Chủ nhật 24/11/2024 07:14

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Bức tranh kinh tế đan xen các gam màu sáng, tối

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 đang ghi nhận sự đan xen những gam màu sáng, tối.

Sáng 17/9, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về chương trình Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023. Chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế phát biểu tại họp báo

Tại họp báo, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, việc lựa chọn chủ đề của Diễn đàn năm nay được dựa trên nền tảng của các diễn đàn kinh tế - xã hội các năm trước đó.

Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái.

Trong nước, mặc dù kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số động lực tăng trưởng suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn.

Đứng trước bối cảnh đòi hỏi phải sớm có giải pháp ứng phó trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài; giải pháp để tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng để giúp đất nước tận dụng thời cơ, ứng phó, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững…

Theo đánh giá của ông Vũ Hồng Thanh, về cơ bản các giải pháp trong các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ đều bám sát trên tinh thần chỉ đạo của Đảng như ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế…

“Những tháng đầu năm, chúng ta đã làm tốt công tác này, các định vị tín nhiệm, các dự báo về kinh tế Việt Nam của các tổ chức quốc tế được đưa ra rất tích cực” - ông Thanh nói.

Song ông Thanh cũng nhấn mạnh, bức tranh kinh tế chung đang có cả gam màu sáng lẫn gam màu tối. Bởi các động lực tăng trưởng từ đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng đều có dấu hiệu chậm lại.

“Về đầu tư công, mặc dù những tháng gần đây, chúng ta đẩy mạnh nhưng so với yêu cầu phải đạt được là giải ngân ít nhất 95% trong tổng vốn đầu tư thì điều này khá thách thức. Cùng đó, xuất khẩu và nhập khẩu đều có dấu hiệu giảm, sức khoẻ doanh nghiệp bị bào mòn, đơn hàng kinh doanh bị sụt giảm…” - ông Thanh nói và yêu cầu cần phải thúc đẩy hơn nữa các giải pháp trong thời gian tới.

Nói thêm về các nội dung cụ thể được thảo luận, ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho biết, diễn đàn sẽ làm rõ bối cảnh quốc tế, các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi, phát triển của kinh tế thế giới; chính sách kinh tế của các nước lớn, các đối tác thương mại chính của Việt Nam và tác động đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2021-2023. Nhận diện các nút thắt, rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm các vấn đề của thị trường đầu vào - đầu ra, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng của nền kinh tế, rào cản đối với doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường tài chính – tiền tệ; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, lao động việc làm, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp trước mắt và dài hạn.

Đồng thời, rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 5 năm 2021-2025 và một số nghị quyết liên quan khác…, trong đó làm rõ các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm.

Qua đó, sẽ có đề xuất các dư địa, tiềm năng phát triển, đồng thời đề xuất các giải pháp, chính sách để khơi thông nguồn lực, kiến tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh, tận dụng cơ hội mới.

“Các ý kiến, tham luận tại diễn đàn sẽ là nguồn thông tin hữu ích cung cấp thêm luận cứ khoa học, thực tiễn để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra các nội dung thuộc chức năng; là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sắp tới” - ông Sơn cho hay.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 diễn ra cả ngày 19/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với khoảng 400 - 450 đại biểu tham dự trực tiếp.

Theo chương trình, buổi sáng sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là đề dẫn của ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Tiếp đó hai phiên chuyên đề được tổ chức lần lượt.

Chuyên đề 1: Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.

Chuyên đề 2. Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới.

Buổi chiều phiên toàn thể có chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Nhiều ý kiến đóng góp tích cực, bổ sung cho dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng ngành hóa chất hiện đại

Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình, làm rõ về Luật Hóa chất (sửa đổi)

Kỹ sư dầu khí Việt kiều báo cáo Tổng Bí thư Tô Lâm kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo Malaysia

Tổng Bí thư và Phu nhân thăm Đại sứ quán và gặp cộng đồng người Việt ở Malaysia

Thảo luận về quản lý đầu tư, Thủ tướng nêu loạt vướng mắc và giải pháp từ doanh nghiệp ngành Công Thương

Tổng Bí thư hoan nghênh doanh nghiệp Malaysia đầu tư, làm ăn lâu dài ở Việt Nam

Cần cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để sớm đưa thành quả nghiên cứu vào thực tiễn

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình kiểm tra tiến độ Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột

Khẳng định Việt Nam độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đóng góp trách nhiệm trước các vấn đề toàn cầu

Cần đưa quy định phát triển công nghiệp bán dẫn vào Luật Công nghiệp công nghệ số

Sẽ quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo dòng vốn đầu tư

Sửa đổi Luật Hóa chất phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay

Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Viện Tim quốc gia Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Phát triển nông thôn Malaysia

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sắp thăm, làm việc tại Đan Mạch và Phần Lan

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long thị sát một số dự án trọng điểm tại tỉnh Quảng Trị

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải được bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương