Thứ sáu 08/11/2024 15:33

Chính phủ vững vàng chèo lái nền kinh tế đất nước

Nhiệm kỳ 2016-2021 được đánh giá một nhiệm kỳ thành công của Chính phủ. Bởi trong bối cảnh, điều kiện có nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn vững vàng chèo lái nền kinh tế đất nước, đạt được thành tựu rất có ý nghĩa.

Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, “con tàu” Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ập đến tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới và các quốc gia.

Trong bối cảnh đó, kế thừa những thành quả to lớn và kinh nghiệm quý trong quản lý, chỉ đạo điều hành từ các nhiệm kỳ trước, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và tình hình thực tiễn, với phương châm “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Nêu cụ thể những nội dung chủ yếu trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ trên một số lĩnh vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: Đầu tiên, thực hiện các đột phá chiến lược là ưu tiên cao trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Trong đó, đột phá quan trọng, mở đường là đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điểm mới trong triển khai xây dựng, hoàn thiện pháp luật phải quy định ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện gắn với tổ chức thi hành hiệu quả.

Tiếp đó, đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là tấn công vào “điểm nghẽn” kéo dài, Chính phủ luôn nỗ lực tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, với đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động, coi con người là trung tâm của sáng tạo; đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính “dẫn dắt” cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Nhiều công trình hạ tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước.

Thứ hai, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành. Tập trung chỉ đạo theo dõi sát tình hình, nhận diện thời cơ, thách thức, chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế và đề ra các đối sách, giải pháp kịp thời, phù hợp. Điều hành các chính sách vĩ mô đồng bộ, chủ động, linh hoạt; phối hợp hài hòa giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư và các chính sách khác.

Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD. Tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tăng cường phòng chống “tín dụng đen”. Thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn, tài chính vi mô.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhất là do dịch Covid-19, chúng ta đã vừa phát triển thị trường 100 triệu dân vừa thúc đẩy xuất khẩu thông qua các FTA thế hệ mới để đa dạng hóa, không để quá phụ thuộc vào một thị trường. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần, từ 328 tỷ USD năm 2015 lên 517 tỷ USD năm 2019 và đạt 545 tỷ USD năm 2020 với 5 năm liên tục có thặng dư thương mại ngày càng tăng.

GDP năm 2020 tăng 2,91%, Việt Nam là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%; bình quân 2016 - 2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011 - 2015, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Trong 5 năm qua chúng ta đã cùng nhau tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.

“Phát biểu trước Quốc hội thời điểm đầu nhiệm kỳ, tôi đã nêu: Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48. Nhưng rất tự hào là đến nay xếp hạng của nước ta đã tăng 11 bậc (vượt qua 11 quốc gia) đứng thứ 37 thế giới. Dù con đường đi lên còn đầy khó khăn, thử thách, nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng không lâu nữa Việt Nam sẽ bước sang ngưỡng thu nhập trung bình cao và gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào 2045” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thứ ba, kinh tế Việt Nam đang phục hồi và để tiếp đà tăng tốc, vượt lên trong khu vực, đòi hỏi phải cơ cấu lại nền kinh tế năng động hơn, hiệu quả hơn trong từng lĩnh vực, ngành, doanh nghiệp gắn với vận hành hiệu quả các nguồn lực tín dụng, tài khóa, đầu tư công... đồng thời mở ra không gian phát triển kinh tế biển.

Theo đó, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện các trọng tâm về cơ cấu lại đầu tư công, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước. Cơ cấu giữa các ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Năng suất sản xuất tăng, mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân ước đạt 45,7%, vượt mục tiêu đặt ra (30 - 35%). Tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng lên gần 39% năm 2020 đạt mục tiêu đề ra. Công nghiệp từng bước chuyển sang ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ trọng ngày càng cao.

Cùng với đó, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả cao và “thuận thiên” thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống, khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế, cả trong bối cảnh dịch Covid-19. Các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế công nghệ cao như công nghệ thông tin, truyền thông, vận tải, logistics,... phát triển nhanh Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Thứ tư, phát triển giáo dục, văn hóa xã hội là phát huy sức mạnh “nội sinh” của quốc gia. Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể để vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Bên cạnh đó, triển khai giảm nghèo bền vững hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục còn 2,75% năm 2020, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; nâng cao năng lực y tế, phát triển y tế dự phòng, mạng lưới y tế, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19 và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khám chữa bệnh, quản trị bệnh viện. Giáo dục có sự tiến bộ ở tất cả các cấp học, đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với thị trường lao động. Các giá trị văn hóa dân tộc được củng cố và phát huy, đang ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước.

