Chính thức trình Quốc hội để 3 luật về đất đai, nhà ở, bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024
Rà soát, đánh giá tác động những vướng mắc có thể phát sinh
Chiều 19/6, tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã chính thức trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (một luật sửa 4 luật).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu |
Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất cho phép 3 luật liên quan tới đất đai, bất động sản gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa XV thông qua đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành và có nhiều quy định mang tính đổi mới đột phá được tổng kết đánh giá, thí điểm từ thực tiễn người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới.
Ông Khánh cho biết, trong tổng số 260 điều của Luật Đất đai, có 97 điều giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
Đối với các nội dung không phải quy định chi tiết sẽ phát huy ngay hiệu quả khi thi hành, đặc biệt các nội dung liên quan đến quyền của người sử dụng đất như: Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; quy định mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; người sử dụng đất được bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; sử dụng kết hợp đa mục đích; đẩy mạnh phân cấp, phân quyên, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất, giảm bớt chi phí tuân thủ trong tiếp cận đất đai...
Đối với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, có nhiều nội dung đổi mới hết sức quan trọng trong quản lý, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, phát triển nhà ở (các phân khúc), tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia thị trường bất động sản, đặc biệt là các quy định giải quyết chính sách nhà ở các đối tượng người có công, người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân...; giải quyết tranh chấp, khiếu nại đối với việc quản lý, vận hành nhà chung cư.
Ông Khánh cho hay, trong tổng số 198 điều của Luật Nhà ở chỉ có 52 điều giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân hoặc UBND cấp tỉnh quy định chi tiết. Luật Kinh doanh bất động sản có 83 Điều, trong đó có 21 điều giao Chính phủ, Bộ Xây dựng quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.
Như vậy, nhiều chính sách trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có thể thực hiện được ngay mà không cần phải hướng dẫn chi tiết như: Chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, dự án xây dựng nhà ở xã hội; đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội...
Riêng với Luật Các tổ chức tín dụng có 2 khoản (khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 bảo đảm có hiệu lực với thời điểm có hiệu lực của Luật Kinh doanh bất động sản.
Do vậy, khi thời điểm có hiệu lực của Luật Kinh doanh bất động sản thay đổi thì cần thiết phải sửa đổi hiệu lực của khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng quy định về hiệu lực của khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 của Luật này để bảo đảm áp dụng đồng bộ quy định pháp luật, bảo đảm chặt chẽ khi nhận tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng.
Đối với các quy định chuyển tiếp tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá tác động những vướng mắc có thể phát sinh đối với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, bao gồm tác động đối với doanh nghiệp đang thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và những nội dung chuyển tiếp trong 3 luật.
Đồng thời, đã có phương án phù hợp thể chế hóa trong Luật để không gây khó khăn, vướng mắc cho công tác quản lý đất đai, nhà ở, thị trường bất động sản, đảm bảo quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khi tham gia các quan hệ về đất đai, nhà ở, thị trường bất động sản đã được quy định.
Đảm bảo tiến độ các văn bản hướng dẫn để triển khai thi hành các luật
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, việc sớm đưa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào cuộc sống là phù hợp với chủ trương của Đảng, khắc phục những tồn tại hạn chế nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đang là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm như các Đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại nghị trường.
Điều này cũng tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư nhất là các dự án đầu tư công, các dự án bất động sản, dự án nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.
Thông tin về tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, ông Khánh cho hay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động ban hành Kế hoạch và phân công các Bộ, ngành, địa phương sớm triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Các văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ đã được xây dựng theo đúng trình tự quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đã tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các đối tượng chịu tác động. Bộ Tư pháp đã thẩm định, các bộ đã tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ, báo cáo Chính phủ đủ điều kiện để ký ban hành.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu tác động để hoàn thiện, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi trong thực tiễn, bao quát đầy đủ các quy định được Luật giao, thống nhất đồng bộ với pháp luật khác có liên quan.
Chính phủ khẳng định các văn bản quy định chi tiết theo các văn bản này đã được xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ được ban hành trong tháng 6/2024 khi Quốc hội thông qua dự án Luật này.
Đối với các văn bản giao Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh ban hành, các địa phương tập trung, đẩy nhanh tiến độ xây dụng các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản để gửi các Bộ xem xét, cho ý kiến, ban hành kịp thời, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Do đó, ông Khánh cho rằng có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được ban hành đảm bảo tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản khi các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.