Thứ ba 24/12/2024 08:25

Chủ tịch Quốc hội: “Giữa được việc và không làm mất lòng, tôi xin chọn được việc”

Trao đổi với báo chí về hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trả lời thẳng thắn, không né tránh bất cứ câu hỏi nào.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với báo chí

Sáng nay (15/1), Quốc hội khóa XV khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ năm.

“Trong phát biểu khai mạc của một kỳ họp Quốc hội, tôi từng nói biến công việc bất thường thành công việc bình thường, thường xuyên của Quốc hội, thì bây giờ dự báo ấy hoàn toàn thành sự thật”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với báo chí trước thềm Kỳ họp này.

Rộng hơn, về hoạt động của Quốc hội trong năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã không “né” bất cứ câu hỏi nào từ báo chí. Ông chia sẻ rằng, “tính tôi ưu điểm là thẳng thắn, nhưng nhược điểm là thẳng thắn quá. Nhưng giữa được việc và không làm mất lòng, thì tôi xin chọn được việc, vì việc chung, chứ không phải muốn tạo ra áp lực hay đòi hỏi cao”.

Đứng mũi chịu sào thường phải va đập, cọ xát

Thưa Chủ tịch Quốc hội, tại Kỳ họp cuối năm 2023 của Quốc hội vừa rồi, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là một trong những sự kiện được cử tri đặc biệt quan tâm. Chủ tịch Quốc hội có hài lòng với lại kết quả dành cho mình hay không?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Với kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vừa qua, tôi cho rằng, đây là sự quá ư ưu ái của cử tri, nhân dân và đại biểu dành cho Chủ tịch Quốc hội, chắc là cũng có sự động viên thêm.

Bởi người đứng mũi chịu sào thường phải va đập, cọ xát. Tôi thường hay nói tính tôi ưu điểm là thẳng thắn, nhưng nhược điểm là thẳng thắn quá, hay ưu điểm là cầu toàn, mà nhược điểm là cầu toàn quá. Giữa được việc và mất lòng tôi xin chọn được việc, sau đó các bạn cảm thông cho thì tốt chứ không cũng đành chịu. Nhưng chưa thấy ai giận mình ra mặt cả. Mình vì việc chung thôi chứ không phải tạo ra áp lực, đòi hỏi cao.

Lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một hình thức đánh giá cán bộ thôi, không phải là kênh duy nhất, không phải là chìa khóa vạn năng, chủ yếu qua đó để người được lấy phiếu tự soi, tự sửa là chính.

Trên thực tế, có khi chỉ chấm một bài kiểm tra có đáp án rồi mà sự đánh giá còn rất khác biệt. Ngày xưa ở Trường Đại học Tài chính chúng tôi có thời kỳ thi tuyển đầu vào có môn Văn. Tôi là Chủ tịch Hội đồng chấm thi mà đôi khi cười ra nước mắt. Chẳng hạn, có bài thi có hướng dẫn đáp án hẳn hoi, nhưng cặp chấm đầu tiên đánh giá rất tuyệt vời, cặp thứ hai chấm chéo thì bảo cũng bình thường thôi, còn cặp thứ ba cho phúc tra lại nói kém. Một bài kiểm tra có đáp án còn thế nữa là đánh giá cán bộ. Không bao giờ tuyệt đối được đâu, nhưng có cái gì đại thể, xu thế thì có thể nói được. Cá biệt có thể đánh giá theo cảm tính chủ quan thì chuyện đó cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Với Quốc hội thì Kỳ họp vừa qua việc lấy phiếu đã được làm nghiêm túc, khách quan, công tâm, cả 44 chức danh đều có đa số phiếu tín nhiệm và tín nhiệm cao. Cử tri cũng ghi nhận sự có gắng, nỗ lực của tất cả các cơ quan trong hệ thống bộ máy nhà nước. Điều đó khẳng định sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, có như thế đất nước mình mới vượt qua những khó khăn như vừa qua và có kết quả như bây giờ.

Lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội

Khi nhậm chức Chủ tịch Quốc hội có nêu mục tiêu là xây dựng Quốc hội ngày càng mạnh, nửa nhiệm kỳ đã qua, ông đánh giá thế nào về mục tiêu này?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chất lượng và hiệu quả hoạt động Quốc hội được thể hiện và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là chất lượng của các kỳ họp Quốc hội - phương thức hoạt động chủ yếu của Quốc hội. Cạnh đó là các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội.

