Minh bạch thị trường
Luật Các tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay (1/7), điều này đồng nghĩa với việc lộ trình giảm giới hạn cấp tín dụng chính thức bắt đầu. Theo đó, trong vòng 5 năm tới (đến năm 2029), các ngân hàng thương mại và ngân hàng nước ngoài giảm dần hạn mức tín dụng đối với một khách hàng nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng tập trung.
Như vậy, tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có với một khách hàng tại ngân hàng sẽ giảm dần từ 15% về 10%; đối với một khách hàng và người liên quan sẽ giảm dần từ 25% về 15% trong 5 năm (đến 2029).
Cụ thể, từ ngày luật chính thức có hiệu lực thi hành đến 1/1/2026, hạn mức tín dụng đối với 1 khách hàng giảm xuống 14% vốn tự có của ngân hàng hoặc 23% vốn tự có của khách hàng và người có liên quan; từ năm 2026 đến trước ngày 1/1/2027 lần lượt giảm 13% và 21%; năm 2027 đến trước 1/1/2028 giảm lần lượt xuống còn 12% và 19%; từ năm 2028 đế trước ngày 1/1/2029 giảm xuống 11% và 17%; từ 1/1/2029 trở đi giảm xuống 10% và 15%.
Tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có với một khách hàng tại ngân hàng sẽ giảm dần từ 15% về 10% |
Tại Điều 210 quy định về chuyển tiếp đã chỉ rõ, các hợp đồng, giao dịch khách, thỏa thuận được ký kết trước ngày Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực thi hành, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn; việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn hợp đồng… chỉ được thực hiện nếu nội dung phù hợp với luật mới, trừ trường hợp cơ cấu lại thời gian trả nợ.
Đối với các hợp đồng không xác định thời hạn có nội dung không phù hợp với quy định được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025. Sau thời điểm này phải chấm dứt, hoặc sửa đổi hợp đồng đảm bảo phù hợp với quy định của luật sửa đổi.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết, việc giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ khiến các ngân hàng hạn chế tính trạng tập trung vốn, khuyến khích đồng tài trợ, từ đó giảm rủi ro, thúc đẩy phát triển thị trường vốn, tránh doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp cũng sẽ hình thành thói quen tiếp cận nhiều ngân hàng, thay chỉ vì một vài nơi “thân hữu” như hiện nay.
Đồng quan điểm, PwC cũng cho rằng, các quy định mới này sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu các rủi ro cho vay phụ thuộc vào một nhóm khách hàng, tránh gây bất ổn cho hệ thống. Lộ trình rõ ràng cũng giúp các doanh nghiệp lớn không bị đứt gãy vốn đột ngột.
Ngân hàng mong có cơ chế đặc thù
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, điều này khiến các đơn vị cho vay phải đối mặt với thách thức điều chỉnh chiến lược cho vay và cập nhật quy trình quản lý rủi ro tín dụng, cùng với đó là hệ thống thông tin. Ngoài ra, việc siết giới hạn cấp tín dụng cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ với khách hàng, phải tìm nguồn khác để bù đắp, bản thân khách hàng cũng gặp thách thức tăng độ phức tạp các thủ tục, chi phí vay để đảm bảo nguồn vốn.
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc giảm 1% giới hạn cấp tín dụng trong vòng 1 năm chưa tác động nhiều đến ngân hàng doanh nghiệp, song việc giảm giới hạn liên tiếp trong 5 năm đồng nghĩa với áp lực cắt giảm lượng lớn dư nợ tín dụng. Từ đó, không loại trừ khả năng ngân hàng, doanh nghiệp “lách” quy định bằng cách thành lập, lôi kéo các doanh nghiệp khác để giữ nguyên tỷ lệ vay 15% và 25% như hiện tại.
Từ thực tế ngân hàng, lãnh đạo MB cho hay, giai đoạn trước, MB áp dụng tỷ lệ cho vay tối đa với một khách hàng là 10%, nhóm khách hàng là 20% (dù luật cho phép 15% và 25%) để quản trị rủi ro. Với các dự án lớn, MB chọn hình thức đồng tài trợ, thu xếp nguồn vốn quốc tế để chia sẻ rủi ro. Vì vậy, quy định mới sẽ không tác động quá lớn đến MB.
Vietcombank - BIDV- VietinBank ký kết hợp đồng cấp tín dụng với gói vay 1,8 tỷ đồng xây dựng sân bay Long Thành |
Trong khi đó, với ngân hàng lớn là Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank lại cho biết, mức độ ảnh hưởng của việc “siết” giới hạn cấp tín dụng tại các ngân hàng là khác nhau nhưng đối với những đơn vị có lượng khách hàng là doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Vietcombank mức độ ảnh hưởng là không nhỏ cho cả 2 phía.
Do vậy, ông Tùng kiến nghị, nên có cơ chế ngoại lệ cho những ngân hàng lớn kiểm soát tốt rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản để có thể cung ứng vốn kịp thời cho nền kinh tế. Trên thực tế, nhóm các ngân hàng lớn vẫn có chương trình vay hợp vốn. Đơn cử như Vietcombank - BIDV- VietinBank với gói vay 1,8 tỷ đồng xây dựng sân bay Long Thành.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, quy định trên sẽ khiến việc tiếp cận vốn với một số doanh nghiệp lớn, có nhu cầu vốn cao gặp khó khăn nhất định. Chính phủ cần có giải pháp phát triển mạnh hơn các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp, giảm phụ thuộc vào tín dụng.
Ở góc nhìn khác, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến ngân hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, lộ trình của quy định này kéo dài tới 5 năm nên doanh nghiệp và ngân hàng cũng có nhiều thời gian để chuẩn bị.
Hơn nữa, trong thời gian qua, các ngân hàng đã rất tích cực tăng vốn khiến quy mô vốn tự có đã lớn hơn rất nhiều, nên quy định trên sẽ không tác động quá lớn.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, trên thực tế, với hoạt động ngân hàng của Việt Nam thì nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng. Các tổ chức quốc tế cũng cảnh báo rằng, nếu như nhu cầu đầu tư tiếp tục phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thì sẽ tiềm ẩn rủi ro bất cứ khi nào kinh tế thế giới, trong nước có những biến động phức tạp, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân thì sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng. Khi ngân hàng ảnh hưởng thì domino sẽ gây ra hệ lụy đến nền kinh tế.
Chính vì vậy, đồng bộ với việc phát triển ngành ngân hàng thì các thị trường như thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cần phải được phát triển đồng bộ. Hiện nay, Chính phủ đang có các giải pháp để hướng đến điều đó.
Mặc dù giảm room tín dụng được cấp cho một khách hàng hoặc nhóm khách hàng sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn tiếp cận vốn, song Thống đốc cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép cơ chế là các tổ chức tín dụng đồng tài trợ. “Nếu một ngân hàng cho vay một doanh nghiệp có nhu cầu vốn rất lớn thì mức độ tập trung rủi ro tín dụng sẽ lớn theo. Việc đồng tài trợ sẽ là chia rủi ro đối với các ngân hàng. Khi doanh nghiệp gặp vấn đề thì bản thân các ngân hàng cũng chia sẻ rủi ro” - Thống đốc khẳng định.