Chuyển đổi số: “Chìa khóa” quan trọng xây dựng hải quan số
Giảm chi phí logistics, thông quan nhanh hàng hoá
Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay, Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0; coi đây là động lực rất quan trọng trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
Việc chuyển đổi số giúp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan |
Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan, việc đẩy mạnh chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là chìa khóa và là cơ sở vô cùng quan trọng để xây dựng hải quan số và hải quan thông minh theo chủ trương chung của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính về đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời gian tới.
"Việc đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành hải quan mang lại lợi ích to lớn không chỉ đối với ngành hải quan mà còn mang lại lợi ích cho đất nước, cho hoạt động xuất nhập khẩu, của doanh nghiệp, các bộ, ngành và các bên liên quan" - đại diện Tổng cục Hải quan cho biết.
Cụ thể, đối với ngành hải quan, việc thực hiện chuyển đổi số sẽ giúp đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, nâng cao năng suất lao động của cán bộ, công chức hải quan; cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Đặc biệt, việc chuyển đổi số giúp cho việc thực hiện thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện thông qua hệ thống công nghệ thông tin và nguồn dữ liệu lớn với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)...
Các hoạt động nghiệp vụ hải quan được quản lý tự động trên môi trường số cả trước thông quan, trong thông quan và sau thông quan, đảm bảo quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Ngoài ra, việc thực hiện chuyển đổi số còn mang lại các lợi ích to lớn như: Quá trình thực hiện các hoạt động quản lý hải quan hiệu quả nhờ năng suất lao động cao hơn cho cả cơ quan hải quan và các doanh nghiệp; sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn; giảm chi phí cho cả cơ quan hải quan và các đối tác thương mại thông qua thông quan nhanh hàng hoá; thông tin kịp thời và chính xác hơn; khả năng kiểm soát tốt hơn; giảm tình trạng tắc nghẽn tại cảng, sân bay.
Tự động hoá thủ tục hải quan gắn liền với trao đổi thông tin điện tử như dữ liệu về hàng hoá và khai báo về hàng hoá, cho phép xử lý thông tin trước khi hàng đến hoặc trước khi hàng đi. Với thông tin đã có sẵn, quyết định giải phóng hàng hoá có thể được thực hiện ngay khi hàng hoá nhờ sử dụng phương thức điện tử.
Việc thực hiện chuyển đổi số của ngành hải quan cũng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Thời gian thông quan hàng hóa nhanh chóng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục, cho phép doanh nghiệp khai báo và thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện…
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số của ngành hải quan góp phần nâng cao năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong quản lý của các bộ, ngành, thúc đẩy hình thành Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở Việt Nam.
Cụ thể, các bộ, ngành và các bên liên quan được chia sẻ thông tin về các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu thông qua hệ thống mà không phải đề nghị cơ quan hải quan cung cấp khi phát sinh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nói chung, là cơ sở đế phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở Việt Nam.
Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành hải quan số
Tại Quyết định số 707/QĐ-TCHQ phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn vừa ký ban hành mới đây, đã đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan một cách toàn diện, đồng bộ với chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các bộ, ngành trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN nhằm hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (phi giấy tờ).
Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành hải quan số, trong đó thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý nhà nước về hải quan với hệ thống công nghệ thông tin có mức độ tích hợp cao, có tính mở, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng toàn diện nhu cầu xử lý tự động tất cả các khâu nghiệp vụ hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối, thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc - mọi nơi - trên mọi phương tiện và nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng thông tin trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Quyết định nêu rõ, 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (5% thuộc hồ sơ đặc biệt như hồ sơ mật, hồ sơ sử dụng khi hệ thống gặp sự cố....); 100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được chuyển sang dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa.
100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; cung cấp dịch vụ công trực tuyến 24/7...
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, nhiệm vụ chuyển đổi số ngành hải quan tập trung vào 03 nhiệm vụ lớn sau: Thứ nhất, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ hải quan với việc triển khai thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện hải quan số theo Quyết định số 97/QĐ-BTC ngày 26/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN với việc phát triển hệ thống công nghệ thông tin theo định hướng xử lý tập trung, đáp ứng yêu cầu triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
Thứ ba, Chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu và chuyển đổi số trong công tác quản lý nội ngành như công tác quản lý văn bản, hành chính, công tác quản lý cán bộ, kế toán nội ngành...