Đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội |
Diện bao phủ còn chậm
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, hết năm 2017, toàn quốc có 13,9 triệu người tham gia BHXH, tăng 2,3 lần so với thời điểm thực hiện Luật BHXH (1/1/2007); 11,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trên 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí và mỗi năm có khoảng 10 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tổng số thu, chi BHXH hàng năm đều gia tăng; trong đó, năm 2017, số thu là 196 nghìn tỷ đồng, chi là 181.736 tỷ đồng. Tỷ lệ chi từ nguồn Quỹ BHXH cũng tăng, tỷ lệ chi từ nguồn ngân sách ngày càng giảm.
Dù có những kết quả khả quan, nhưng việc thực hiện chính sách BHXH vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Diện bao phủ BHXH cũng như quy mô tham gia BHXH còn thấp; tình trạng trốn đóng, nợ đóng, đóng không đủ BHXH cho người lao động vẫn còn xảy ra và chậm khắc phục. Việc xử lý tiền nợ đọng BHXH, BHTN kéo dài của các đơn vị, doanh nghiệp (DN) đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích… khó khăn và chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể. Cùng đó, Chính phủ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, gây khó khăn cho DN có vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng người lao động là người nước ngoài mà họ có nhu cầu tham gia BHXH bắt buộc.
Theo đại diện Ban Thực hiện chính sách (BHXH Việt Nam), nguyên nhân tình trạng trên là do Luật BHXH chưa bao phủ hết đối tượng có khả năng tham gia BHXH bắt buộc. Trong thời gian dài (2008 - 2017), người dân tham gia BHXH tự nguyện chưa được nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH. Quy định điều kiện thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu khá khắt khe (phải đủ 20 năm) dẫn đến tình trạng nhiều người có thời gian đóng BHXH dài. Chính sách BHXH tự nguyện chỉ thực hiện 2 chế độ hưu trí và tử tuất nên chưa đáp ứng nhu cầu của người có khả năng tham gia.
Giải pháp đồng bộ
BHXH Việt Nam đặt mục tiêu, đến năm 2030, có 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5%, khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; phấn đấu có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội; chỉ số đánh giá mức hài lòng của người tham gia BHXH đạt 90%.
Để thực hiện mục tiêu theo lộ trình đề ra, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH, năng lực của cơ quan tổ chức thực hiện; hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH; tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế trốn, tránh đóng BHXH. Đồng thời, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận dịch vụ BHXH; liên thông kết nối dữ liệu BHXH từ trung ương đến địa phương, tạo thuận lợi cho người dân truy cập thông tin, giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH…
Tại phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đề cập đến lĩnh vực BHXH, đại biểu Quốc hội Giàng Thị Bình (Lào Cai) nhấn mạnh: Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và địa phương tăng cường đổi mới tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về vai trò và nội dung cải cách chính sách về BHXH; sớm rà soát những bất cập, vướng mắc của hệ thống pháp luật về BHXH; quản lý chặt chẽ Quỹ BHXH; quản lý DN đăng ký kinh doanh và số lượng người lao động tham gia đóng BHXH bắt buộc..
Mục tiêu phát triển hệ thống BHXH Việt Nam linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng, hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. |