Quân Ukraine đang tháo chạy khỏi Kurakhovo
Quân đội Ukraine đang rút lui khỏi thành phố Kurakhovo thuộc Donetsk và một số ngôi làng lân cận do thiếu nhân lực, đạn dược trầm trọng và tinh thần sa sút, một xạ thủ Nga thuộc nhóm điều khiển hệ thống phóng tên lửa đa nòng BM-21 Grad tiết lộ với hãng tin Sputnik.
Truyền thông Nga cho hay, binh sĩ Ukraine đã từ bỏ các vị trí ở Kurakhovo. Ảnh: Sputnik |
Những nỗ lực tuyệt vọng của quân đội Ukraine nhằm tiếp tế đạn dược, nhân lực và trang thiết bị đang bị dập tắt bởi hỏa lực không ngừng nghỉ, người lính thuộc Nhóm chiến đấu Yug của Nga cho biết thêm.
Kurakhovo đóng vai trò là trụ cột phòng thủ của Ukraine trong khu vực vì nó chỉ cách Donetsk 46 km (khoảng 28,6 dặm). Việc giải phóng thành phố này sẽ mở đường cho quân đội Nga tới Krasnoarmeysk (Pokrovsk), một trung tâm hậu cần quan trọng của Ukraine.
Lực lượng Nga đã tiến vào Kurakhovo từ nhiều hướng với mục đích bao vây nó, trong khi lực lượng Ukraine bên trong thành phố này đã không thể giữ vững vị trí của mình. Khi Lực lượng vũ trang Nga tiến về trung tâm đường sắt Krasnoarmeysk, họ dường như cũng đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới ở khu vực Zaporozhye, tờ Washington Post dẫn lời quân đội Ukraine cho biết.
Tờ báo này cho biết thêm rằng, sau khi thường xuyên thả bom lượn và các chất nổ khác trên những cánh đồng để xác định vị trí đặt mìn và cứ điểm của Ukraine trong suốt mùa Hè năm nay, các lực lượng Nga hiện đang tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và bộ binh.
Khi nhận thức về một cuộc tấn công lớn sắp xảy ra đang tới gần, binh lính Ukraine gần như không mong đợi sẽ có khoảng thời gian được nghỉ ngơi trên chiến trường, tờ báo Mỹ cho hay.
Việc quân đội Nga giải phóng Kurakhovo sẽ gây ra thảm họa cho quân đội của chế độ Kiev, Đại tá về hưu Anatoly Matviychuk, chuyên gia quân sự Nga, từng nói với Sputnik. Ông nhấn mạnh rằng, Kurakhovo cũng quan trọng đối với Kiev xét từ quan điểm kinh tế, vì khu vực này hiện là nơi duy nhất nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine duy trì hoạt động sản xuất than cốc.
Nga tập kích hàng loạt xe bọc thép tại Kursk
Kênh thông tấn TASS dẫn thông báo Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hôm 16/11, các sĩ quan trong nhóm tác chiến hỗn hợp trên trên trực thăng Mi-28NM đã thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào xe bọc thép và nhân lực Ukraine ở khu vực biên giới tại Kursk.
Thông báo cho biết: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến đấu hỗ trợ lực lượng mặt đất, các phi công đã phóng tên lửa vào tọa độ do xạ thủ máy bay truyền đi và phá hủy các xe bọc thép của Lực lượng vũ trang Ukraine”.
Sau cuộc tấn công, các phi hành đoàn đã không kích chống tên lửa ở độ cao cực thấp, bắn ra các bẫy nhiệt ngăn tên lửa MANPADS của đối phương phóng trúng mục tiêu. Xạ thủ phòng không của Nga sau đó xác nhận đã tiêu diệt tên lửa này.
Một ngày trước đó, hãng RT đưa tin, Quân đội Nga đã phá hủy một xe chiến đấu bọc thép Stryker do Mỹ sản xuất ở tỉnh Kursk. Đoạn video dài 19 giây được ghi lại từ máy bay không người lái cho thấy, xe bọc thép Stryker đang di chuyển trên con đường đất dọc theo cánh đồng và gần khu vực nhiều cây cối rậm rạp. Thiết giáp Mỹ bốc cháy sau khi bị máy bay không người lái nhắm trúng.
Theo chú thích của đoạn video đăng trên kênh Telegram Troyka, thủy quân lục chiến Nga đã phá hủy thiết giáp này bằng máy bay không người lái dòng Lancet.
Dòng máy bay không người lái này đã trở thành một trong những công cụ tầm trung quan trọng trong kho vũ khí của Nga. Lancet liên tục được sử dụng để tiêu diệt các tài sản có giá trị cao của Ukraine, như pháo di động và pháo kéo, radar...
Máy bay không người lái Lancet do ZALA Aero Group thuộc Tập đoàn Kalashnikov phát triển. Máy bay không người lái Lancet có khả năng mang tải trọng tới 3 kg, với tầm bắn tối đa 50 km. Lancet cũng đã được sử dụng thành công để chống lại các mục tiêu bọc thép hạng nặng như xe tăng do phương Tây cung cấp cho Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga không đề cập đến vị trí cụ thể của cuộc tấn công. Theo Bộ này, quân đội Nga đang tiếp tục phản công trong tỉnh Kursk - khu vực Ukraine mở cuộc tấn công từ tháng 8.
Tổng thống Putin điện đàm với Thủ tướng Đức, nêu điều kiện chấm dứt xung đột
Kênh Sputnik dẫn lời thông báo ngày 15/11 của Điện Kremlin, theo sáng kiến của phía Đức, cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz kể từ tháng 12/2022 đã được tổ chức.
"Về triển vọng giải quyết xung đột bằng chính trị và ngoại giao, Tổng thống Nga lưu ý rằng, phía Nga chưa bao giờ từ chối và vẫn sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán đã bị chính quyền Kiev làm gián đoạn", Điện Kremlin cho biết.
"Các đề xuất của Nga đã được công bố rộng rãi và được nêu rõ, đặc biệt là trong bài phát biểu của Tổng thống vào tháng 6 tại Bộ Ngoại giao Nga", Điện Kremlin cho biết thêm.
Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Putin cho biết, các thỏa thuận với Ukraine cần phải tính đến lợi ích an ninh của Nga và dựa trên thực tế về lãnh thổ.
"Các thỏa thuận, nếu đạt được, cần phải tính đến lợi ích của Nga trong lĩnh vực an ninh, xuất phát từ thực tế lãnh thổ mới và trên hết là loại bỏ nguyên nhân gây ra xung đột", ông chủ Điện Kremlin cho biết thêm.
Trong cuộc điện đàm mới nhất, Thủ tướng Scholz hối thúc Tổng thống Putin khởi động lại các cuộc đàm phán với Ukraine nhằm đạt được "nền hòa bình công bằng và lâu dài".
Ông Scholz nhấn mạnh, Nga cần thể hiện sự sẵn sàng cho các cuộc đàm phán.
Thủ tướng Scholz nói với Tổng thống Putin rằng, xung đột ở Ukraine phải chấm dứt, đồng thời cảnh báo nhà lãnh đạo Nga rằng, Đức sẽ hỗ trợ Ukraine trong thời gian lâu nhất có thể.
Một nguồn tin trong chính phủ Đức tiết lộ rằng, ông Scholz và ông Putin đã đồng ý giữ liên lạc trong tương lai.
Theo số liệu của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Đức là nước đóng góp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bắt đầu, đóng góp khoảng 10,6 tỷ Euro tiền vũ khí từ năm 2022.