Chính phủ Trung Quốc cấm ChatGPT?
Một số nhà cung cấp quyền truy cập ChatGPTcho người dùng internet Trung Quốc đã bị chặn, đặt ra câu hỏi liệu chính quyền nước này có đang kiểm soát việc sử dụng chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) hay không.
Một cuộc trò chuyện bằng tiếng Trung với ChatGPT. Ảnh: Getty Images |
Kể từ khi công ty khởi nghiệp OpenAI có trụ sở tại San Francisco ra mắt ChatGPT vào tháng 11, nhiều tài khoản đã xuất hiện trên siêu ứng dụng WeChat của Tencent Holdings, kết nối với ChatGPT thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) cho phép hai phần mềm giao tiếp với nhau.
Các tài khoản WeChat này đã cho phép người dùng ở Trung Quốc sử dụng ChatGPT một cách chính thức, tuy nhiên một số nhà điều hành bao gồm Yibai Technology, ChatGPRobot, Shenlan BL và AI Duihua đã bị vô hiệu hóa, theo sự kiểm tra của tờ South China Morning Post.
Yibai Technology đã xóa nút kích hoạt ChatGPT trong khi ChatGPTRobot đã bị đình chỉ vì “vi phạm các luật và quy định có liên quan”, theo một thông báo trên tài khoản.
Shenlan BL và AI Duihua đã thông báo riêng với người dùng vào cuối tuần qua rằng các dịch vụ truy cập ChatGPT của họ “không khả dụng” mà không nêu rõ lý do. Họ yêu cầu người dùng chuyển sang các tài khoản công khai mới cung cấp các dịch vụ tương tự.
Một người dùng giấu tên cho biết tài khoản WeChat cá nhân của anh ấy đã bị chặn vào tuần trước, ba ngày sau khi anh ấy liên kết ChatGPT qua API. Anh ấy cho biết anh chỉ có thể lấy lại quyền truy cập vào tài khoản sau khi hứa sẽ không tùy tiện nhúng API vào tài khoản của mình nữa.
Các nhà cung cấp quyền truy cập dịch vụ ChatGPT cho người dùng Trung Quốc đã bị chặn. Ảnh: dpa |
Chính quyền Trung Quốc đã tăng cường điều tra các dịch vụ giống như ChatGPT và có kế hoạch chặn các proxy trong nước cung cấp quyền truy cập vào ChatGPT, theo một báo cáo đã bị xóa của tờ 21st Century Business Herald.
Tencent và Ant Group, chi nhánh công nghệ tài chính của Alibaba Group Holding, đã được các nhà quản lý Trung Quốc yêu cầu không cung cấp dịch vụ ChatGPT trực tiếp hoặc bên thứ ba trên nền tảng của họ, theo báo cáo của Nikkei Asia hôm 22/2.
DingTalk, nền tảng cộng tác doanh nghiệp của Alibaba, đã xóa hướng dẫn cách thêm bot ChatGPT vào các cuộc trò chuyện nhóm.
Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc và Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, hai cơ quan chính giám sát lĩnh vực internet của nước này, hiện chưa có bình luận gì thêm.
Hai nhà khai thác khác có tài khoản proxy ChatGPT vẫn hoạt động trên WeChat cho biết không nhận được bất kỳ thông báo đặc biệt nào từ ứng dụng, mặc dù một trong những nhà khai thác cho biết đã được yêu cầu không nói chuyện với truyền thông.
Khi ChatGPT đạt được sức hút trên toàn cầu, một số công ty Trung Quốc cho biết đang phát triển các hệ thống chatbot tương tự cho riêng mình. Baidu, nhà điều hành công cụ tìm kiếm phổ biến nhất của Trung Quốc, đặt mục tiêu hoàn thành thử nghiệm nội bộ Ernie Bot vào tháng tới trước khi đưa chatbot ra công chúng, trong khi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba cũng cho biết đang thử nghiệm một dịch vụ giống ChatGPT.