ thua lỗ thì làm gì có sản phẩm mà ăn, mà xuất khẩu. Đó mới là cái gốc của sự phát triển bền vững”- vị chuyên gia này nhìn nhận.
Liên quan đến những thách thức với mục tiêu “ghìm” CPI ở mức 4%, bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng có ba thách thức.
Thứ nhất là giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, các nguyên liệu như xăng dầu, vật tư công nghiệp rồi các mặt hàng nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước và các mặt hàng khác, giá sẽ có những biến đổi phức tạp.
Thứ hai là việc thực hiện lộ trình giá thị trường với mặt hàng Nhà nước quản lý theo Nghị định 60 của Chính phủ, giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giao thông vận tải, giáo dục dạy nghề.
Thứ ba là nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai lũ lụt vẫn có thể xuất hiện và xảy ra, gây khó khăn trong chuỗi cung ứng dịch vụ.
Một câu hỏi được đặt ra là có mặt hàng nào cần đưa vào nhóm hàng cần bình ổn giá hay không. Về câu hỏi này bà Nương cho rằng trước hết, Bộ Tài chính, các bộ quản lý ngành tập chung đôn đốc, tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình giá cả thị trường và chuẩn bị các phương án, các kịch bản dự báo để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
“Trường hợp có mặt hàng biến động giá lớn thì căn cứ các pháp luật về giá, Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với bộ quản lý chuyên ngành tham mưu cho Chính phủ, báo cáo Quốc hội đưa những mặt hàng đó vào danh mục bình ổn giá”- vị chuyên gia này thông tin.