Những cách làm sáng tạo để chuyển đổi số Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn Thủ tướng chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 |
Những chuyển biến tích cực
Nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, 30/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Chương trình, Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm.
Năm 2023, đã có 80.698 tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập tại 63/63 tỉnh, thành phố (tăng 11.765 tổ so với năm 2022); 378.941 thành viên tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, phố (tăng 58.102 thành viên tổ so với năm 2022).
Hoạt động chuyển đổi số tại ngành điện lực |
Tính đến 15/11/2023 đã có 22,307 triệu lượt truy cập vào nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch; đã cung cấp 48 khóa học cho nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin và công chức, viên chức cơ quan nhà nước, đã bồi dưỡng tập huấn được 304.397 lượt cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương.
Số lượt doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx (hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số) ước đạt 1.072.000 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số SMEdx ước đạt 197.000 doanh nghiệp (tăng 2,5 lần so với năm 2022). Ngoài ra, tổng số lượt tải ứng dụng trên thiết bị di động ước đạt 3,49 tỷ lượt.
Chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam từ 2020 đến 2022 tăng 48%, từ 0,48 lên 0,71. Năm 2023, chỉ số này dự báo đạt 0,75. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2023 tiếp tục tăng 19%, cao nhất khu vực Đông Nam Á, cao hơn gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Các giao dịch thanh toán trên môi trường mạng tăng 66% về tổng số giao dịch và tăng 4% về giá trị giao dịch.
Có 64 ứng dụng, nền tảng số Việt Nam có số lượng tài khoản người dùng thường xuyên hàng tháng trên 01 triệu với tổng số tài khoản người dùng là 376,7 triệu, trong đó 43 ứng dụng có từ 01 đến dưới 05 triệu tài khoản người dùng hằng tháng, 14 ứng dụng có từ 5 đến dưới 10 triệu tài khoản người dùng và 7 ứng dụng có trên 10 triệu tài khoản hoạt động hằng tháng.
Việt Nam cũng nằm trong Top 6 các quốc gia có nền tảng số bản địa có số lượng người dùng hàng tháng (MAU) trên thị trường trong nước lớn nhất (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản).
Đến hết năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528 thủ tục hành chính liên quan đến công dân. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu mang lại kết quả cụ thể, giải quyết được các bài toán liên ngành mà trước đây rất khó giải quyết triệt để.
Chuyển đổi số đã được xem là “động lực” trong phát triển của nhiều địa phương. Đơn cử, chuyển đổi số tại Hải Phòng đang có được sự chuyển biến rất nhanh chóng, với nhiều kết quả tích cực: 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức 4 (hơn 1.700 dịch vụ), năm 2023 xử lý hơn 956.000 hồ sơ trực tuyến, chiếm 90.7% tổng số hồ sơ, tăng rất nhanh chóng từ 20% năm 2021, 60,2% năm 2022. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm đến 50%. Tỷ trọng gia tăng kinh tế số ICT/GDP ước đạt 24,5%...
Nhấn mạnh chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích cho mỗi người dân và toàn bộ nền kinh tế, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, chuyển đổi số đang là xu hướng phát triển chung của toàn thế giới. Việt Nam cũng đang hòa mình vào xu hướng chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng như: Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… với trọng tâm chính là việc thúc đẩy quá trình ứng dụng các công nghệ 4.0 và thực hiện chuyển đổi số trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Đưa mọi hoạt động kinh tế - xã hội lên môi trường số
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, về lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, phấn đấu tỷ lệ hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến đạt 70%. Tổng số giao dịch thực hiện qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) lớn hơn 860 triệu giao dịch.
Ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, phạm vi khác nhau |
Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu trong các chương trình, chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý điều hành nhà nước. Xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) với tốc độ tăng trưởng giao dịch thực hiện qua NDXP trung bình 20%/năm.
Hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và đào tạo, sát hạch kỹ năng số cơ bản cho người dân; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số năm 2025.
Định hướng đến năm 2025, chuyển từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số quốc gia. Chuyển từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, thực hiện sứ mệnh đưa mọi hoạt động kinh tế - xã hội lên môi trường số, toàn dân và toàn diện.
Đến năm 2025, tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Phát triển hạ tầng số cho Chính phủ số, ổn định, an toàn, thông suốt, đến cấp xã trên cơ sở tái cấu trúc Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước cấp I, mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II, mạng diện rộng tại các bộ, ngành, địa phương và mạng Internet băng rộng. Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số.
Sử dụng công nghệ mở, nền tảng mở tạo thành hệ sinh thái phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số như nền tảng họp trực tuyến, nền tảng hỗ trợ làm việc từ xa trên môi trường số, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số thương mại điện tử, nông nghiệp chính xác, du lịch thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, giao thông thông minh, xây dựng, tài nguyên và môi trường điện tử, nội dung số, dịch vụ kế toán, tài chính điện tử, đô thị thông minh, ngân hàng số nhằm hỗ trợ mỗi người, mỗi hộ dân, mỗi doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu và thúc đẩy tất cả mọi người kinh doanh làm giàu, xóa bỏ khoảng cách và phát triển bền vững khu vực nông thôn bằng chuyển đổi số và các giải pháp số...