Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam: Gợi mở những giải pháp phát triển cho địa phương
Tham dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường cho biết: trong 6 tháng đầu năm 2022, trước sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 đợt thứ tư, song, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã kiên cường vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, thực hiện tốt Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và triển khai nhiệm vụ chính trị đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP Quảng Nam đạt 12,8% so với cùng kỳ năm 2021 |
Tình hình kinh tế - xã hội có những tín hiệu hết sức khả quan: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 12,8% so với cùng kỳ năm 2021; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 22%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,4%; tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 2.390 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch dần phục hồi và khởi sắc trở lại khi Quảng Nam đăng cai Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, khách du lịch đến Quảng Nam tăng gấp 07 lần so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế tăng gấp 06 lần. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 18.681 tỷ đồng, bằng 78,8% dự toán Trung ương giao, tăng 43,6% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa đạt hơn 13.600 tỷ đồng, bằng 71,6% so với dự toán năm, tăng 30,5%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5.081 tỷ đồng, đạt 108% dự toán năm. Dự báo khả năng thu ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn thành dự toán năm và có khả năng vượt kế hoạch đề ra.
Trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ phát triển mạnh kinh tế biển và vùng đồng bằng ven biển; tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi. Đầu tư phát triển vùng ven biển trở thành chuỗi đô thị - trung tâm dịch vụ, du lịch - công nghiệp sạch - nông nghiệp an toàn. Phấn đấu đưa kinh tế biển và vùng đồng bằng ven biển của tỉnh phát triển mạnh gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng và triển khai Đề án hỗ trợ bảo tồn, phát huy một số loại hình văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2022 - 2026. Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối giữa đồng bằng và miền núi. Phát triển trồng rừng sản xuất, rừng gỗ lớn, cây nguyên liệu, dược liệu, sâm Ngọc Linh.
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường đề nghị Quốc hội quan tâm, ủng hộ về cơ chế, chính sách và tạo điều kiện để tỉnh Quảng Nam phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, dự án đã được thống nhất chủ trương: Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai gắn với Khu phi thuế quan Tam Quang; Khu phức hợp giáo dục đại học theo tiêu chuẩn quốc tế và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án Làng Đại học thuộc Đại học Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan đã trao đổi, làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến các đề xuất của tỉnh Quảng Nam như: việc triển khai Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai gắn với Khu phi thuế quan Tam Quang; Khu phức hợp giáo dục đại học theo tiêu chuẩn quốc tế và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án Làng Đại học thuộc Đại học Đà Nẵng; cơ chế, nguồn lực đầu tư nâng cấp các tuyến Quốc lộ 14B, Quốc lộ 14G, Quốc lộ 14D... để phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế Đông – Tây; chủ trương sáp nhập một số đơn vị cấp huyện liên vùng với thành phố Tam Kỳ để xây dựng đô thị Tam Kỳ đảm bảo tiêu chí đô thị loại I; giao dự toán thu, tỷ lệ điều tiết ngân sách phù hợp, tạo điều kiện cho địa phương hoàn thành chỉ tiêu thu, đảm bảo ổn định nhiệm vụ chi; điều chỉnh tỷ lệ nguồn vượt thu của địa phương theo hướng trích 50% cho công tác cải cách tiền lương, 50% cho công tác đầu tư phát triển của địa phương...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, Quảng Nam có vai trò, vị trí quan trọng và nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững: diện tích đứng thứ 6 cả nước, dân số 1,5 triệu người đứng thứ 3 vùng duyên hải Nam Trung Bộ và thứ 18 cả nước; có cảng biển, cảng hàng không, đường biên giới và đường bờ biển dài, có 3 di sản văn hóa thế giới (cả nước có 5 di sản văn hóa)…Thời gian qua, phát triển kinh tế của tỉnh đã khai thác khá tốt các tiềm năng, lợi thế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế của tỉnh Quảng Nam. "Quảng Nam chưa có quy hoạch đồng bộ, hạ tầng giao thông nhất là hạ tầng giao thông kết nối chưa được đầu tư tương xứng, thiếu nguồn lực đầu tư (nhất là thiếu cơ chế huy động vốn, đất đai…), chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, là tỉnh có diện tích rộng, nhiều huyện miền núi còn khó khăn 6/15 huyện… vì vậy việc thu hút đầu tư trong phát triển còn hạn chế”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao, biểu dương các thành tích mà Quảng Nam đã đạt được. Ông đánh giá Quảng Nam có nhiều lợi thế, điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn còn thấp so với trung bình của cả nước.
Với những lợi thế mà Quảng Nam có được: nằm trong trục giao thông chính từ Bắc vào Nam; thuộc vùng duyên hải và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hành lang kinh tế Đông - Tây; có đường biên giới với Lào và đường bờ biển dài; điều kiện tự nhiên vừa có núi, có rừng, vừa có biển, vừa có cảng biển, vừa có cảng hàng không, đường sắt; là nơi triển khai mô hình Khu kinh tế mở đầu tiên trong cả nước; có 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là Hát bài chòi... Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Quảng Nam thực sự có tiềm năng lớn để phát triển, có triển vọng đột phá không chỉ trước mắt mà còn cả lâu dài, không chỉ phát triển nhanh mà còn có dư địa để phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tỉnh Quảng Nam cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trong quý 4 năm nay, bám sát Nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội về công tác quy hoạch và hướng dẫn của Chính phủ. Trong đó, phải thể hiện được tư duy, tầm nhìn phát triển trong Quy hoạch tổng thể này để định hướng cho tương lai, đặt trong khung khổ phát triển vùng mà tới đây Bộ Chính trị sẽ xem xét, ban hành Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ. Đồng thời, phải hết sức chú ý tính kết nối của Quảng Nam với Quảng Ngãi và các địa phương trong Hành lang kinh tế đông tây, mở rộng không gian phát triển cho tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân, tạo sự bứt phá cho tỉnh thời gian tới. Quan tâm tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch, giáo dục, y tế theo hướng linh hoạt, thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam kiên quyết rà soát xử lý các dự án treo, dự án chậm tiến độ, các dự án đang vướng mắc sau kết quả thanh tra, kiểm tra… đảm bảo tính quyết liệt, chủ động, bài bản và đảm bảo lợi ích của các bên theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Quảng Nam làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, chống lãng phí, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ công…