Thứ năm, về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”; “kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên”, Chính phủ đã chỉ đạo khắc phục cơ bản sự cố môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung. Từ đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất sáng kiến trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”.

Thứ sáu, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên của Chính phủ nhằm giúp cho “cỗ máy hành chính” hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và là tiền đề cho nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế. Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa chuyên ngành, thực hiện “cơ chế một cửa”, “một cửa liên thông” giải quyết nhanh thủ tục, giảm tiêu cực.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai và thực hiện hiệu quả Nghị quyết phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Các nền tảng Chính phủ điện tử được tập trung phát triển, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia gắn với Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp trên 2.800 dịch vụ trực tuyến của các bộ, ngành và địa phương.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tích cực chỉ đạo triển khai đồng bộ các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Xử lý nhiều vụ việc, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản; thành lập Tổ công tác đặc biệt để giải quyết dứt điểm nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Thứ bảy, bảo vệ trật tự xã hội, cuộc sống bình yên của mọi người dân, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, sự toàn vẹn mỗi “tấc đất” biên cương, mỗi “dặm biển” khơi xa của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, trách nhiệm cao cả được Chính phủ ưu tiên chỉ đạo các lực lượng vũ trang trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về quốc phòng, an ninh.

Thứ tám, chúng ta đã được tín nhiệm quốc tế rất cao, 192/193 quốc gia thành viên bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, đó thực sự là niềm tự hào của hai tiếng “Việt Nam”. Cùng với việc luôn coi trọng quan hệ với các nước láng giềng thân thiết, Trung Quốc, Lào, Campuchia, chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước, bao gồm các nước ASEAN, các cường quốc G-7, 17/20 thành viên G-20.

Đáng chú ý, thực hiện Chiến lược hội nhập quốc tế đến 2020, tầm nhìn 2030, trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã ký 5 hiệp định thương mại tự do quy mô lớn, tiêu chuẩn cao với gần 50 quốc gia, nền kinh tế lớn trên toàn cầu, mở ra các thị trường rộng lớn, đa dạng cho phát triển nhanh và vượt lên trong khu vực…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là năm 2020 với muôn vàn khó khăn, nhiều thử thách chưa từng có, Chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, luôn sâu sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình, tranh thủ thời cơ; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực.

Tại phiên họp ngày 23/2/2021, Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhận định: Đây là nhiệm kỳ Chính phủ rất thành công, trong bối cảnh, điều kiện có nhiều khó khăn mà Chính phủ vẫn vững vàng chèo lái nền kinh tế đất nước, đạt được thành tựu rất có ý nghĩa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Với khí thế và khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, cùng tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng ta tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ phát huy những thành tựu và kết quả đã đạt được; đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, khai thác tối đa cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và hướng tới những mục tiêu, khát vọng xây dựng quốc gia Việt Nam trở nên giàu mạnh hùng cường vào giữa thế kỷ 21.

Quỳnh Nga - Đỗ Nga

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024

Khơi thông nguồn lực từ những dự án ách tắc, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội

Luật Điện lực (sửa đổi): Tháo gỡ chính sách, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về điện

Công điện của Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó bão Yinxing

Trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Đại sứ Cuba Hernandez Guillén đến chào từ biệt

Điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sự cố máy bay Yak-130: Bộ trưởng Phan Văn Giang gửi thư khen hai phi công bản lĩnh, tự tin

Đại biểu Quốc hội thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp

Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ

Bàn giao nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 2 giữa Trung tướng Phạm Hồng Chương và Thiếu tướng Trần Văn Bắc

Kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2024) - Cuộc cách mạng của nhân dân

Xử lý SCB, Vạn Thịnh Phát, FLC cho thấy có trách nhiệm của tổ chức kiểm toán

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thiết kế 'luồng xanh' để hút vốn đầu tư

Thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Quảng Tây, Trung Quốc

Chủ tịch nước Lương Cường sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC, thăm chính thức Chile và Peru

Tại sao cơ sở tư nhân mua được thiết bị y tế rẻ hơn cơ sở công lập?