Đề xuất ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc được nới room ngoại lên 49% Ngân hàng Nhà nước hé lộ việc chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém Nới room để hút vốn ngoại vào tái cơ cấu ngân hàng |
Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã cập nhật kết quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Theo đó, Chính phủ cho biết, hiện đã hoàn thiện phương án chuyển giao đối với 2 ngân hàng mua bắt buộc là Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng TNHH MTV Đại dương (OceanBank); đồng thời đang tiếp tục hoàn thiện phương án chuyển giao đối với 2 ngân hàng còn lại là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP phần Đông Á (DongA Bank). Đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại.
Báo cáo cũng nêu rõ việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu còn chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập.
Chính phủ đã hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc với 2 ngân hàng CBBank và OceanBank |
Liên quan đến việc xử lý ngân hàng yếu kém, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương diễn ra ngày 7/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, ngành ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng tài liệu sẽ tổ chức lễ chuyển giao 2 ngân hàng 0 đồng sau giai đoạn dài khó khăn. Hai ngân hàng còn lại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện nhanh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đến thời điểm hiện tại, dù chưa công bố chính thức, nhưng các thông tin trên thị trường cho thấy, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ nhận chuyển giao CBBank, còn Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) sẽ tiếp nhận OceanBank.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Vietcombank năm 2024, thành viên Hội đồng quản trị Vietcombank - Đỗ Việt Hùng cho biết, dự kiến việc chuyển giao sẽ được thực hiện trong năm nay.
Ban lãnh đạo Vietcombank chưa chính thức công bố về danh tính ngân hàng mà nhà băng này sẽ nhận chuyển giao bắt buộc, song lãnh đạo CBBank từng cho biết sẽ chuyển giao bắt buộc về Vietcombank.
Thực tế, hiện Vietcombank cũng đang hỗ trợ cho vay và hỗ trợ toàn diện CBBank, từ thay đổi về mô thức quản trị, hệ thống công nghệ, đến hệ thống sản phẩm dịch vụ và hình ảnh thương hiệu… Chia sẻ tại đại hội cổ đông năm nay, bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cũng cho biết, từ 2015, Vietcombank đã hỗ trợ về kỹ thuật cho CBBank. Đến năm 2022, Vietcombank đã cho CBBank vay 10.000 tỷ đồng; và năm 2023 vay 6.700 tỷ đồng. Lãnh đạo Vietcombank cho biết thêm, do quy định, các khoản nợ này được xếp vào nhóm 5 (là nợ xấu có nguy cơ khó thu hồi nhất). Tuy nhiên, trong quý I/2024 sau khi hoàn nhập, số dư của những khoản nợ này đã giảm về 1.000 tỷ đồng.
Vietcombank cũng đang hỗ trợ cho CBBank vay hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: Duy Minh |
Tương tự, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của MB năm 2024, Tổng giám đốc MB - Phạm Như Ánh kỳ vọng có thể hoàn thành việc nhận chuyển nhượng bắt buộc một ngân hàng trong năm 2024 hoặc trong năm 2025 để “mở ra không gian phát triển mới cho MB, nhất là tăng trưởng tín dụng” - ông Ánh kỳ vọng.
Bổ sung thêm, Chủ tịch MB - Lưu Trung Thái cho biết, ngân hàng đã trình và hoàn tất mọi thủ tục từ phía MB, chỉ đợi kết quả phê duyệt và đã sẵn sàng nhận chuyển giao.
Cũng như Vietcombank, tuy danh tính ngân hàng được chuyển giao bắt buộc không được MB tiết lộ nhưng thông tin bước đầu xác định là OceanBank. Thực tế, tại nhiều Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kinh doanh của OceanBank, các lãnh đạo cao nhất của MB là ông Lưu Trung Thái và ông Phạm Như Ánh đều tham dự.
Phát biểu với tư cách khách mời của Hội nghị năm 2022, ông Lưu Trung Thái từng cho biết, việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB. Theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước mà Chính phủ đã cho phép, MB sẽ phối hợp cùng OceanBank kiểm tra hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ.
Liên quan đến các nội dung khác của Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo của Chính phủ cho biết thêm, về nội dung tăng vốn cho nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và vấn đề xử lý nợ xấu.
Theo đó, nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống tổ chức tín dụng cả về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng. Các giải pháp nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục được triển khai tích cực. Hiện đã trình cấp có thẩm quyền Phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank; hoàn thiện hồ sơ tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Ngân hàng Hợp tác xã; hoàn thiện các thủ tục chuyển cấp bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank theo các nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Các ngân hàng thương mại cổ phần tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Thực hiện cơ cấu lại hoạt động theo hướng an toàn, lành mạnh hơn, giảm dần và hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản, chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng; tích cực phát triển các dịch vụ thanh toán, dịch vụ phi tín dụng khác và mở rộng dịch vụ bán lẻ, tín dụng tiêu dùng.
Về xử lý nợ xấu, tính đến cuối tháng 6/2024, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 795.500 tỷ đồng, tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,56%. Trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống xử lý được 167.300 tỷ đồng nợ xấu, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2023.