Chiến sự Nga-Ukraine ngày 6/7/2024: Phương Tây không có khả năng giải quyết xung đột; hé lộ lỗ hổng tên lửa ATACMS
Thông tin chiến sự
Nga thông báo tổn thất của Ukraine trong tuần. Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Ukraine đã tổn thất khoảng 13.525 binh sĩ trong các trận giao tranh với lực lượng Nga ở mọi khu vực trên tiền tuyến trong tuần qua.
Theo đó, nhóm chiến đấu phía Bắc của Nga tuần qua đã cải thiện các vị trí tiền tuyến và gây thương vong cho khoảng 1.595 binh sĩ Ukraine, khiến đối phương thiệt hại 4 xe tăng, 3 thiết giáp, 30 phương tiện cơ giới, 3 trạm tác chiến điện tử và 31 khẩu pháo.
Phía Nga cho hay, các đơn vị thuộc nhóm chiến đấu phía Tây của Nga cải thiện vị thế chiến thuật, giành quyền kiểm soát làng Stepova Novoselivka (Kharkiv) và gây ra khoảng 3.580 thương vong cho quân đội Ukraine trong tuần qua.
Nga kiểm soát 4 khu định cư ở Donetsk trong tuần qua. Bộ Quốc phòng Nga thông báo, nhóm chiến đấu phía Nam của Nga tuần qua giành quyền kiểm soát 4 khu định cư ở Donetsk. Từ ngày 29/6 đến 5/7, nhóm chiến đấu phía Nam gây tổn thất cho Ukraine 3.845 binh sĩ, 4 xe tăng, 19 thiết giáp, 40 phương tiện cơ giới, 65 xe cơ giới và 53 khẩu pháo dã chiến.
“Nhóm chiến đấu trung tâm của Nga tuần qua đã gây thương vong cho ba lữ đoàn Ukraine và đẩy lùi 38 cuộc phản công của đối phương. Trong khu vực do nhóm chiến đấu Trung tâm kiểm soát, Ukraine thiệt hại 2.970 binh sĩ, 5 xe tăng, 12 thiết giáp cùng nhiều khẩu pháo”, Bộ Quốc phòng Nga báo cáo.
Một số diễn biến liên quan
Phương Tây không có khả năng giải quyết xung đột ở Ukraine. Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal thừa nhận. phương Tây không thể làm gì để giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine.
“Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chìa khóa để giải quyết cuộc xung đột này một cách hòa bình. Phương Tây, thậm chí cả Mỹ không thể làm được điều này. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là cung cấp vũ khí cho Ukraine”, ông Stubb nói.
Nga tuyên bố kiểm soát 4 khu định cư ở Donetsk trong tuần qua. Ảnh: RIA Novosti |
Hé lộ lỗ hổng của tên lửa ATACMS. Chuyên gia quân sự Nga Anatoly Matviychuk cho rằng, lỗ hổng của tên lửa ATACMS là khả năng dẫn đường bằng hệ thống kiểm soát không gian. Ông lưu ý, các chuyên gia quân sự Nga đã đưa ra kết luận này sau khi nghiên cứu tên lửa.
“Bây giờ chúng tôi đã biết tất cả điểm mạnh và điểm yếu của những tên lửa này, chúng tôi có thể vô hiệu hóa hoàn toàn mối đe dọa, khiến chúng không thể bắn trúng mục tiêu nào cả”, ông Matviychuk nhấn mạnh.
Theo ông, những tên lửa này có hai hệ thống dẫn đường: quán tính do chương trình thiết lập và với sự trợ giúp của hệ thống điều khiển không gian. Ông giải thích, quân đội Nga có thể tạo ra “sự can thiệp tích cực khiến tên lửa mất định hướng trong không gian”.
NATO nêu giải pháp đạt được hòa bình. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh đang tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Ukraine.
"Tôi hy vọng các đồng minh sẽ đồng ý rằng chúng ta phải duy trì sự hỗ trợ, hỗ trợ kinh tế cũng như quân sự của chúng ta, cho Ukraine theo cách đảm bảo rằng Ukraine chiếm ưu thế, rằng họ có thể phòng thủ trước hành động của Nga ngày nay và ngăn chặn điều đó trong tương lai", ông Stoltenberg tuyên bố tại cuộc họp báo trước thềm hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Washington dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Theo ông Stoltenberg, để đạt được hòa bình ở Ukraine, các đồng minh phải tiếp tục cung cấp "sự hỗ trợ mạnh mẽ" cho Ukraine và tránh lặp lại thỏa thuận Minsk.
Ukraine nhận thêm tên lửa Patriot. Đại sứ Đức tại Ukraine Martin Jaeger cho hay, hệ thống phòng không Patriot thứ 3 do Đức cung cấp đã đến Ukraine.
"Patriot sẽ giúp cải thiện việc bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng. Các binh sĩ Ukraine đã hoàn thành khóa huấn luyện phù hợp ở Đức", ông Jaeger cho biết.
Trong khi đó, Tư lệnh Lực lượng Phòng không và Tên lửa Nga Andrey Semyonov cho rằng, các hệ thống Patriot do phương Tây cung cấp cho Ukraine tỏ ra không thể bảo vệ được các mục tiêu cũng như chính bản thân hệ thống này.
Theo ông các hệ thống phòng không của Nga đã khẳng định khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công của mọi loại khả năng tấn công trên không của đối phương.
Ukraine muốn phản công nhưng thiếu viện trợ. Tổng thống Zelensky từ chối mô tả tình hình tiền tuyến là “bế tắc”, nhưng thừa nhận “có vấn đề”. Theo ông, Kiev đang thiếu công cụ để giải quyết các “vấn đề” nêu trên, nên phải tập trung vào các hoạt động phòng thủ thay vì xúc tiến một đợt phản kích mới nhằm vào các lực lượng Moscow.
“Chúng tôi có lực lượng dự bị nhưng nhiều lữ đoàn đang không có vũ khí. Chúng tôi có 14 lữ đoàn không được trang bị vũ khí phù hợp và đầy đủ”, ông Zelensky tiết lộ. Mặc dù nhà lãnh đạo Ukraine không đưa ra con số chính xác, nhưng ông rõ ràng đang nói đến lực lượng dự bị gồm ít nhất 40.000 quân của đất nước.
Ông Zelensky cũng than phiền về việc “chậm” chuyển giao các khí tài do phương Tây sản xuất để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt trang thiết bị cũng như việc các nước đồng minh đã không gửi các hệ thống vũ khí cam kết đủ nhanh.