Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Đức kêu gọi thiết lập đối thoại với Nga và Ukraine
Kênh truyền hình ARD của Đức dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho hay, ông ủng hộ việc bắt đầu đàm phán với Tổng thống Putin, bất chấp sự chỉ trích từ các đồng minh NATO và Kiev.
“Chúng ta cần không ngừng cố gắng thực hiện xây dựng đối thoại với Nga, nhưng chúng ta phải tiếp tục cố gắng và đồng thời hỗ trợ Ukraine”, ông Pistorius nói.
Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng hướng đi trước đó của Nga là không thay đổi.
Trước đó, hôm 15/11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điện Kremlin cho biết, cuộc đàm phán diễn ra theo sáng kiến của phía Đức. Trong cuộc điện đàm, hai bên đã trao đổi quan điểm về cuộc xung đột Ukraine.
Nga xác nhận tập kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine
Theo RT, Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng cũng như các cơ sở quân sự khác của Ukraine.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua tiếp tục nóng. Ảnh: RIA |
Phía Nga xác nhận đã tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine đêm ngày 16/11 nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng và công nghiệp quân sự quan trọng. Bộ Quốc phòng Nga công bố một số chi tiết của cuộc tấn công sử dụng UAV cũng như các loại vũ khí trên không và trên biển tầm xa khác.
“Cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng hỗ trợ hoạt động của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine cũng như các nhà máy sản xuất thiết bị quân sự. Tất cả các mục tiêu được chỉ định đều đã bị tấn công”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo.
Ukraine nói gì trước thông tin Mỹ dỡ bỏ hạn chế đối với vũ khí tầm xa
RT đưa tin, Tổng thống Zelensky mới đây đã tuyên bố hoan nghênh Tổng thống Biden đã đảo ngược chính sách, cho phép nước này sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga.
Tuyên bố của ông Zelensky đưa ra ngay sau khi nhiều hãng tin thông báo Chính quyền Tổng thống Biden đã đảo ngược chính sách lâu nay là không cho phép Kiev sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ của Nga.
“Kế hoạch tăng cường cho Ukraine chính là nội dung ‘Kế hoạch chiến thắng’ mà tôi đã trình bày với các đối tác. Một trong những điểm chính là khả năng nâng tầm xa cho quân đội. Ngày nay, có rất nhiều cuộc thảo luận trên phương tiện truyền thông về việc chúng ta nhận được sự cho phép cho các hành động tương ứng”, Tổng thống Ukraine nói.
“Các cuộc tấn công không thực hiện qua lời nói. Tên lửa sẽ tự nói lên điều đó. Chắc chắn là như vậy”, ông Zelensky nhấn mạnh.
Pháp và Anh cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa SCALP
Tờ Le Figaro của Pháp hôm 17/11 đưa tin, Pháp và Anh đã tiếp bước Mỹ, cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa SCALP/Storm Shadow.
Trước đó cùng ngày, New York Times dẫn lời các quan chức giấu tên của chính quyền Mỹ xác nhận Tổng thống Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Washington cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.
Nga chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nói về quyết định của ông Biden cho phép Ukraine tấn công tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga
TASS dẫn lời người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ông Liu Pengyu cho hay, Trung Quốc phản đối bất kỳ bước đi nào có thể dẫn đến leo thang xung đột ở Ukraine và làm gia tăng căng thẳng.
“Lập trường của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine là nhất quán và rõ ràng. Trung Quốc cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và phản đối bất kỳ bước đi nào có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng cũng như leo thang tình hình trong khu vực”, ông Liu Pengyu nói.
Ông cũng nhấn mạnh, Bắc Kinh ủng hộ giải pháp ngoại giao hòa bình cho cuộc xung đột. “Thay vì đổ thêm dầu vào lửa, các bên liên quan nên cố gắng tạo điều kiện cho giải pháp chính trị thông qua đối thoại và đàm phán cũng như nỗ lực thiết thực để duy trì hòa bình”, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc lưu ý.