Chưa xử phạt người dân do không phân loại rác
Liên quan đến thông tin từ ngày 25/8 người dân sẽ bị phạt tiền nếu không phân loại rác thải, Tổng cục Môi trườngcho biết hiện chưa thực hiện
Theo đó, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các địa phương trên cả nước phải thực hiện phân loại tại nguồn. Thời điểm phân loại rác tại nguồn cụ thể tại từng tỉnh/thành phố sẽ do UBND tỉnh quyết định. Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn thực hiện theo quy định trong Luật bảo vệ môi trường và các văn bản liên quan.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế cho nghị định 55 năm 2021), trong đó quy định phạt tiền từ 0,5-1 triệu đồng với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 khiến nhiều người hiểu từ ngày này, người dân không phân loại rác tại nguồn sẽ bị xử phạt, gây xôn xao dư luận.
Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Môi trường, cách hiểu trên chưa chính xác. Ngày 25/8, Nghị định 45 có hiệu lực chứ chưa phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt với hành vi phân loại rác tại nguồn.
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Sau khi Bộ Tài nguyên & Môi trườngban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác thải, các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác… ở địa phương mình để quy định chi tiết việc này.
Lộ trình thực hiện chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Luật cho 3 năm để triển khai áp dụng chế tài này.
Ngoài việc xử phạt người dân, hộ gia đình không phân loại rác tại nguồn, Nghị định 45 cũng quy định phạt tiền 20-25 triệu đồng với hành vi không phân loại tại nguồn với chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Như vậy, đến ngày 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Đến thời điểm đó, nếu không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Chất thải rắn sinh hoạt sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại vào các bao bì để chuyển giao như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với chủ đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với lượng, loại chất thải phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư tập trung cũng bị phạt tiền từ 200-250 triệu đồng.
Quy định phân loại rác tại nguồn đã có từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn do sự thiếu đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý.
Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy phân loại rác tại nguồn như các hộ dân phải mua bao bì chuyên dụng để đựng rác và phân loại rác, thực hiện theo nguyên tắc người xả rác nhiều phải trả nhiều tiền, áp dụng xử phạt nguội với hành vi không phân loại rác tại nguồn hay vứt rác bừa bãi.
Luật cũng quy định việc rác thải được phân làm 3 loại gồm chất thải rắn có khả năng tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.