Chưa đấu thầu vàng dù chênh lệch giá cao bất thường
- Vụ trưởng Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Ngọc cảnh cho biết chênh lệch giá cao nhưng điều kiện thị trường hiện tại chưa tới mức phải tổ chức đấu thầu để cung ứng vàng.
"Nhu cầu vàng miếng trong dân vẫn hầu như không có. Ngân hàng Nhà nước chưa có kế hoạch tổ chức đấu thầu", Ông Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh.
Hiện Ngân hàng Nhà nước là kênh duy nhất cung ứng vàng cho thị trường. Tuy nhiên, sau giai đoạn cấp tập đấu thầu hỗ trợ hoạt động tất toán của các ngân hàng và đảm bảo cung cầu thị trường, kể từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa tổ chức thêm phiên nào.
Đầu tuần này, lần đầu tiên kể từ tháng 6 năm ngoái, giá vàng thương hiệu SJC lại nới rộng khoảng cách với thị trường quốc tế lên 5 triệu đồng. Đây là kết quả sau một thời gian thị trường quốc tế liên tục đi xuống còn vàng trong nước chỉ điều chỉnh dè dặt.
Nửa năm trước, mức chênh trên chỉ ở 1,3 triệu đồng. Từ đó đến nay, vàng SJC hạ nhiệt 400.000 đồng mỗi lượng, trong khi giá quốc tế giảm 150 USD một ounce, tương đương mỗi lượng hạ 3,8 triệu đồng.
Chênh lệch giá lớn được lý giải dù nhu cầu không lớn và đột biến nhưng thị trường thời gian qua chỉ có người đi mua mà không bán. "Giá cả hiện không phải do một thế lực cụ thể nào quyết định mà do toàn cung cầu thị trường", ông Lê Xuân Tùng, Giám đốc Công ty vàng Phú Quý nhận định. Còn chuyên gia vàng Trần Thanh Hải, một doanh nhân lâu năm trên thị trường vàng cho biết do thị trường chỉ có người mua, ít lực bán xả hàng nên không ai chịu giảm giá.
"Nếu Ngân hàng Nhà nước gửi email mời dự đấu thầu vàng vào thời điểm này, chúng tôi cũng không tham gia vì không có nhu cầu, lực mua lẫn bán vàng miếng nhìn chung đều ảm đạm", ông Lê Xuân Tùng, Giám đốc doanh nghiệp vàng Phú Quý ở Hà Nội nói.
Theo giới chuyên gia, thiệt hại nhất khi chênh lệch giá vàng tăng là người tiêu dùng, nhất là những người tích cóp từng chỉ vàng. |
Tuy nhiên ông Trần Thanh Hải - một chuyên gia lâu năm trên thị trường khuyến cáo chênh lệch giá vàng kéo dài sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, chênh lệch giá quá cao sẽ kích thích nhu cầu nhập lậu, từ đó khiến tỷ giá tăng bất thường cả trong ngân hàng và thị trường tự do. Mặt khác, người mua vàng sẽ chịu thiệt thòi khi phải bỏ ra thêm 5 triệu đồng so với người dân nước khác để mua một lượng vàng.
"Nhất là với những người nông dân, công nhân, thu nhập thấp, họ càng bị thiệt. Do không có nhiều tiền để mua bất động sản, không có kiến thức đầu tư chứng khoán, lãi suất tiết kiệm thấp so với tốc độ trượt giá, họ chỉ còn cách đi mua vàng. Mỗi khi bán xong vụ tôm hay vụ tỏi, tích cóp được chút tiền, người dân dành mua một vài chỉ. Với giá vàng hiện ở 3,6 triệu một chỉ, cứ mua đủ một lượng thì họ thiệt 1,4 chỉ", ông Hải nói tiếp.
Trong khi thị trường vàng miếng chênh lệch giá cao, mua bán ế ẩm, thị trường vàng nữ trang khá hơn khi đã nhiều lực mua chuẩn bị cho mùa cưới bắt đầu tăng. Vàng nữ trang bốn số 9 (hàm lượng tương đương vàng miếng SJC) có giá không giống nhau ở các nơi. Có cửa hàng bán với giá 32,2 đến 32,4 triệu đồng (chưa tính công) như Bảo Tín hay PNJ, có nơi niêm yết ngang bằng với giá vàng SJC như Doji - hiện ở quanh 35,95 đến 36 triệu đồng mỗi lượng.
Tại Doji, dù giá vàng trang sức 9999 được mua vào - bán ra ngang giá SJC nhưng doanh số tháng 8 cao gấp đôi khi ra mắt sản phẩm vào tháng 7. "Nhiều người mua phục vụ cho mùa cưới. Khách mua nhiều trong khi số người mang đến bán lại hầu như rất ít, phần lớn khách mua để đeo và tích trữ chứ chưa có nhu cầu bán lại", một đại diện của Doji cho hay.
Theo VnExpress