Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa
Giảm thiểu rác thải nhựa đã không còn là phong trào, khi ngày càng nhiều các “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tái chế nhựa “bắt tay” hợp tác nhằm đẩy mạnh thu gom, tái chế chất thải nhựa.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa DTR và Lavie. Ảnh: D.T |
Hướng đến tái chế 11.000 tấn rác thải nhựa vào năm 2027
Theo Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh là 2,9 triệu tấn (gồm 1,6 triệu tấn ở đô thị, 1,3 triệu tấn ở nông thôn) và có tốc độ gia tăng khoảng 5%/năm. Tổng lượng rác thải nhựa được thu gom 2,4 triệu tấn (1,55 triệu tấn ở đô thị, 0,85 triệu tấn ở nông thôn). Tuy nhiên, chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa (tương đương 31%) được phân loại cho tái chế và 0,77 triệu tấn rác (27%) được tái chế. Tổng thất thoát chất thải nhựa vào môi trường là 0,42 triệu tấn (15%).
Trước thực trạng trên, vừa qua, Công ty TNHH LaVie (LaVie), thành viên của Tập đoàn Nestlé và Công ty Nhựa tái chế Duy Tân (DTR) - hai doanh nghiệp thuộc Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) - đã ký Biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác thúc đẩy thu gom, tái chế rác thải nhựa nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ngoài môi trường, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa. Qua đó, đóng góp vào mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế.
Ông Rabie Issa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH LaVie - khẳng định: Nền kinh tế tuần hoàn chính là trọng tâm cam kết bền vững của LaVie. Theo kế hoạch chiến lược 5 năm từ nay đến hết năm 2027, LaVie và DTR hướng đến mục tiêu thu gom và tái chế 11.000 tấn rác thải nhựa. Đây là một bước tiến không chỉ góp phần giảm thiểu việc sử dụng nguyên liệu nhựa mới (nhựa nguyên sinh) mà còn đem lại cơ hội tái sinh cho mỗi vỏ chai được thu gom, góp phần tạo động lực cho các dự án thu gom và tái chế tại Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn để biến rác thải thành tài nguyên thay vì thải ra môi trường. Theo đó, từng bước giúp người tiêu dùng có một cách nhìn mới về các giải pháp đối với vấn đề rác thải hiện nay.
Nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu
Là doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai đầu tiên tại Việt Nam hợp tác với DTR để phát triển, đánh giá, phê duyệt và sử dụng hạt nhựa tái chế dùng cho thực phẩm (Food Grade Recyclable Plastic) trong sản xuất bao bì, LaVie đã đặt mục tiêu giảm 1/3 lượng nhựa nguyên sinh trong các sản phẩm của công ty vào năm 2025 (so với năm 2019).
Theo đó, LaVie đã và đang thực hiện thông qua một chuỗi các hành động như: Sử dụng nhựa tái sinh, sử dụng vật liệu thay thế nhựa, thiết kế bao bì có thể tái chế hoàn toàn (bao bì sinh thái). Đặc biệt, hợp tác với các đối tác để thúc đẩy mô hình thu gom và tái chế bao bì tại Việt Nam, đồng thời xây dựng, hoàn thiện và tham gia vào cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Trước sức ép về môi trường do rác thải nhựa mang lại, tháng 6/2019, Nhà máy Nhựa tái chế Duy Tân được khởi công xây dựng tại Cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa Hạ (tỉnh Long An). Nhà máy có tổng công suất 100.000 tấn/năm, dây chuyền sản xuất hiện đại nhập khẩu mới từ châu Âu. Ngoài các tiêu chuẩn ISO cho hệ thống quản lý, sản phẩm của công ty đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận từ Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) là minh chứng cho chất lượng sản phẩm hạt nhựa tái sinh an toàn cho sức khỏe, phù hợp để sản xuất bao bì cho thực phẩm, bao gồm cả nước uống.
Hợp tác là một phần trong kế hoạch thực hiện mục tiêu có thể tái chế, tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm tới năm 2025 của Công ty La Vie và Tập đoàn Nestlé. Mục tiêu này xuất phát từ tầm nhìn: Không có bao bì nào của tập đoàn trở thành rác thải sau khi sử dụng. |