Cậu tôi là họa sĩ làm ở Nha kiến trúc, người Pháp mua vé máy bay cho cả nhà, lại hứa có nhà sẵn ở Sài Gòn, song ông không đi. Những gia đình di cư phải rời bỏ Hà Nội, quả là một cuộc đi không đơn giản. Họ để lại cả nhà cửa và đồ đạc ngồn ngộn không thể mang theo. Để thu vén thêm khi ra đi, một số người mang đồ đạc ra bán ở quanh hồ Hale (hồ Thiền Quang). Chợ Trời tự phát thành lập (nghe nói xưa cũng từng có một chợ Giời nho nhỏ ở chỗ có nhà máy sát gạo, ven đường cạnh đê sông Hồng, trong khu 36 số cũ).
Chợ Trời quy mô duy nhất ở Hà Nội từ 1954 khi ấy, hình thành duyên do như thế, nhằm bán đồ cũ, như đồ gỗ, đồ sành sứ, quần áo cũ, xe đạp, xe máy, đĩa hát, thượng vàng hạ cám, có cả đồ chiến cụ vứt đi như cát tút đại bác, thùng gỗ đựng đạn hay hộp đựng đạn bằng sắt, chống ẩm... Chợ nằm góc hồ Thiền Quang, mạn đường Nguyễn Du ôm qua một đoạn Quang Trung, chạy xuống chạm đường Trần Nhân Tông.
![]() |
Ngày ngày chợ họp, và đặc biệt Chúa Nhật đông nghẹt người kẻ, bán người mua, rất tấp nập. Cậu mợ tôi cũng dẫn tôi ra đấy chơi, vì cánh buôn bán đồ giải khát, đồ ăn trên xe đẩy, cánh xine hòm, thi thoảng gánh xiếc Tiết Nhân Quý người Tàu cũng tới đó biểu diễn, phục vụ. Năm ấy, mợ tôi mua một cái tủ quần áo rất to, xương tủ gỗ gọ, phía sau có tấm nhôm, cao 2,5 mét rộng tới 3 mét, lại mua một bộ ván gỗ gọ, có hai cái niễng rất chắc chắn, cho anh em tôi nằm, giá rẻ như bèo. Tủ thì đến nay vẫn còn. Cậu tôi mua cái cát tút đồng của pháo 105 li, sai tôi về lấy cát đánh, ánh màu vàng chóe, chuyên cắm hoa đào ngày Tết bao nhiêu năm hòa bình…
Chính phủ ta về tiếp quản, chợ Trời nơi hồ Thiền Quang nhếch nhác quá, bèn di chuyển về quanh khu Chùa Vua, một khu dân cư hiu quạnh.
Bấy giờ là tiểu khu Đồng Nhân, có thời gian là tiểu khu Hai Bà, sau này là phường Phố Huế.
Chợ ban đầu giao cho Tiểu khu (nay đơn vị hành chính là phường) phụ trách, sau này và đến tận giờ có Ban quản lý chợ Hòa Bình trực thuộc Ủy ban nhân dân khu Hai Bà (nay là quận Hai Bà Trung). Chợ ngoài trời ấy, được đặt tên là chợ Hòa Bình. Còn người đời gọi nó là chợ Giời, bọn trẻ ở chợ và đám giang hồ Hà Nội gọi chại đi là chợ Giậu. Bọn trẻ con chúng tôi trong khu chợ, trả lời câu hỏi "Nhà mày ở đâu?", bằng câu: "Tao ở chợ Giậu".
Quy hoạch chợ khi ấy bắt buộc các hàng quán phải có lều quán. Lều là các gian bán hàng có mái che, rộng sáu bẩy mét vuông đến chục mét vuông, vật liệu đều bằng tranh tre nứa lá. Các khu bán hàng ban đầu phân bố như sau: Ngã ba phố Thịnh Yên giáp phố Huế vòng vào Yên Bái dành để bán đĩa hát quay tay, đài radio điện tử. Phố Trần Cao Vân bán phụ tùng xe đạp và các hợp tác xã lò rèn, các cửa hàng sản xuất bàn đạp xe đạp, ghi đông, cổ phốt. Có cửa hàng lộn xích, chữa líp xe đạp.
Ngõ Trần Cao Vân bán quần áo cũ, ngõ 332 (nay là phố Chùa Vua) là nơi bán xe đạp và chỉ bán vào ngay Chúa Nhật.
Chợ Giời khi đó chưa phức tạp như hôm nay. Dân cò buôn bán chủ yếu là cò xe đạp, xe máy thường tụ tập ở ngã ba giao điểm Trần Cao Vân và ngõ Trần Cao Vân, cuối phố Thịnh Yên tức Trường Đoàn Kết. Những cảnh buôn bán lừa đảo, chụp giật là rất ít. Quản lý chợ khá nghiêm ngặt, nên không có ai dám lấn chiếm, dù ban ngày họp chợ các đường ngõ vẫn thông thoáng, ôtô đi lại rộng rãi.