Đương nhiên hiệu quả hoạt động của Quốc hội còn phụ thuộc vào hiệu quả phối hợp giữa Quốc hội nói chung với các chủ thể khác trong hệ thống chính trị như là Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao , Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Nhưng, đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm trong hoạt động của Quốc hội. Vai trò của đại biểu Quốc hội là rất lớn, rất quan trọng và có thể nói rằng, thành quả của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay được ghi nhận, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước rồi cử tri, nhân dân đánh giá cao thì rõ ràng đóng góp của đại biểu Quốc hội là rất nổi bật. Bởi vì tất cả đều phụ thuộc vào đại biểu hết, dù chuyên trách hay không chuyên trách.

Rất mừng là sự chủ động tham gia của đại biểu Quốc hội ngày càng tăng lên, thể hiện riêng qua đăng ký phát biểu, thì có phiên thời gian bố trí chỉ đáp ứng được 1/3 số đại biểu Quốc hội đăng ký. Đại biểu phát biểu không chỉ thể hiện đóng góp của mình, mà còn là dịp để cử tri giám sát chất lượng hoạt đông nữa. Quốc hội có phát huy tinh thần dân chủ mới có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu như thế.

Vậy nhân sự cho nhiệm kỳ Quốc hội tới chắc hẳn cũng được chuẩn bị từ sớm, từ xa như tinh thần được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh với mọi hoạt động của Quốc hội, thưa ông?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Việc Quốc hội tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động là yêu cầu của cuộc sống. Tôi từng nói Quốc hội các các khóa trước quá thành công rồi nên việc kế thừa, giữ được phong độ như các khóa đã khó, chưa kể phải tiếp tục đổi mới và tiến lên phía trước dù nửa bước cũng là khó khăn, nhưng không được phép dừng lại. Và muốn vậy thì phải chăm lo cho công tác nhân sự khóa mới. Chúng tôi cũng đang hết sức quan tâm chăm lo quy hoạch xây dựng đội ngũ cho khoá sau, nhất là đại biểu chuyên trách.

Khóa XV cơ cấu định hướng là 133 đại biểu chuyên trách, nhưng chuẩn bị không đủ 133, sau đó bầu thì một số lại không trúng. Rút kinh nghiệm, năm nay, lần đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội đề nghị tất cả các đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan trung ương và tất cả tỉnh uỷ, thành uỷ giới thiệu nhân sự cho Quốc hội vào các chức danh đại biểu chuyên trách, uỷ viên chuyên trách, ủy viên thường trực, chức danh lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội. Kết quả ngoài mong đợi, có gần 1.000 nhân sự mà các bộ ngành, cơ quan đã giới thiệu cho Quốc hội. Qua quá trình sàng lọc đã lựa chọn 300 trong số đó bổ sung vào nguồn quy hoạch cho đại biểu Quốc hội khoá tới.

Làm bài bản, chuẩn chỉ nên nguồn là 1.000 người mà toàn tinh hoa, có số đang là đại biểu đương chức, nhất là các phó đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, rồi nhiều lãnh đạo, kể cả cấp thứ trưởng, trong quân đội, công an và các ngành, các cấp.

Riêng với đại biểu Quốc hội là đang chuẩn bị như vậy, theo hướng tăng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên khoảng 40%, từng năm một phải tăng lên. Chuẩn bị nhân sự để bầu đại biểu cho khóa sau là tốt. Khoá này đã tốt rồi thì khoá sau phải chu đáo, đầy đủ hơn, không thiếu như trước đây.

Mà chất lượng đại biểu quyết định chất lượng hoạt động Quốc hội, phải làm sao mở rộng dân chủ đi đôi với tăng tính pháp quyền để đại biểu Quốc hội kỳ nào cũng được cử tri đánh giá là tâm huyết, trí tuệ, xây dựng thì Quốc hội sẽ mạnh.

Một phiên họp toàn thể của Quốc hội Khóa XV

Chi cho con người cũng là chi cho đầu tư phát triển

Thưa ông, Kỳ họp Quốc hội thứ sáu vừa qua vấn đề được cử tri rất quan tâm là cải cách chính sách tiền lương. Xin Chủ tịch Quốc hội nói thêm về quyết sách này?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Năm qua, những quyết sách về cải cách tổng thể chính sách tiền lương cũng rất nổi bật, trước đó thì năm 2022 quyết định điều chỉnh lương tối thiểu năm 2023 lên 1,8 triệu đồng/tháng cũng rất vất vả, Quốc cũng phải rất chủ động. Bởi Quốc hội biết rõ nguồn lực là như thế nào, tác động đến vấn đề vĩ mô, vi mô như thế nào.

Bản thân người dân không được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới thì ý nghĩa của đổi mới cũng giảm đi nhất là sau đại dịch Covid-19, sức khỏe của người dân, doanh nghiệp bị bào mòn.

