Chiều mưa Quảng Trị và sắc hoa trên dòng Thạch Hãn
Về Thành cổ Quảng Trị dịp cả nước trang nghiêm, kính cẩn tri ân các anh hùng liệt sỹ - ngày 27/7 - người viết may mắn được tham gia chuyến tri ân do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu, cho dù nhà đài đã có những cảnh báo miền Trung sẽ đón những đợt mưa giông lớn.
Từ Hà Nội đến Nghệ An, rồi Hà Tĩnh, Quảng Bình, chuyến xe tri ân lặng lẽ trong tiếng mưa suốt dải đất miền Trung. Và Đông Hà, ngã ba cầu Ga, trường Bồ Đề, khu Nhà thờ Tri Bưu, Long Hưng, chốt Long Quang… xưa, giờ trầm mặc khói hương
"Cho tôi hôm nay vào thành cổ / Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ / Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ / Xin chớ vô tình với người hy sinh trên mảnh đất quê mình..." - đâu đó loa từ một nhà bên đường vọng đến tiếng hát da diết của ca sĩ Nhã Phương bài Cỏ non Thành cổ của nhạc sĩ Tân Huyền. Đoàn đã đến nơi.
Lối vào Thành cổ chan hòa nước. Cỏ xanh mềm phủ mướt khắp nơi.
"Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi. Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ. Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió. Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây" - Chị cán bộ Ban Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị đọc thay lời nhắc nhở.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và phu nhân cùng đoàn tri ân đặt vòng hoa thành kính trước vong linh các anh hùng liệt sỹ |
Dưới mưa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và phu nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính, đoàn tri ân chúng tôi và đông đảo người dân cùng dâng hương, hoa rồi đứng lặng. Chị cán bộ Ban Quản lý di tích nghẹn lời, khác với nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 hay các nghĩa trang khác, liệt sỹ nào cũng có mộ phần riêng dù biết tên hay chưa biết tên, còn nơi Thành cổ Quảng Trị này là một nghĩa trang chẳng có nấm mồ riêng, các anh chung một ngôi mộ như khi đang chiến đấu, các anh đã chung một chiến hào.
Và cứ nghẹn ngào bằng chất giọng miền Trung da diết, rằng nơi này hơn 40 năm về trước là chiến trường khốc liệt trong cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường 81 ngày đêm để bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị. Chúng ta đã chiến thắng và chiến thắng ấy đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn hội nghị Paris, tạo đà cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hàng ngàn, hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Các anh hy sinh; xương, thịt các anh đã hòa vào lòng đất. Mỗi tấc đất mà các chiến sỹ dành được ở Thành cổ Quảng Trị là một tấc máu xương.
Trong 81 ngày đêm từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, trên diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, thị xã và Thành cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328 nghìn tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo, nhưng các anh vẫn chiến đấu ngoan cường, quyết không rời trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, cứ người này ngã xuống người khác lại đến thay…
Nghe đến đây, bất giác người viết nhớ lại đã đọc ở đâu đó lời nhận định về sự kiện này của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, rằng: "Chúng ta đã chịu đựng được không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng, mà chính chúng ta là những con người, những con người thực sự, những con người Việt Nam với truyền thống bốn ngàn năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trước Tổ quốc, trước thời đại".
Bộ trưởng và phu nhân thả bè hoa tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh trên bến sông Thạch Hãn |
Không trĩu nặng mà nghẹn thở, sống mũi cay và tôi đã thấy tất thảy thành viên đoàn tri ân khóc - những giọt rơi đầy tiếc thương và cảm phục!.
Trong thanh âm dồn ứ xúc cảm khi vị trưởng đoàn thỉnh chuông, câu chuyện cứ lời rơi, lời đọng về liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình dài lắm. Anh Huỳnh khi ấy là sinh viên đại học năm thứ 4, cưới vợ được 6 ngày, chưa kịp có con thì nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Đầu tháng 9/1972, anh nhận nhiệm vụ đưa hàng tiếp tế cho Thành cổ qua sông Thạch Hãn. Linh cảm mình sẽ hy sinh, anh đã bình thản làm cho mình một tấm bia bằng tôn ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán của anh rồi viết thư vĩnh biệt gửi gia đình.
"Thư anh viết rất xúc động, đầy trách nhiệm trước gia đình và Tổ quốc. Tôi xin trích đọc một số đoạn…" - trong nghẹn ứ lời chị cán bộ Ban quản lý di tích, người viết chỉ nhớ rằng, thư anh Huỳnh viết cho gia đình có đoạn: "Hôm nay, con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi đã đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột" và "Em yêu thương! Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì biết bao nỗi buồn đang đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em. Nhưng em ơi hãy bình tĩnh làm theo lời anh căn dặn, còn ngày anh đi xa là ngày anh đề ngoài phong bì mà nhờ bạn anh gửi giúp. Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu".
Anh Lê Văn Huỳnh đã hy sinh bên dòng sông Thạch Hãn vào ngày 2/1/1973 để mãi đến năm 2002, hài cốt của anh mới được tìm thấy ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong và được đưa về an táng tại quê nhà.
Miết mải với dòng cảm xúc, đoàn tri ân đã đến bến sông - sông Thạch Hãn, dòng sông máu trong 81 ngày đêm của cuộc chiến, nơi rất nhiều chiến sỹ của ta đã hy sinh khi tiếp tế nhân lực, vật lực cho mặt trận thị xã và Thành cổ Quảng Trị - giờ đã thành bến hoa - hoa tưởng niệm.
Bến sông hôm nay dường như nhiều hoa hơn. Những bè hoa thành kính bồng bềnh trên sóng nước, chẳng vội xuôi dòng mà níu đợi bến bờ như lưu luyến câu thơ của cựu chiến binh Lê Bá Dương ngày ông về thăm lại chiến trường, thăm lại đồng đội xưa đang yên nghỉ nơi này: Đò xuôi Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ / Đáy sông còn đó bạn tôi nằm / Có tuổi đôi mươi thành sóng nước /Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
Từng nén tâm nhang được dâng lên lư hương đài tưởng niệm. Từng bè hoa được thả xuống dòng Thạch Hãn. Tạm biệt Thành cổ Quảng Trị, tạm biệt bến sông Thạch Hãn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn chúng tôi ai cũng lặng lẽ, trầm tư.
Ngước nhìn tháp chuông nơi phía Tây Thành cổ trong mờ ảo mưa chiều, một câu thơ khẽ vang lên thay cho lời bái biệt vong linh các anh hùng liệt sỹ nơi này, "Hễ có Việt Nam có Cổ Thành. Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh. Huân chương khó đủ từng viên gạch. Tấc đất từng giây mỗi lá cành".