Chuyển đổi số: Nâng cao hiệu quả trong công tác giảm nghèo
Thiếu hụt thông tin ở nhiều vùng, miền
Thiếu hụt thông tin là một trong những chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong bộ tiêu chí nghèo đa chiều. Năm 2020, Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam cho thấy: Những năm gần đây, tài sản của hộ gia đình dân tộc thiểu số đã được cải thiện khá nhanh chóng cả về chủng loại và giá trị so với năm 2015.
Ngày càng nhiều phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi tự tin bán hàng qua mạng |
Trong đó, mức độ sử dụng điện thoại, bao gồm điện thoại cố định và di động, đặc biệt là điện thoại thông minh, máy vi tính, có kết nối internet có thể phản ánh mức độ tiếp cận thông tin phục vụ sản xuất và đời sống của hộ gia đình dân tộc thiểu số. 92,5% hộ gia đình dân tộc thiểu số có sử dụng điện thoại, tăng 17 điểm phần trăm so với năm 2015 là 75,6%.
Đáng nói, trong các vùng kinh tế - xã hội, Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình dân tộc thiểu số sử dụng điện thoại thấp nhất 84,6%. Một số dân tộc thiểu số vẫn có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng điện thoại khá thấp, đặc biệt hộ gia đình dân tộc thiểu số do nữ là chủ hộ, như La Hủ 34,6%, Chứt 51,0%, Rơ Măm 54,8%, Bru Vân Kiều 63,6%, Xơ Đăng 65,2% và Ba Na 68,5%.
Về sử dụng máy vi tính, 10,3% hộ gia đình dân tộc thiểu số có sử dụng, tăng +2,6 điểm phần trăm so với năm 2015 (7,7%). Tương tự như sử dụng điện thoại, khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình dân tộc thiểu số có sử dụng máy vi tính thấp nhất 5,0%, Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung 5,7%. 29/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng máy vi tính dưới 5%.
Ngoài ra, do phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các khu vực biên giới, vùng núi, nơi có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế nên còn nhiều rào cản khiến đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin.
Thêm vào đó, một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa không biết tiếng phổ thông cũng là rào cản khiến đồng bào dân tộc thiểu số khó tiếp cận thông tin thông qua các ấn phẩm in...
Nhận định của giới chuyên gia, việc hạn chế tiếp cận thông tin là một trong những nguyên nhân khiến công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nguy cơ tái nghèo luôn thường trực.
Cần phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Chuyển đổi số trở thành xu hướng chung của quốc tế cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân và được xem như cách để tồn tại trong thế giới số hiện nay.
Tại Việt Nam, Thủ tướng đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia với 8 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đây là lĩnh vực quan trọng cần chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian tới.
Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Tiểu dự án “Giảm nghèo thông tin” (thuộc Dự án 6) xác định việc tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Tiểu dự án đặt mục tiêu đảm bảo 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực này.
Đại diện Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng điểm giai đoạn tới là thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ người nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin để họ chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo, từng bước hòa nhịp chuyển đổi số quốc gia.
Nhiều địa phương đã tích cực triển khai, điển hình như tại Quảng Nam, tỉnh này xây dựng phần mềm trực tuyến riêng để quản lý hồ sơ, danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua đó công khai minh bạch danh sách và kiểm soát chặt chẽ số lượng, danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, diễn biến nghèo của từng địa phương.
Hay tại xã Vi Hương (Bắc Kạn), chuyển đổi số giúp người dân tạo môi trường kết nối chia sẻ nhờ những nguồn lực sẵn có như zalo, xây dựng trang web bán nông sản trên facebook, trên các sàn thương mại điện tử Postmar, shopee, Postmart, vận chuyển hàng hóa cho bà con… Doanh thu từ bán nông sản của bà con tăng từ 1 - 2 triệu lên 4 - 5 triệu đồng.
Để chuyển đổi số thành công cần có sự đầu tư nguồn lực |
Các chuyên gia khẳng định, thông tin và truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng với người nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Một trong những nhiệm vụ trọng điểm giai đoạn tới là thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin để họ chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo, từng bước hòa nhịp chuyển đổi số quốc gia.
Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), để chuyển đổi số thành công, cần phải có sự đầu tư nguồn lực, quyết tâm thực hiện của tất cả thành phần trong xã hội, đặc biệt phải khắc phục ngay những hạn chế hiện nay.
Các địa phương tập trung vào nhiều giải pháp như: Phát triển hạ tầng số, hạ tầng cáp quang băng rộng, dịch vụ Internet cáp quang băng rộng đến khu vực hợp tác xã phục vụ triển khai ứng dụng số, kết nối, lựa chọn các nền tảng hỗ trợ; thúc đẩy chuyển đối số, ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất, triển khai mô hình điểm và chính sách hỗ trợ mô hình điểm cho các hợp tác xã chuyển đổi số...
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có nội dung: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với mục tiêu nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin góp phần giảm nghèo thông tin; thúc đẩy quá trình sản xuất hàng hóa và tiêu thụ hàng hóa nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số với các địa bàn trong cả nước. |