Tới đây, từ ngày 1/7/2024, chính sách tiền lương được cải cách toàn diện. Bởi chi cho con người cũng là chi cho đầu tư phát triển. Số tiền dành cho việc này cũng rất lớn, đã chuẩn bị 560.000 tỷ đồng. Theo tỷ lệ tiền lương 100 đồng thì 70 đồng là tiền lương, còn phụ cấp là 30%, đúng với khái niệm là phụ cấp. Giờ có những nơi phụ cấp còn cao hơn lương chính. Đặc biệt là dành ra 10% của quỹ lương để cho người sử dụng lao động khen thưởng, động viên người lao động. Và trong 10% đó có người được rất nhiều nhưng cũng có người không được gì, tùy vào mức độ cống hiến.

Đây không phải vấn đề tăng lương bình thường mà là vấn đề cải cách chính sách tiền lương theo nguyên tắc trả theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh lãnh đạo, sau này khỏi phải hỏi lương đồng chí A, đồng chí B rồi ngồi nhân với hệ số để ra số lương tuyệt đối là bao nhiêu.

Sau khi thực hiện chính sách tiền lương này, thì tất cả cơ chế thu nhập đặc thù cũng bãi bỏ hết. Có một nguyên tắc nữa là khi chuyển sang áp dụng lương mới nếu thấp hơn tiền lương hiện nay, thì phải đảm bảo cho người được hưởng lương ít nhất bằng lương hiện hữu.

Khi các nước người ta hỏi Việt Nam chuẩn bị tiền nong như thế nào, rồi biết mình có 560.000 tỷ đồng chuẩn bị cho từ nay đến năm 2026 để cải cách tiền lương thì người ta cũng rất ngạc nhiên. Người ta bảo tưởng Việt Nam có được đồng nào mang đi làm đường cao tốc hết rồi, nhưng không phải, việc nào ra việc đấy. Tăng thu ngân sách trung ương phải dành 40% để cải cách tiền lương, dứt khoát không có nói xuôi nói ngược gì. Còn 60 % để làm việc khác. Còn tăng thu ngân sách địa phương thì cứ 50-50, anh phải để ra một nửa cải cách tiền lương còn một nửa muốn làm gì thì làm. Nghị quyết trung ương là ghi thẳng thế, không cựa quậy được, kiên trì như thế mới có nguồn để làm. Cũng có nơi nói tôi đang có nguồn cải cách tiền lương chưa dùng đến, cho tôi đi đầu tư, nhưng làm thế là không được, việc gì ra việc đấy.

Quốc hội bây giờ hoạt động theo tinh thần cái gì cần cho quốc kế dân sinh, cấp bách cần tháo gỡ chung tay thì trên cơ sở tờ trình của Chính phủ hoặc chủ động bàn với chính phủ cùng tháo gỡ để đưa ra quyết sách cho kịp thời. Kể ra thì còn nhiều ví dụ lắm, nhưng tựu trung lại thì mọi quyết sách đều lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Quốc hội đã, đang và sẽ nhất quán nguyên tắc này.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội!

Theo baodautu.vn
Bài viết cùng chủ đề: Chủ tịch Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh Diễn đàn Bộ Công Thương chống lãng phí, khơi thông nguồn lực

PGS.TS Trần Đình Thiên: Bộ Công Thương tiên phong cải cách hành chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Ngành Công Thương đóng góp rất lớn tạo bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu nông sản

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Chống lãng phí, tiết kiệm góp phần tăng sức mạnh quốc gia

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025

PGS.TS Trần Đình Thiên: Chống lãng phí phải đi đôi với cải cách thể chế, thông suốt các nguồn lực

Bộ Công Thương: Quyết tâm tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo trong chống lãng phí để phát triển bền vững

Bộ Công Thương hoà cùng ‘dòng chảy’ chống lãng phí, tạo đột phá phát triển trong kỷ nguyên mới

Đường dây 500kV mạch 3: 'Chiến dịch' thần tốc, tiết kiệm và hiệu quả

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long làm việc với đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)

10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024

Đại tá Nguyễn Hữu Sơn chỉ ra 4 giải pháp để phòng, chống lãng phí nguồn lực

PGS.TS. Lê Hải Bình: Chống lãng phí - Điều kiện tiên quyết để đột phá phát triển

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Làm tốt công tác chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Đang diễn ra Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

Nhân sự Trung ương: Thông tin về tổ chức nhân sự tại Quân chủng Hải quân

Thủ tướng: Phải thay đổi quan niệm về chất lượng nhà ở xã hội

Thủ tướng: Cần đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Thủ tướng chúc mừng Giáng sinh 2024 tại Giáo xứ Lào Cai

Chống lãng phí cũng phải quyết liệt, đồng bộ như chống tham nhũng