Cảnh quan cũng làm khu dân cư thay đổi. Phố Trần Cao Vân giáp khu tường nghĩa địa Tây có Hợp tác xã lò rèn, Cửa hàng mậu dịch bán thực phẩm, rau dưa, nên dãy phố này ồn ào hơn cả. Hàng hóa cũng thay đổi dần theo thời cuộc. Dãy bán quần áo ở ngõ Trần Cao Vân biến mất, thay vào đó là nơi bán xe đạp cũ và đài cũ, nay vẫn là nơi bán tivi, tủ lạnh, đài, điện thoại và các loại giây điện... Dãy đầu phố Thịnh Yên những năm đầu thập niên 60 luôn luôn có tiếng hát từ đĩa hát cũ, đến mức chúng tôi lũ trẻ con Chợ Giậu nghe mãi cũng thuộc cả các bài hát trong vùng tạm chiếm, thuộc làu giọng ca sĩ Thái Thanh, hai anh em Ngọc Báu, Ngọc Bảo... Đêm đêm trẻ con dựa vào lều quán tối thui, chơi trò đánh trận giả, chơi quân xanh quân đỏ, bắn nhau tèng tèng huyên náo khu phố đêm vắng. Ban ngày, giữa đường trong chợ đám trẻ vẫn chơi đá bóng, đánh khăng mà không ai la rầy.
Chợ Giời theo thời gian biến động rất nhiều. Nhất là sau 1975, hàng hóa từ miền Nam ra, từ Lào, Thái về, nên chợ đa dạng hơn. Thời kỳ sau chiến tranh, sự cấm vận làm máy móc thiếu phụ tùng, xu hướng hàng hóa phụ tùng, máy móc rất nhiều. Hàng hóa từ miền Nam cũng đổ ra cung ứng một phần nhu cầu sửa chữa máy móc và hàng hóa tiêu thụ ở miền Bắc.
![]() |
Kinh tế phát triển, nhu cầu đồ cũ tăng lên đột ngột nên khoảng giữa thập niên 80, chợ quy hoạch lại và các dãy quán được sắp đặt tràn chắn ngay trong lòng các ngõ, phố như hiện nay. Và theo thời gian, đến nay như vết dầu loang chợ phình ra tận khu tập thể Nguyễn Công Trứ, phố áo quan cũ và hai bên phố Thịnh Yên.
Nhưng hàng hóa thật giả Chợ Giậu vẫn lẫn lộn khó lường. Quần áo cũ sang trọng cũng hết nên dãy bán quần áo được giỡ bỏ thay vào đó đám quân nhân về không tiền dính túi mang quân phục, mũ cối ra bán ở ngõ Yên Bái II… Cũng ở Yên Bái tự phát hình thành các cửa hàng ở ngách, hẻm bán áo bay (áo hè phi công Nga) dân đi Nga mang về, có cả quần Jin, hàng từ Thái của dân quá cảnh lẩn vào hàng nhái do dân Hà Nội may.
Người ta mang ra đấy đủ loại máy móc cũ cho sản xuất và hàng hóa tiêu dùng như máy hát điện, máy hát bang lô, băng cát - sét và cả vô tuyến mới toàn đồ Sài Gòn. Quy định bán đồ cũ nên dân bán đồ mới như dân phe đài, xe đạp Pháp, thường là bán chui trao tay trốn thuế. Nơi bán ba đồ lính thường phức tạp nhất và chợ Giời mất an ninh từ dạo đó. Ở chợ Giời những năm sau 1975 tới tận những năm đầu 90 không ngày nào là không có các vụ đánh nhau, thậm chí dân giang hồ vào chợ làm luật, tha hồ bắt nạt ai lơ ngơ vào chợ, cả người mua kẻ bán. Vài vụ đâm chém đến mất mạng cũng do mấy tay bụi đời gây ra ở chợ. Chợ Giời dần dần đồ cũ phát triển bên đồ mới. Đến đây có đủ loại thượng vàng hạ cám…
Chợ Giời hôm nay rộng khắp tràn ra cả con đường qua khu tập thể Nguyễn Công Trứ đến tận phố Đồng Nhân, phố Áo Quan cũ tận ngách chợ Nguyễn Công Trứ. Ban quản lý chợ, đồn công an phường Phố Huế cũng có nhiều cố gắng quản lý nên khu chợ Giời đỡ phức tạp như ngày nào… Nhưng nơi đây vẫn là nơi còn vài kẻ tham lợi mua bán đồ ăn cắp, nhất là phụ tùng xe máy, gương kính ôtô làm xấu mặt dân buôn bán chợ Giời, bởi đa số dân buôn bán lâu năm ở đây hiền lành chăm chỉ như ai và dân buôn bán lâu năm ở chợ đã hiểu chữ tín.
Tôi lớn lên ở nơi đây, sau đó li loạn bao năm xa chợ Giậu, nhưng không bao giờ quên được vùng đất mang tiếng lắm, nhưng từng là nơi cư ngụ của bao văn nghệ sĩ (có hẳn một khu tập thể văn nghệ sĩ ở cuối phố Trần Cao Vân) và mảnh đất này đã đóng góp bao nhiêu quân nhân cho cả bốn cuộc kháng chiến, có những người mãi mãi chẳng trở về…